Góc nhìn

Thủ tướng là người xử lý trách nhiệm chậm thoái vốn

Đến bây giờ tình hình không thể nể nang, xuê xoa được nữa mà buộc phải bắt tay vào thoái vốn, cổ phần hóa DN nhà nước.

TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội đã nói như vậy với PV. Theo ông Kiên: Đây là trách nhiệm điều hành của Chính phủ mà Thủ tướng phải là người xử lý các vị chậm tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn.

Trách nhiệm của Chính phủ
 
PV: - Sau hàng loạt phát biểu nhắc nhở về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, mới đây, Chính phủ đã ra Nghị quyết về các giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ông bình luận như thế nào về sự quyết liệt lần này của Chính phủ? Trong tình hình như hiện nay, nếu không quyết liệt đẩy nhanh thoái vốn ngoài ngành, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước sẽ dẫn tới hậu quả gì?
 
TS Nguyễn Đức Kiên: - Tôi nghĩ điều này cũng bình thường bởi đây là công việc điều hành hàng ngày của Chính phủ. Trong quá trình điều hành Chính phủ thấy tắc ở khâu nào tắc thì phải điều hành đột phá ở khâu đó.
 
Ví dụ khi thấy quá trình cổ phần hóa chậm lại thì Chính phủ có trách nhiệm phải tìm hiểu là tại sao nó tắc. Và bây giờ phát hiện ra việc ứ tắc là do vấn đề cán bộ thì Chính phủ tập trung vào khâu điều hành của người điều hành Chính phủ, doanh nghiệp.
 
Do vậy tôi cho rằng, không có gì gọi là quyết liệt hay đột phá ở đây cả. Chính phủ được giao nhiệm vụ thì phải làm, là trách nhiệm điều hành hàng ngày. Một Chính phủ tốt thì phải làm như thế.
 
TS Nguyễn Đức Kiên: Chính phủ được giao nhiệm vụ thì phải làm, là trách nhiệm điều hành hàng ngày đối với các doanh nghiệp phải thoái vốn, cổ phần hóa
 
PV: - Trong các giải pháp được đưa ra, đáng chú ý, Thủ tướng quy trách nhiệm cho người đứng đầu là các Bộ chủ quản. Theo đó, Bộ trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm nếu doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ chậm tái cơ cấu. Ông đánh giá như thế nào về việc quy trách nhiệm này? Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, các Bộ trưởng có gặp khó khăn gì không và tại sao?
 
TS Nguyễn Đức Kiên: - Vấn đề từ trước đến nay không phải chúng ta không xác định được trách nhiệm, nhưng ở đâu đó còn thấy sự nể nang, xuê xoa cho nhau. Nhưng đến bây giờ tình hình không thể nể nang, xuê xoa được nữa mà phải bắt tay vào công việc.
 
Nếu chúng ta nhìn thấy kể từ khi bắt đầu tiến hành cổ phần hóa (3 năm qua) đến nay mới được có 99 doanh nghiệp, trong đó riêng Bộ Giao thông vận tải đã làm được 44 doanh nghiệp (tức là chiếm tới hơn 40% tổng số doanh nghiệp).
 
Như vậy đã rõ ràng những lý do của người đứng đầu các doanh nghiệp đưa ra là vướng về cơ chế, chính sách, người lao động... là không thuyết phục.
 
Và Bộ Giao thông vận tải còn có thể làm nhanh được như thế thì tất cả các ngành khác đều có thể làm được. Qua đó thì phát hiện ra vấn đề là người đứng đầu có quyết tâm làm hay không.
 
Tuy nhiên có một điểm xác định trách nhiệm người đứng đầu là phải theo luật. Trước đây Nghị định có quy định Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm về việc chậm cổ phần hóa đâu? Đến bây giờ Nghị định mới bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ và người đứng đầu thì sẽ thuận lợi và quy trách nhiệm rõ ràng.
 
PV: - Trong trường hợp việc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước thuộc các Bộ vẫn ì ạch, trách nhiệm và việc xử lý trách nhiệm các Bộ trưởng sẽ được xem xét thế nào, thưa ông? Ai là người sẽ có quyền xử lý trách nhiệm trong trường hợp này?
 
TS Nguyễn Đức Kiên: - Việc quy trách nhiệm đã được nêu rõ trong Nghị định. Do vậy  theo Luật tổ chức Chính phủ thì Thủ tướng sẽ là người phải đứng ra xử lý trách nhiệm nếu Bộ trưởng chậm chỉ đạo thoái vốn, cổ phần hóa.
 
PV: - Thưa ông, một vấn đề khác cũng được dư luận hết sức quan tâm là trong Nghị quyết lần này là Thủ tướng cho phép thoái vốn dưới giá. Trong bối cảnh nhiều tập đoàn nước ngoài đang tham gia tích cực vào việc mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam, nếu không minh bạch và có biện pháp giám sát chặt chẽ, điều gì có thể xảy ra, thưa ông, đặc biệt khi dư luận cảnh báo việc các tập đoàn ngoại thâu tóm doanh nghiệp nội?
 
TS Nguyễn Đức Kiên:- Chúng ta phải hiểu chúng ta đang trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế toàn cầu và Nghị quyết của Đại hội Đảng với quyết tâm xây dựng một nền kinh tế thị trường. Do đó việc bán cổ phiếu giá nào là phụ thuộc vào thị trường. Chúng ta không thể dùng quyết định hành chính hay bất cứ mệnh lệnh nào để quy định giá.
 
Hơn nữa chúng ta đang mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, là thành viên của WTO, đang đàm phán để tham gia TPP do vậy không thể nào ngăn cấm việc các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu của chúng ta trên thị trường được.
 
Điều này cũng có nghĩa các nước khác cũng không thể nào cấm các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài được.
 
Những cam kết quốc tế và việc áp luật chơi thị trường sẽ quyết định giá bán là bao nhiêu cho nên cao thấp đều phải chịu. Giống như việc giá dầu chúng ta mua của thế giới cũng không bao giờ được dùng mệnh lệnh hành chính để nói chuyện đắt, rẻ. Thị trường trong nước cũng như thế.
 
Do vậy nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu trong nước là chuyện bình thường. Vấn đề là họ mua theo đúng quy định của mình.
 
Không thể dùng mệnh lệnh hành chính để nói chuyện đắt rẻ khi thoái vốn mà phải tuân theo quy luật thị trường
 
Thoái vốn không phải là cú hích cho nền kinh tế
 
PV: - Mặt khác, theo Nghị quyết của Chính phủ, SCIC lại được nhận nhiệm vụ mua lại cổ phần của những doanh nghiệp nào thoái vốn thất bại. Liệu theo cách làm này, phần kinh doanh không hiệu quả nhất có trở lại trở lại phía Nhà nước (SCIC)? Nếu yêu cầu SCIC mua lại cổ phần như vậy thì phải kèm theo cách xử lý như thế nào, thưa ông?
 
TS Nguyễn Đức Kiên: - Ở đây chúng ta phải nhìn vấn đề là SCIC mua cái gì. Chúng ta đặt chỉ thị này trong bối cảnh nhà nước cho phép bán cổ phiếu doanh nghiệp dưới giá trị sổ sách. Như vậy về cơ bản còn gì nữa đâu để SCIC mua.
 
SCIC có mua thì chỉ trong trường hợp tổ chức bán, phương thức tổ chức còn can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính mà không theo quy luật thị trường thì SCIC mới mua lại.
 
Chúng ta phải thấy rằng SCIC cũng là một doanh nghiệp nên sẽ phải cân nhắc chuyên mua gì, phải tính toán lỗ, lãi, và phải phân tích tại sao việc định giá bán của doanh nghiệp đó lại không thành công. Không thể có chuyện anh doanh nghiệp thua lỗ rồi quay trở lại ép SCIC mua.
 
PV: - Liệu ông có thể dự báo diện mạo khối doanh nghiệp nhà nước nói riêng và diện mạo nền kinh tế Việt Nam nói chung sau khi việc thoái vốn được hoàn tất theo chỉ đạo của Thủ tướng?
 
TS Nguyễn Đức Kiên: - Ở đây chúng ta phải nói với nhau một điều rất thật đó là gọi là đầu tư ngoài ngành không hẳn là thoái bằng mọi giá. Chúng ta có thể thấy tổng vốn đầu tư vào những ngành, lĩnh vực không phải là sản xuất chính chỉ chiếm chưa đến 2% tổng số vốn nhà nước.
 
Thế cho nên với phần vốn này không thể nào ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh hay diện mạo của nền kinh tế.
 
Trong kinh doanh thì phải có thắng có thua chứ không phải cứ kinh doanh là phải thắng. Nếu như thế chắc chắn Luật Phá sản sẽ không được sinh ra.
 
Do vậy bản thân vốn đầu tư ngoài ngành chỉ có 2% thì không thể tạo ra một sự đột phá hay gì đó. Cái cần phải quan tâm thời điểm này là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bán, khoán doanh nghiệp để có vốn đầu tư vào lĩnh vực khác.
 
Tức là đứng về mặt kinh tế học mà nói thì thoái vốn với tỉ lệ 2% thì chưa phải là biện pháp quyết định tạo thành cú hích cho nền kinh tế phát triển. Vấn đề hiện nay là phải  cổ phần hóa, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, bán khoán mới là quyết định.
 
Ví dụ việc khoán cho nước ngoài sử dụng cảng Thị Vải. Đấy là động tác đưa nhanh vốn vào trong sản xuất.
 
Do vậy việc cổ phần hóa, đổi mới doanh nghiệp mới là điều quan trọng phải làm lúc này.
 
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo