Bất động sản

Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Sẽ có căn hộ 300 triệu đồng

Để cứu thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng quan trọng nhất là phải huy động được dòng tiền với lãi suất thấp, đồng thời phát triển nhà xã hội diện tích nhỏ, giá rẻ...


Thứ trưởng Nam nói: Việc phân loại ngành và thị trường để “siết” tín dụng phải có tính toán kỹ, tránh tình trạng cho cả vào một gói. Chúng ta đã phanh gấp đối với tín dụng bất động sản, thậm chí còn rút vốn mạnh ra khỏi thị trường.

Hậu quả rất nhiều dự án đình trệ, vỡ tiến độ, người dân mất lòng tin, ngân hàng sẽ không thu hồi nợ được từ các dự án. Ngân hàng, chủ đầu tư, và người mua nhà đang trên một con thuyền, chứ ngân hàng không phải ngồi trên bờ!

Thưa ông, việc kích cầu vào nhà xã hội có tạo được hiệu ứng tốt cho thị trường?

Chúng ta không đủ sức “hâm nóng” toàn bộ thị trường mà phải chọn phân khúc nhà ở xã hội để đáp ứng kéo người mua quan tâm.

Nhà ở xã hội sắp tới sẽ ở mức 9-10 triệu đồng/m2 và quy mô 30-40m2/căn hộ thì thực sự hấp dẫn người mua. Ngoài ra, phải giảm cung, rà soát dự án. Những dự án nào mới giải phóng mặt bằng thì phải tạm dừng, điều chỉnh mạnh quy mô căn hộ, cơ cấu dự án.

Ngoài hỗ trợ người mua ra, nhà nước phải can thiệp, ví dụ có thể mua lại làm nhà tái định cư, mua lại để làm bệnh viện, trường học...

 


Nhiều dự án căn hộ tại Hà Nội giá giảm sâu. Ảnh: Minh Tuấn.


 

Ông có nhận xét gì về các đề xuất giảm thuế vừa qua?

Tôi cho rằng 20 hay 40 ngàn tỷ đồng không phải là lớn so với thị trường mà vấn đề là lãi suất bao nhiêu mới đủ sức hấp dẫn.

Doanh nghiệp và người dân đang quan tâm nhất là lãi suất cao hay thấp và thủ tục vay. Việc dùng ngân sách bù vào lãi suất, tái cấp vốn lãi suất thấp cũng là điều cần tính.

Tuần tới, Nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này sẽ được thông qua. Việc điều chỉnh diện tích căn hộ, điều chỉnh thiết kế phải nhanh mới kịp đưa sản phẩm ra thị trường.

Sắp tới căn hộ dưới 70m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 sẽ được xem xét giảm thuế. Cần đưa nội dung giảm thuế cho nhà ở xã hội vào luật áp dụng lâu dài, mức giảm 1 năm không đáng kể. Với nhà thương mại, cần áp dụng giảm thuế VAT 12 tháng để hạ giá sản phẩm.

Nhiều chuyên gia lo lắng những tác dụng phụ của chính sách cứu bất động sản?

Ví dụ việc điều chỉnh diện tích căn hộ sẽ làm tăng dân số cơ học, tăng tải hạ tầng nhưng ở mức chấp nhận được. Về giá bán có nhiều ý kiến khác nhau, tôi cho rằng tại TP.Hồ Chí Minh giá đã chạm đáy, vì nhiều dự án chỉ còn trên 10 triệu đồng/m2.

Khi cứu cần sàng lọc chủ đầu tư

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, để “giải cứu” cho thị trường bất động sản hiện nay phải thực hiện tốt giải pháp tháo gỡ cả cung và cầu.

Việc giải cứu, trợ giúp bên cầu chính là tháo gỡ cho những người mua nhà để ở. Cụ thể, ngân hàng phải cho người mua nhà với lãi suất ưu đãi và họ được thế chấp chính ngôi nhà đó.

Hiện việc này chúng ta đã làm rồi nhưng chỉ dừng ở một năm đầu ưu đãi, nên sẽ không hấp dẫn đối với người mua, nên phải gỡ bằng cách cho họ vay trả dần trong thời gian dài. Đối với giải cứu bên cung, phải kết hợp với việc sàng lọc các chủ đầu tư có năng lực thực sự. Nhà nước chỉ cứu các dự án làm thật, có năng lực.

Theo ông Tuấn, giải pháp cho vay đối với người mua nhà sẽ được tháo gỡ tận gốc. Ngân hàng cho vay thông qua hợp đồng mua bán nhà và sau này sổ đỏ của ngôi nhà đó sẽ chuyển cho ngân hàng để vay trả dần với lãi suất thấp.

 

 

An Thảo (Theo TPO)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo