Thu phí đại lộ Thăng Long: Hà Nội trước sau không như một
"Bất cứ lý do nào của Hà Nội cũng là bất hợp lý. Mục đích của Hà Nội đơn giản chỉ là thiếu tiền, tận thu"- TS Nguyễn Xuân Thủy thẳng thắn.
PV: Thưa ông, Hà Nội vừa đưa ra đề xuất xin thu phí trên đại lộ Thăng Long, dưới góc độ chuyên gia quan điểm của ông thế nào trước đề xuất này?
TS Nguyễn Xuân Thủy: Trước đề xuất này, tôi có mấy ý kiến sau:
Thứ nhất, đại lộ Thăng Long là công trình được nhà nước đầu tư để phục vụ cho dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long. Với mục tiêu là phát triển giao thông công cộng, phát triển hạ tầng.
Khi khởi công xây dựng công trình này không có một cơ chế cho đấu thầu nào, mà Hà Nội chỉ định nhà thầu chính vì vậy không có một lý do gì để Hà Nội chuyển từ công trình giao thông công cộng sang thu tiền.
Thứ hai, hiện nay tất cả các phương tiện giao thông đều đã tham gia đóng phí bảo trì đường bộ thông qua đầu phương tiện rồi. Người dân cũng đã thực hiện hết trách nhiệm đóng phí theo quy định của nhà nước rồi thì Hà Nội không có lý do gì để ngăn đường tiếp tục thu phí được. Như vậy là trùng lặp “phí chồng phí”
Thứ ba, như tôi đã nói, khi xây dựng công trình này Hà Nội đã áp dụng cơ chế đối với công trình đặc biệt kỷ niệm ngày đại lễ và chỉ định nhà thầu là Vinaconex làm, trong khi đó có rất nhiều đơn vị có tay nghề, kinh nghiệm của Bộ GTVT lại không được tham gia đấu thầu. Rõ ràng có thể thấy Hà Nội đã áp dụng cơ chế là xây dựng công trình công cộng, xây dựng hạ tầng cho Hà Nội chứ không phải cơ chế đấu thầu để sau này áp dụng hình thức thu tiền, thu phí.
Vậy mà sau khi đưa vào sử dụng, sau nhiều lần sửa lên sửa xuống rồi lại quay lại thu phí của người tham gia giao thông, tôi cho rằng Hà Nội trước sau đã không thống nhất. Như vậy, đã dẫn đến giảm lòng tin và sự không đồng tình từ dư luận.
Và cuối cùng, tuyến đường đại lộ Thăng Long sau này sẽ là tuyến hướng tâm của đô thị Hà Nội, tuyến chính trong nội thành thì không thể biến nó thành tuyến đường cao tốc để thu tiền được. Nó phải nằm trong chương trình nâng cao và phát triển hạ tầng đô thị của thành phố. Nên kinh phí đó là kinh phí của người dân đóng góp, tức là kinh phí của nhà nước chính vì vậy không thể dễ dàng chuyển sang thu phí một cách đơn giản như vậy được.
PV: Hà Nội cũng đưa ra những lý lẽ cho rằng, thu phí để hoàn vốn đầu tư, đầu tư công trình mới, theo ông như vậy có công bằng với người dân?
TS Nguyễn Xuân Thủy: Tôi lại nhắc lại câu chuyện không mới, hiện nay đối với một xe ô tô, xe máy đã phải chịu tới 6-7 loại thuế phí. Thuế nhập khẩu, phí trước bạ, phí xăng, phí gửi xe, phí biển số xe, phí bảo trì… trong khi đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, lương thấp.
Một chính sách khi ban hành phải phù hợp với thực tế, vừa với sức dân. Không thể có chuyện hàng năm nhà nước đã thu hàng trăm tỉ đồng từ tiền thuế của người dân mà lại biến một công trình công cộng do người dân đóng góp (đầu tư bằng tiền thuế, tiền ngân sách) để thu tiếp phí được.
PV: Vậy còn lý do thu phí để “hoàn vốn đầu tư ngoài ngân sách”. Cụ thể, là để triển khai đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thông minh, bao gồm huy động nguồn vốn dưới nhiều hình thức như: PPP, BOT, BT… nhằm hiện đại hóa thực hiện công tác quản lý đường cao tốc, hạn chế tai nạn giao thông. Ông có bình luận gì trước lý do này, thưa ông?
TS Nguyễn Xuân Thủy: Như tôi đã nói trước đó, Hà Nội thực hiện xây dựng công trình đại lộ Thăng Long là không minh bạch trong đấu thầu và vấn đề kinh phí, mục tiêu đầu tư.
Tại sao tôi lại nói không minh bạch, ở đây nếu Hà Nội nói ngay từ đầu kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đại lộ 1000 năm Thăng Long là tuyến đường cho các nhà thầu cùng đấu thầu để kinh doanh thì việc Hà Nội thu phí sẽ là minh bạch và không ai thắc mắc.
Tuy nhiên, khi đó Hà Nội chỉ định nhà thầu là Vinaconex, một đơn vị rất lớn (hay có thể hiểu theo cơ chế xin-cho - PV), rồi lại quay lại thu phí với lý do để xây dựng giao thông thông minh là không hợp lý. Tôi khẳng định, giải thích như vậy là họ không hiểu gì về giao thông thông minh. Tại sao lại có giao thông thông minh ở đây?
Giao thông thông minh là áp dụng công nghệ thông tin, để truyền đạt thông tin, tạo ra kênh thông tin giữa người tham gia giao thông với người điều hành phương tiện để giảm bớt ùn tắc.
Tôi lấy ví dụ, trên các tuyến đường ùn tắc, Hà Nội xây dựng những biến báo thông minh, biển báo sẽ giúp người điều khiển phương tiện giao thông nhận biết được tuyến đường nào đang bị ùn tắc để tránh. Hoặc giao thông thông minh là để kiểm tra về chất lượng của phương tiện, trọng tải để tránh xe đi vào tuyến đường quá trọng tải làm hỏng đường. Chính vì vậy, ngay từ việc dùng từ ngữ đã không thống nhất.
Thứ hai, tuyến đường này không thể áp dụng giao thông thông minh được, đó chỉ là một tuyến cao tốc bình thường, mật độ quá thưa, không có giao cắt, chưa gây ùn tắc.
Việc tổ chức giao thông ở đó không phức tạp như trong nội đô. Vì vậy không cần thiết, khu vực cần chính là các tuyến đường trong nội đô, nơi thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông thì lại không được quan tâm.
Thứ ba, đây là công trình lớn, đầu tư hoàn toàn bằng vốn ngân sách, họ phải tính tới việc đó ngay từ đầu, chứ không phải đưa vào sử dụng rồi mới quay lại đề xuất dự án và thu tiền. Tôi cho rằng, giải thích này là không rõ ràng và không minh bạch. Vậy lý do gì để Hà Nội có thể ngăn đường tiếp tục đòi thu phí của người dân?
Tôi cho rằng, mọi giải thích của Hà Nội đều chỉ là bao biện, bất cứ các nhà khoa học nào cũng biết đó là những lý do bất hợp lý.
PV: Vậy theo ông, mục đích của Hà Nội khi đưa ra đề xuất này là gì, khi Hà Nội cũng vừa thông báo đang thiếu khoảng 5.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ bản, thưa ông?
TS Nguyễn Xuân Thủy: Theo tôi, vấn đề của Hà Nội hiện nay là thiếu vốn. Để có được nguồn vốn đó thì họ phải tận thu bằng mọi cách.
Thay vì tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí, tiêu cực, thay vì phải phục vụ người dân thì họ lại chỉ quan tâm tới việc thu làm sao cho đủ, thu để có được tiền.
PV: Xin cảm ơn ông!
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo