Thu phí giao thông mới: Không làm là có lỗi với dân
"Đừng đưa ra giải pháp rồi để đấy không cần biết kết quả thế nào, như vậy là vô trách nhiệm, có lỗi với người dân", ông Khuất Việt Hùng – Vụ trưởng Vụ vận tải Bộ GTVT nói về Đề án phát triển hợp lý phương tiện giao thông mới đây của Bộ GTVT.
Thu phí cao để đảm bảo công bằng
PV:- Thưa ông, Bộ GTVT mới đề xuất đề án phát triển hợp lý các phương tiện giao thông tại các thành phố lớn nhằm giảm tải ùn tắc trong nội đô. Nhiều độc giả cho rằng, mục đích của đề án là tận thu vì biết rõ với giải pháp nào thì cũng khó cải thiện được tình hình giao thông hiện nay, chưa thể giải quyết được xung đột giữa tốc độ phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng giao tương ứng?
Ông Khuất Việt Hùng: - Tôi cho rằng đó là những ý kiến rất quan trọng, Bộ GTVT có trách nhiệm cung cấp thông tin để độc giả hiểu đúng về mục đích và hiệu quả của Đề án.
Chúng ta thấy rằng, quá trình quy hoạch và phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển vận tải khối lượng lớn như metro hay xe buýt BRT,… là những chương trình dài hạn trong khi đó hàng ngày cũng cần phải có những chương trình quản lý, điều tiết hành vi tham gia giao thông của người dân một cách có hiệu quả.
Chúng ta không thể cứ ngồi chờ đến khi nào chuyển hết bệnh biện, trường đại học, trung tâm thương mại lớn ra ngoại ô, có “đường rộng thênh thang tám thước” hay “chục tuyến metro” mới thực hiện. Mà ngay hôm nay và ngày mai, khi ta chưa hoàn thành xây dựng đô thị theo quy hoạch, chưa có những công trình hạ tầng năng lực lớn, ngành giao thông ở trung ương và địa phương vẫn phải thực thi trách nhiệm bảo đảm giao thông thông suốt an toàn cho nhân dân.
PV:- Trong điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông như hiện nay, để người dân lựa chọn phương tiện giao thông công cộng liệu có đắt khách, thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: - Thực tế cho thấy, số lượng người dân lựa chọn đi xe buýt ngày càng tăng, tuy nhiên, chúng ta cũng cần khẳng định: Không phải ai cũng đi xe buýt và không phải chuyến đi nào cũng sử dụng xe buýt.
Những người chọn xe buýt cho chuyến đi của mình là tùy thuộc vào nhu cầu, điều kiện và mục đích riêng.
Tuy nhiên, vẫn có những người do điều kiện kinh tế, do đặc điểm chuyến đi không phù hợp với xe buýt, thì rõ ràng họ buộc phải sử dụng xe cơ giới cá nhân.
Chúng ta cũng thấy để phục vụ cho giao thông cá nhân, thành phố phải bố trí diện tích đất đai để đỗ xe, tăng cường nhiều lực lượng cảnh sát, mức độ sẵn sàng các dịch vụ y tế,… khi đó, chi phí xã hội của chuyến đi xe cơ giới cá nhân cao hơn nhiều so với đi xe công cộng.
Nghĩa là họ đang chấp nhận chi trả mức phí cho dịch vụ công cao hơn những người khác. Vì vậy rõ ràng Nhà nước cần có chính sách để bảo đảm mức chi phí xã hội cho các chuyến đi là công bằng, đây cũng là nguyên tắc của nền kinh tế thị trường.
PV:- Đề án đưa ra giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân, cấm xe, cấm đường nhưng lại không "hoàn trả" cho người tham gia giao thông dưới những hình thức khác. Vậy, phương án “hoàn trả” của Bộ GTVT ở đây là gì?
Ông Khuất Việt Hùng: - Như tôi đã nói, trong đề án có ghi rất rõ, bên cạnh yêu cầu các địa phương xây dựng phương án hạn chế phương án cá nhân bên cạnh việc tăng cường năng lực, chất lượng dịch vụ công cộng. Phương án hoàn trả đã rất rõ ràng.
Đề án đã nêu rõ, UBND các thành phố lập dự án kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân trong khu vực trung tâm kết hợp tăng cường dịch vụ xe buýt, xe gom khách trên những tuyến phố đó, giờ đó.
Trong trường hợp người dân bắt buộc sử dụng phương tiện cá nhân nghĩa là họ đã chấp nhận đóng phí cao hơn để được bố trí chỗ đỗ thuận lợi hoặc tự điều chỉnh giờ giấc đi lại muộn hơn hoặc sớm hơn thời điểm kiểm soát.
