Bất động sản

Thủ tướng phê duyệt Nghị định phát triển đô thị

Ngày 14/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị.

Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị ban hành nhằm điều chỉnh tổng thể các vấn đề trong lĩnh vực này để khắc phục tình trạng phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, kế hoạch, chống lãng phí nguồn lực như hiện nay theo lộ trình 5 năm đến 10 năm. Nghị định mới này cũng đề xuất mô hình khoa học về quản lý khu vực phát triển đô thị.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, đây là nghị định gốc về phát triển quản lý đô thị. Việc quản lý phát triển đô thị liên quan nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều Luật như Luật đầu tư, Luật kinh doanh bất động sản, Luật ngân sách...những vấn đề Luật chưa đề cập thì nghị định trong khuôn khổ điều chỉnh. Nghị định 11 được xây dựng trong vòng 2 năm từ năm 2011-2012. Đây là nghị định nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhất từ trước đến nay.

Mục đích của việc xác định khu vực phát triển đô thị là để tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh lãng phí nguồn lực, phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch đồng bộ và bền vững. Trên cơ sở quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt thì địa phương phải xác định cụ thể khu vực phát triển đô thị để lập kế hoạch phát triển đô thị 5 năm và hàng năm.

Trong đó phải hình thành các quy hoạch phân khu. Quy hoạch phân khu được duyệt là cơ sở để xác định các dự án đô thị phát triển.

Trước đây hầu hết các địa phương căn cứ quy hoạch chung được phê duyệt để giới thiệu địa điểm cho các nhà đầu tư theo “vết loang” của đầu tư mà không có trọng tâm, trọng điểm, thiếu quy hoạch và kế hoạch dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải theo phong trào, thiếu đồng bộ, không khớp nối được hạ tầng kỹ thuật chung. Còn theo Nghị định mới sẽ phải làm
quy hoạch phân khu trước toàn bộ khu vực phát triển đô thị, trên nền quy hoạch phân khu mới hình thành dự án làm cơ sở để lập quy hoạch chi tiết 1/500 và lập dự án đầu tư xây dựng, như thế sẽ khắc phục được tình trạng bất cập nêu trên. 

Ngoài ra, các đô thị có đồ án quy hoạch chung thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ bắt buộc thành lập Ban quản lý Khu vực phát triển. Còn các đô thị khác thì khuyến khích các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế có thể thành lập hoặc không, chứ chưa bắt buộc.

Ban quản lý khu vực phát triển có chức năng giúp UBND cấp tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ quản lý đầu tư phát triển đô thị trong khu vực phát triển đô thị. Nhưng Ban quản lý không phải là người làm thay các lĩnh vực quản lý của các sở ngành ở địa phương mà là đầu mối giúp UBND cấp tỉnh giám sát các hoạt động đầu tư phát triển đô thị trong khu vực phát triển đô thị được giao mà trong thực tế chưa có ai lo cả.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước đang 765 đô thị, trong đó 2 đô thị đặc biêt, 12 đô thị loại I, 10 đô thị loại II, 52 đô thị loại III, 58 đô thị loại IV và 632 đô thị loại IV.

 

 

Thảo An (Theo VnMedia)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo