Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Ngành giao thông cần giảm giá thành, hạ chi phí vận tải
Chiều 4/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, công tác đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016 của ngành Giao thông vận tải.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã báo cáo kết quả 4 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TƯ về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và 4 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Đảng, ngành GTVT đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết; về cơ bản, ngành GTVT đã hoàn thành vượt các mục tiêu phát triển đã được Nghị quyết xác định cho giai đoạn tới hết năm 2015.
Bộ mặt kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) của đất nước đã có những chuyển biến hết sức rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác như các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên; các đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Nhật Tân; các cầu lớn như Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Cổ Chiên, Mỹ Lợi, Hạc Trì; tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, QL51, Nam Sông Hậu, QL80 Mỹ Thuận - Vàm Cống; cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải; tuyến đường thủy kênh Chợ Gạo; Nhà ga T2 Nội Bài, Pleiku, Đà Nẵng...
Kết cấu hạ tầng giao thông tại các đô thị lớn và các trung tâm kinh tế quan trọng được tập trung đầu tư, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP.HCM dần được khắc phục; TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương, đặc biệt lần đầu tiên sau nhiều năm đã giảm số người chết do TNGT xuống dưới 9.000 người; hệ thống GTNT có bước phát triển mạnh mẽ, tạo nên kết nối hiệu quả hơn giữa hệ thống KCHTGT trung ương và địa phương...
Báo cáo công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, triển khai Nghị quyết, Bộ GTVT đã chủ động xây dựng Đề án mở rộng Quốc lộ 1A và phương án đầu tư nâng cấp đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên với giải pháp trọng tâm là huy động tối đa nguồn vốn ngoài NSNN kết hợp cùng nguồn vốn NSNN (thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ) để đầu tư.
Chính phủ đã thông qua Đề án đầu tư mở rộng QL1 đoạn từ Hà Nội - Cần Thơ với chiều dài 1.948 km, đi qua 20 tỉnh, thành phố, trong đó, tại thời điểm trước khi triển khai, trên đoạn tuyến này đã mở rộng và xây dựng tuyến tránh được 554 km, còn lại 1.394 km được đầu tư xây dựng mở rộng thông qua 41 dự án: 40 dự án do Bộ GTVT là cấp có thẩm quyền đầu tư (20 dự án đầu tư theo hình thức BOT; 20 dự án đầu tư bằng vốn NSNN và TPCP); 01 dự án do UBND tỉnh Ninh Bình là chủ quản đầu tư (vốn TPCP).
Được xác định là một dự án trọng điểm quốc gia, do đó Dự án đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương có Dự án đi qua, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và sự đồng lòng ủng hộ của người dân vùng Dự án, đến cuối năm 2015 đã cơ bản hoàn thành toàn bộ các dự án mở rộng QL1 sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra.
Cùng với Đề án đầu tư mở rộng QL1, Chính phủ đã thông qua phương án đầu tư nâng cấp đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên với chiều dài 663 km đi qua 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước, trong đó, tại thời điểm trước khi triển khai, trên đoạn tuyến này, đã mở rộng được 244 km với quy mô đường cấp III, 2 làn xe. Còn lại 419 km được chia thành 12 dự án/ TMĐT 16.975 tỷ đồng, trong đó 11 dự án do Bộ GTVT là cấp có thẩm quyền đầu tư (5 dự án đầu tư theo hình thức BOT; 6 dự án đầu tư bằng vốn TPCP); 01 dự án do UBND tỉnh Đắk Nông là chủ quản đầu tư (vốn TPCP).
Đến nay, 11/11 dự án do Bộ GTVT quản lý đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng từ tháng 7/2015 với tổng chiều dài là 419 km, sớm hơn 1,5 năm so với kế hoạch đề ra. Như vậy, đến cuối năm 2015 đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo nâng cấp 1.394 km QL1 và 419 km đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên bằng nguồn vốn NSNN kết hợp nguồn vốn xã hội hóa với tổng mức vốn đầu tư lên tới hơn 116.000 tỷ đồng (Trong đó, mức vốn huy động từ các nhà đầu tư hơn 54.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 46% tổng mức vốn đầu tư các dự án).
Báo cáo Hội nghị về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, năm 2015, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 14 dự thảo văn bản QPPL; 07 chiến lược, quy hoạch... hoàn thành 100% kế hoạch năm 2015; ban hành 85 thông tư, thông tư liên tịch; 28 quy hoạch, kế hoạch và đề án khác.
Trong 5 năm qua, Bộ GTVT đã tổ chức nghiên cứu, sửa đổi bổ sung 04 Luật, Bộ luật. Quốc hội đã thông qua 03 dự án Luật, Bộ luật về lĩnh vực Đường thủy nội địa, Hàng không dân dụng và Hàng hải. Đối với Dự án Luật Đường sắt, Bộ đang khẩn trương triển khai xây dựng dự thảo theo tiến độ. Bộ đã chủ trì xây dựng, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 52 nghị định, 15 quyết định, phê duyệt 45 đề án. Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành 373 thông tư, phê duyệt 140 đề án.
Về đầu tư xây dựng KCHTGT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, tổng cộng các nguồn vốn dự kiến giải ngân năm 2015 là 87.136,3 tỷ đồng (chiếm khoảng 30,5% các nguồn vốn dự kiến giải ngân của cả giai đoạn 2011-2015), trong đó có 6.699 tỷ đồng hoàn ứng, còn lại 80.437,3 tỷ đồng (bao gồm: 7.329,1 tỷ đồng vốn NSNN, 31.128,2 tỷ đồng vốn TPCP và 41.980 tỷ đồng vốn ngoài NSNN).
Kết quả giải ngân đạt 89.907 tỷ đồng (chiếm khoảng 26,33% giá trị giải ngân của cả giai đoạn 2011-2015), vượt 11,77% kế hoạch. Trong đó, các nguồn vốn NSNN và TPCP giải ngân đạt 51.694 tỷ đồng, vốn ngoài NSNN giải ngân đạt 38.213 tỷ đồng. Đã lập và trình báo cáo quyết toán 541 dự án, vượt 56% kế hoạch; phê duyệt quyết toán 593 dự án, vượt 62% kế hoạch năm 2015 với tổng giá trị phê duyệt quyết toán đạt trên 69 nghìn tỷ đồng.
Năm 2015, đã khởi công, triển khai thi công mới 51 công trình, dự án. Trong đó, có 15 dự án đầu tư theo hình thức BOT với tổng số vốn huy động trên 45 nghìn tỷ đồng, vượt 21% so với kế hoạch năm 2015. Đã hoàn thành, đưa vào khai thác 112 công trình, dự án. Trong đó có nhiều công trình, dự án lớn như hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sớm hơn từ 1 đến 1,5 năm so với kế hoạch; hoàn thành tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; các cầu: Năm Căn, Cổ Chiên, Hạc Trì, Mỹ Lợi, QL19...; Nhà ga Cảng hàng không Vinh, đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đậu máy bay Cảng hàng không Pleiku, cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, Nhà ga đường sắt Ninh Bình, 44 cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, nâng cấp tuyến Kênh Chợ Gạo - giai đoạn 1, luồng kênh Cái Tráp, cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang... Đặc biệt là việc hoàn thành xuất sắc cụm 3 công trình: Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cầu Hữu nghị Việt - Nhật (cầu Nhật Tân) và đường Võ Nguyên Giáp (Nhật Tân - Nội Bài) đã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trao tặng Giải thưởng Cống hiến.
Tại buổi lễ, sau khi nghe báo cáo của các lãnh đạo ngành GTVT, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận và đánh giá cao những tiến bộ vượt bậc của ngành Giao thông vận tải với nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông thiết yếu trên tất cả các lĩnh vực. Những kết quả này đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, 5 năm qua cả nước phát triển lên một bước vượt bậc, trong đó có đóng góp không nhỏ của ngành GTVT, đặc biệt là ở khâu đột phá huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính và thủ tục hành chính Bộ GTVT cũng là cơ quan đứng đầu các bộ ngành, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả, thiết thực.
Tại buổi Lễ, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu đồng chí Bộ trưởng và ngành GTVT nâng cao năng lực, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước của Ngành, tập trung vào thể chế, cơ chế, chính sách, tiếp tục cải cách thể chế chính sách để ngành GTVT hội nhập tốt hơn, huy động nguồn lực tốt hơn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần huy động nhiều nguồn lực trong và ngoài nước vào công tác phát triển hạ tầng giao thông; phải cập nhật quy hoạch, kế hoạch, chiến lược đi liền chính sách.
Thủ tướng cũng cho rằng, nâng cao hiệu quả năng lực vận tải, đảm bảo phát triển vận tải giảm giá thành, sức cạnh tranh tăng hơn. Hiện chi phí vận tải còn cao, phải giảm giá thành, dư địa còn rất lớn, phải tập trung vào khâu này. "Thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý hoạt động vận tải, siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải; nâng cao hiệu quả, năng lực vận tải đa phương thức và kiểm soát tải trọng phương tiện gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, hướng tới phát triển hài hòa, hợp lý, nâng cao năng lực, hiệu quả của các phương thức vận tải; đảm bảo giảm giá thành, hạ chi phí vận tải", Thủ tướng nói.
Đi liền với đó là tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, quyết tâm giảm tối đa tai nạn giao thông cả trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Xử lý nghiêm các vi phạm về vận tải và an toàn giao thông. Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý của ngành, tập trung vào cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sau cổ phần hóa phát triển, bảo đảm đời sống việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
End of content
Không có tin nào tiếp theo