PV:- Giải pháp thu phí theo lộ trình cũng được đánh giá là đảm bảo tính công bằng nhưng không khả thi vì hạ tầng để đảm bảo cho thu phí phức tạp, không thể thực hiện trong giai đoạn ngắn. Vậy, thưa ông, ông sẽ giải thích thế nào về băn khoăn này?
Ông Khuất Việt Hùng: - Theo tôi, chính xác phải nói là thu phí theo quãng đường tham gia giao thông của phương tiện. Hiện nay, những phương tiện kinh doanh vận tải đều đã được gắn thiết bị giám sát hành trình. Như vậy việc nếu áp dụng thu theo quãng đường thực đi lại của phương tiện không có gì khó khăn.
Vì vậy, trong đề án Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để áp dụng hai hình thức đóng phí bảo trì đường bộ. Thứ nhất có thể đóng theo đầu phương tiện như hiện nay; thứ hai có thể thu theo quãng đường dựa vào dữ liệu giám sát hành trình.
Như vậy, nếu chủ phương tiện thấy mình đi ít thì có thể lựa chọn hình thức đóng phí theo cự ly, trường hợp khác họ vẫn đóng phí theo đầu phương tiện như hiện nay. Tôi tin như vậy là công bằng.
PV:- Có ý kiến cho rằng, các giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân, đổi giờ làm, cấm theo ngày, theo đường chỉ là giải pháp nửa vời không thể giải quyết tận gốc việc tắc đường, ông có nghĩ thế không?
Ông Khuất Việt Hùng: - Tôi được biết, trước đây, UBND Thành phố Hà Nội và Bộ GTVT đưa ra giải pháp làm cầu vượt để giảm tắc đường. Khi đó, nhiều người nói cũng nói cầu vượt không thể giải quyết được tận gốc tắc đường, nhưng rõ ràng nhìn vào thực tế thì hiện nay cầu vượt đang rất hiệu quả. Chúng tôi mong nhận được những đề xuất, góp ý về giải pháp nào hay hơn để tiếp thu.
Không làm được là có lỗi với dân
PV: - Có ý kiến cho rằng, muốn giảm tắc đường cần tăng diện tích đất giành cho giao thông động và tĩnh, đồng thời tăng khả năng vận chuyển của các phương tiện công cộng.
Về quỹ diện tích đất dành cho giao thông ngày càng thu hẹp, mật độ giao thông ngày càng tăng vì Bộ Xây dựng duyệt quy hoạch những tổ hợp cao tầng, Bộ Giáo dục chưa rốt ráo rời trường học ra ngoại đô, Bộ Y tế vẫn duy trì những bệnh viện trong thành phố ở tình trạng luôn quá tải…
Theo đánh giá của Bộ GTVT, trách nhiệm của các Bộ nói trên như thế nào, thưa ông? Và nếu không có sự phối hợp của các Bộ nói trên, vấn đề giao thông trong nội đô liệu có thể giải quyết được không? Và như vậy, tắc đường là đổ cho Bộ GTVT thì có đúng không, thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: - Chúng ta đều hiểu rằng nếu đường rộng mà người thưa thì chắc hẳn là không tắc đường. Về quy hoạch UBND các thành phố và Bộ Xây dựng đã trình, Thủ tướng đã phê duyệt diện tích đất dành cho giao thông 20-25% diện tích nhưng để thực hiện ta phải làm dần.
Nhưng với trách nhiệm chủ trì trong công tác phát triển và quản lý giao thông vận tải, ngành GTVT, ngoài việc thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển vận tải công cộng, quản lý, điều tiết các phương tiện giao thông cho hợp lý thì cũng còn phải chủ động kiến nghị, đề xuất sự tham gia của các Bộ, ngành từ trung ương tới địa phương.
Nếu ngành giao thông mà cứ bảo là ùn tắc giao thông là do quy hoạch đô thị kém, phát triển các cơ sở giáo dục y tế không hài hoà, … thì đó chính là thiếu trách nhiệm.
PV:- Được giao trách nhiệm về vấn đề giao thông, đương nhiên Bộ GTVT vẫn phải hành động dù biết kết quả sẽ không được như mong đợi. Việc xây dựng đề án vừa rồi cũng như vậy phải không, thưa ông?
Ông Khuất Việt Hùng: - Tôi cho rằng không nên nói như vậy. Đã đề xuất thì phải nghiên cứu, cân nhắc kỹ và phải có niềm tin và quyết tâm thực hiện. Đừng đưa ra giải pháp rồi để đấy không cần biết kết quả thế nào, như vậy là vô trách nhiệm, có lỗi với người dân.
Xin cảm ơn ông!
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo