Doanh nhân

Thói quen buổi sáng của những người thành công

Thói quen làm việc tốt là một yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của mỗi cá nhân. Đối với những người thành công nổi tiếng trên thế giới, buổi sáng là khoảng thời gian quan trọng trong ngày, mỗi người trong số họ lại có cách khác nhau để tạo ra tinh thần cho ngày làm việc hiệu quả nhất.

Không hẹn nhưng nhiều trong số những cá nhân xuất chúng này lại gặp nhau ở một điểm: họ thường tranh thủ “dọn dẹp” đống email công việc để dành thời gian cho những công việc mang tính chiến lược và quan trọng hơn khi thực sự bắt tay vào công việc.

Vậy cụ thể thì những người thành công thường làm gì vào những giờ đầu tiên trong ngày? Hãy cùng tham khảo “thói quen buổi sáng” của một số gương mặt thành công và nổi tiếng dưới đây:

Tony Robbins: Biết ơn và hình dung về tương lai

Tony Robbins là nhà diễn thuyết, huấn luyện viên và là tác gia nổi tiếng thế giới về các chủ đề giúp xác định và tận dụng thế mạnh của cá nhân. Ông khuyên mỗi người nên bắt đầu một ngày làm việc bằng lòng biết ơn vì những gì mình có.

Tony cho rằng mỗi người cần dành ra 15 phút mỗi sáng để nghĩ về những điều tốt đẹp trong cuộc sống, đồng thời cố gắng thấu hiểu bản thân đang làm gì và thực sự muốn điều gì trong cuộc đời. Những điều này sẽ giúp bạn đạt được trạng thái đỉnh cao để sẵn sàng cho thành công.

Một trong những câu nói nổi tiếng của Tony Robbins là “Hãy suy nghĩ và biến chúng thành hành động, kiến tạo thành quả, biến ước mơ thành sự thật”.

Tim Cook: Giải quyết email vào 4:30 sáng

Thói quen thường làm vào buổi sáng của những người thành công.

Có rất nhiều người ủng hộ quan điểm “tránh xa” email trước khi thực sự bước vào giờ làm việc. Nhưng Tim Cook - CEO của Apple, thì nghĩ khác. Ông cho rằng nên giải quyết hết những email đó để “dọn đường” trước khi bắt đầu một ngày làm việc mới, đây là cách để ông có thể tập trung vào những công việc ưu tiên trong ngày.

David Karp: Check email khi đến văn phòng

Nhà sáng lập trang Tumblr đi ngược lại với mọi quy luật về sắp xếp thời gian khi quản lý thành công một hệ thống bao gồm trên dưới 17,5 triệu trang blog trực tuyến. Ông không bao giờ kiểm tra email ở nhà, nhưng đó lại là điều ông làm đầu tiên khi đến văn phòng. Theo ông, đây là cách để xếp thứ tự ưu tiên cho các công việc trong ngày.

Mark Twain: Làm việc khó trước

“Hãy ăn con ếch sống đầu tiên vào buổi sáng và sẽ chẳng có gì tệ hơn có thể xảy ra với bạn trong cả ngày hôm đó”. Đó là đúc rút của Mark Twain khi nói về thói quen làm việc buổi sáng của mình.

Mark Twain luôn giải quyết những nhiệm vụ khó khăn nhất vào mỗi sáng (mà ông ví von là “con ếch sống”). Cảm giác hoàn thành và sự mãn nguyện sẽ khiến bạn cảm thấy hứng thú để hoàn thành tốt các công việc trong ngày.

Howard Schultz: Đặt ra những ưu tiên

Thói quen thường làm vào buổi sáng của những người thành công.

Vị CEO của Starbucks thường dành ra một tiếng đầu tiên để xếp thứ tự ưu tiên cho các công việc trong ngày. Nhưng đó là sau khi ông đã dành thời gian đạp xe cùng vợ và đến công ty vào 6 giờ mỗi sáng.

Geraldine Laybourne: Hỗ trợ những thế hệ tiếp nối

Thói quen thường làm vào buổi sáng của những người thành công.

Cựu CEO của Oxygen Channel luôn mang đến lời khuyên cho những người trẻ. Bà thích nói chuyện với họ tại công viên Central Park vào mỗi buổi sáng sớm. Bà tin rằng những cá nhân chăm chỉ thức dậy sớm vào mỗi sáng xứng đáng nhận được sự giúp đỡ.

Laura Vanderkam: Làm một báo cáo hoặc email “khó nhằn”

Laura là tác giả của “What the Most Successful People Do Before Breakfast” (Tạm dịch: Việc mà phần lớn người thành công làm trước bữa sáng). Bà cho rằng việc viết lách cần nhiều sự tập trung và quãng thời gian lý tưởng để làm công việc này là 1 tiếng đầu tiên trong ngày làm việc, bởi đây là khoảng thời gian một người ít bị ảnh hưởng bởi sự phiền nhiễu, gián đoạn và các cuộc họp tại công ty. Trí lực của con người cũng sẽ mạnh nhất vào khoảng thời gian này.

Todd Smith: Chào hỏi đồng nghiệp

Todd Smith có 30 năm là doanh nhân, cuốn “Little Things Matter” (Tạm dịch: Những điều bé nhỏ cũng có ý nghĩa) bàn về cách đối xử với đồng nghiệp tại công ty. Trong đó, ông nói về tầm quan trọng của việc chào hỏi đồng nghiệp.

Thật tệ nếu mọi người gặp nhau mà chẳng nói được câu “Chào buổi sáng” hay lờ đi như không thấy. Những câu chào hỏi hay vài câu nói thân thiện tuy nhỏ nhưng cũng là một yếu tố quan trọng làm gia tăng khí thế làm việc, tạo dựng mối liên kết giữa mọi người. Điều này đặc biệt quan trọng trong nửa tiếng đầu tiên trong ngày khi tinh thần mọi người vẫn đang còn uể oải.

Việc gửi email cũng cần phải được lưu ý. Tốt nhất là bạn không nên “spam” hòm mail của mọi người bằng việc cc họ trong những email không liên quan, thay vào đó, bạn chỉ nên gửi cho những người thực sự liên quan đến công việc.

Benjamin Franklin: Giúp đỡ mọi người

“Câu hỏi cho buổi sáng: Tôi nên làm gì hôm nay?”, đó là cảm nghĩ của Benjamin Franklin được Adam Grant, tác giả của cuốn “Give and Take” (Tạm dịch: Cho đi và nhận lại), chia sẻ lại. Ông cũng thường khởi đầu một ngày mới bằng một việc tốt, và ông đặc biệt tin rằng giúp đỡ những đồng nghiệp trong các vấn đề họ gặp phải hoặc giới thiệu cho họ những người có thể giúp là cách tốt để tạo nên những tác động nhân – quả tích cực mang lại nhiều điều tốt lành cho bạn. Theo ông, thể hiện sự thiện chí và hỗ trợ mọi người là cách tốt nhất để khởi đầu ngày mới.

Steve Murphy: Lập kế hoạch

CEO của Rodale khuyến khích nhân viên của mình dành ra khoảng 1 tiếng đầu tiên để suy nghĩ và viết ra những ý tưởng của bản thân cùng những việc ưu tiên cần làm trước. Việc “rành mạch hóa” tư tưởng này sẽ khiến công việc của ông trở nên có chiến lược và chủ động hơn rất nhiều. Tuy nhiên, bản thân ông cũng không tự “sáng tác” ra cách làm này mà là lấy ý tưởng từ một câu nói nổi tiếng của William Blake “Suy nghĩ vào buổi sáng, hành động vào buổi trưa, đọc vào buổi tối, và ngủ khi đêm về”.

Tim Armstrong: Học tập và lắng nghe

CEO của AOL thường mất hàng giờ để di chuyển tới chỗ làm với người lái xe riêng. Trong khoảng thời gian đó, ông có thể giải quyết rất nhiều email công việc. Ông thích sử dụng thời gian ở văn phòng để học tập và lắng nghe những suy nghĩ của đồng nghiệp hay giao lưu hơn là ngồi giải quyết email.

Tổng hợp theo Doanhnhansaigon

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo