Bất động sản

Thủ tướng: Tạo thuận lợi nhất để Việt kiều mua nhà

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) theo hướng mở tối đa, tạo thuận lợi nhất cho người nước ngoài, Việt kiều được mua nhà ở Việt Nam.

Ngày 25/12, báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay, một trong những nội dung của dự luật là mở rộng đối tượng và điều kiện cho người Việt định cư ở nước ngoài cũng như tổ chức, người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam.

Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, việc này nhằm huy động các nguồn lực về vốn, công nghệ, kinh nghiệm để phục vụ phát triển đất nước; đồng thời góp phần thúc đẩy thị trường xây dựng trong nước phát triển...
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, nếu quy định mở hơn như để họ được mua một cách bình thường, có thời hạn thì chắc chắn sẽ có nhiều người nước ngoài mua nhà. Đây chính là một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản ngay trong năm 2014.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tán thành và đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) theo hướng mở tối đa, tạo thuận lợi nhất cho người nước ngoài, Việt kiều được mua nhà ở Việt Nam.
 
Chỉ trừ những đối tượng bị kiểm soát an ninh. Vấn đề còn lại là cách thể hiện trong luật cho chặt chẽ, phù hợp với Luật Đất đai (sửa đổi) và Bộ luật Dân sự...
 
Thủ tướng yêu cầu mở tối đa quy định cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam. Ảnh: VGP.
 
"Cứ thò thụt như hiện nay rất khó quản lý. Tôi tìm hiểu ở Singapore, người nước ngoài cứ nhập cảnh vào là mua, bán thoải mái nhưng thuế rất chặt. Cứ mua, bán là thu thuế; bỏ không ở cũng thu thuế", Thủ tướng cho hay.
 
Để cứu thị trường BĐS, trước đó Thủ tướng đã có yêu cầu giải ngân nhanh gói hỗ trợ 30.000 tỷ giúp cho doanh nghiệp và người dân vay để có thể phát triển nhà.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, tới nay gói hỗ trợ này đã thất bại một cách thảm hại trong khi ngành quản lý đã nới đủ điều kiện mua bán nhà nhưng vẫn "ế".
 
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Đực phó giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành ở TP.HCM cho biết nói: "Gói 30.000 tỷ đã thất bại vô cùng thảm hại”.
 
“Quan điểm của tôi, 6 tháng rồi coi như cả năm 2013 Nghị quyết 02 và gói 30.000 tỷ này bơm vào thị trường bất động sản chỉ có hơn 400 tỷ thôi. Tôi cho rằng đây là một sự thất bại của Nghị quyết 02 cũng như gói 30.000 tỷ. Còn chuyện giải ngân được bao lâu thì chúng tôi chưa biết, chỉ biết rằng gói 30.000 tỷ này hết năm 2014 là xong. Như vậy khả năng hết năm 2014 có thể giải ngân là không quá 15%, nếu như vậy thì tôi cho là cũng tiếp tục thất bại.”
 
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp cũng có phân tích: “Gói 30 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ giải quyết bất động sản nhưng sau 6 tháng mới giải ngân được có 1,1%. Như vậy để giải ngân hết số tiền đó thì chúng ta cần 100 lần của 6 tháng, tức là cần 50 năm. Đó là một viễn cảnh không mấy sáng sủa đối với việc giải quyết bất động sản đó”.
 
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước về giải ngân cho vay thuộc gói hỗ trợ bất động sản 30.000 tỷ đồng, tính đến ngày 30/11/2013 có 1.236 khách hàng được giải ngân 470,8 tỷ đồng, trong đó có 10 doanh nghiệp được giải ngân khoảng 176 tỷ đồng cho các dự án bất động sản.
 
Đánh giá về về đề xuất của Bộ Xây Dựng về việc “nới lỏng” các điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam và một số chính sách khác nhằm thúc đẩy giao dịch nhà ở trên thị trường bất động sản trong thời gian qua, ông Phạm Thanh Hưng - Phó Tổng giám đốc Cen Group, Tổng giám đốc Công ty CP Thẩm định giá Thế Kỷ nhận định: "Nới điều kiện mua nhà chưa đủ để hâm nóng thị trường bất động sản".
 
Cụ thể các chính sách như cho phép chẻ nhỏ căn hộ, chuyển mục đích sử dụng từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội hay mới đây nhất là đề xuất của Bộ Xây dựng về việc “nới lỏng” quyền mua nhà cho các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam, thậm chí cho cả học trò mua nhà để cứu vãn.
 
Chính sách mở cửa cho người nước ngoài mua nhà theo nhiều chuyên gia đánh giá là một chính sách tích cực, song không nên trông chờ đây là giải pháp "cứu cánh" cho bất động sản Việt Nam. 
 
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn cầu (GP-Invest) cho rằng, chính sách này nếu được nới rộng thì có thể giúp thị trường đỡ tắc đầu ra. "Tuy nhiên, nếu trông chờ vào điều này thì tôi nghĩ sẽ không lấy gì làm sáng sủa", vị này nói.
 
Cùng nhận định trên, tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng, nếu các đề xuất của Bộ Xây dựng được thông qua thì cũng không thể tạo thành một làn sóng mua nhà của người nước ngoài. Do đó, không thể coi đây là "cứu cánh" để giải quyết hàng tồn kho.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo