Góc nhìn

Thông tư không hướng dẫn khác nào “chơi xỏ” doanh nghiệp

Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các đơn vị kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật khi lưu hành sản phẩm của mình ra thị trường bắt buộc phải in dấu hợp quy trên nhãn đã được quy định cụ thể trong thông tư 03 /2013/TT-BNNPTNT và thông tư 55/2012/TT-BNNPTNT ra ngày 31/10/2012.

Nhưng thông tư 55/2012/TT-BNNPTNT ra ngày 31/10/2012 quy định thủ tục chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy. Chứ không hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp phải thực hiện việc làm hợp quy như thế nào?

Khi được hỏi về những vướng mắc của doanh nghiêp đối với thông tư 03 của Bộ Nông nghiệp, một số doanh nghiệp kinh doanh trong ngành thuốc BVTV chia sẻ: “Cục bảo vệ thực vật không có văn bản hướng dẫn tới sở nông nghiệp các tỉnh trên phạm vi cả nước để thống nhất về cách thức chung tiến hành cũng như hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật. Để tránh tình trạng quy định một đằng nhưng khi người xét duyệt ở các sở  nông nghiệp lại thực hiện và yêu cầu một nẻo và thiết nghĩ trường hợp này cũng không phải khó hiểu ở đất nước ta khi mà thủ tục còn quá rườm rà và quan liêu.
 
Khi thông tư 03 ra đời yêu cầu in dấu hợp quy trên sản phẩm nhưng các doanh nghiệp kinh doanh loay hoay không biết Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hay Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) ở đâu để làm và công bố hợp quy. Đồng thời cũng còn rất nhiều hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật không có tiêu chuẩn cho nên doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng bế tắc?
 
Ngày 31 tháng 7 năm 2014 Cục bảo vệ thực vật ra tiêu chuẩn cơ sở TCCS 135:2014/BVTV – thuốc bảo vệ thực vật – yêu cầu kỹ thuật chung cho tất cả các dạng thuốc bảo vệ thực vật được áp dụng cho các hoạt chất chưa có tiêu chuẩn. 
 
Cuối tháng 7 Cục bảo vệ thực vật ra được tiêu chuẩn chung áp dụng cho tất cả các hoạt chất không có tiêu chuẩn cụ thể, trong khi đó thời hạn in dấu hợp quy là ngày 25/02/2015. Thử hỏi doanh nghiệp sẽ phải đi đâu, làm gì để thực hiện trong khoảng thời gian hẹp hòi trên. Đó còn chưa kể đến các hướng dẫn cụ thể trong tổng số một loạt các quy định khi yêu cầu làm hợp quy khác mà chưa có?
 
Khó khăn nhất phải kế đến đó là các doanh nghiệp không biết phải mang mẫu thuốc bảo vệ thực vật đi đâu để phân tích tiến hành làm công bố hợp quy. Các chỉ tiêu quy định cụ thể trong tiêu chuẩn nhưng các trung tâm phân tích được sự chỉ định của Cục bảo vệ thực vật như Trung tâm kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc, Trung tâm kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam không có đủ trang thiết bị máy móc để phân tích. 
 
Ví dụ, Theo yêu cầu kỹ thuật của thuốc thành phẩm Abamectin dạng nhũ dầu EC (TCVN 9475:2012) yêu cầu phân tích các chỉ tiêu như: Hàm lượng hoạt chất Abamectin, Độ bền nhũ tương, Độ bọt, Độ bền bảo quản ở 00C trong 7 ngày, Độ bền bảo quản ở 540C trong 14 ngày
 
Yêu cầu kỹ thuật là vậy nhưng Độ bền bảo quản ở 00C trong 7 ngày và Độ bền bảo quản ở 540C trong 14 ngày các Trung tâm không làm được? Vậy các doanh nghiệp phải làm sao để tiến hành hợp quy?
 
Một số doanh nghiệp kinh doanh thuốc BVTV cho biết: “Đặc trưng về dạng thuốc bảo vệ thực vật đó là dạng nhũ dầu (EC) và dạng bột thấm nước (WP) với việc không phân tích được các chỉ tiêu như vậy thì liệu các doanh nghiệp làm hợp quy thế nào và làm ra sao? Riêng đối với mục này thử hỏi các nhà quản lý xem xét thay doanh nghiệp họ sẽ phải làm sao khi thời gian yêu cầu thực hiện in dấu hợp quy đang đến gần 25/2/2015?”.
 
Trong khi các doanh nghiệp đang loay hoay không biết làm hợp quy như thế nào? Thì cơ quan quản lý thị trường các tỉnh họ áp dụng nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 08 năm 2006 xử phạt các sản phẩm thuốc trừ sâu khi lưu thông trên thị trường rất nặng. Vậy lỗi này thuộc về ai và ai phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này thay doanh nghiệp?
 
Hiện nay các doanh nghiệp chưa làm được hợp quy, thời gian hết hạn theo thông tư 03 của bộ Nông nghiệp đang đến gần. Để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp cả về vật tư bao bì còn tồn và để doanh nghiệp có thời gian. Các doanh nghiệp kiến nghị tới các cấp hướng dẫn cụ thể cách tháo gỡ các tồn tại nêu trên để các doanh nghiệp thực thi theo đúng yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời gia hạn thời gian làm hợp quy để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị kể từ khi có hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước.
 
Dưới góc nhìn của một chuyên gia GS. Võ Tòng Xuân có chia sẻ: “Các nhà quản lý chuyên ngành cần phải hiểu rằng, nền công nghiệp sản xuất thuốc BVTV nước ta còn rất non yếu, việc sản xuất hoạt chất thuốc hầu như không đáng kể. Một phần chính là do thiếu sự định hướng, hỗ trợ, đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp thuốc BVTV về lâu dài cũng chưa được định hình. Thế nhưng, tại dự thảo thông tư lần này, lại có nhiều điều khoản quy định khắt khe,thiếu tính khoa học trói buộc các doanh nghiệp trong nước, nặng về biện pháp giảm tối đa tên thuốc đăng ký trong danh mục và giảm các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc BVTV. Thừa nhận rằng, quy định về hợp chuẩn, hợp quy đối với doanh nghiệp kinh doanh thuốc BVTV là nhằm mục đích lập lại trật tự hoạt động trong lĩnh vực này, thế nhưng, chúng ta không thể bắt doanh nghiệp phải ngay lập tức thực hiện quy định mà cần phải có lộ trình phù hợp, ít ra cũng phải mất một năm để doanh nghiệp làm quen”.
 
Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo