Thủ tướng thúc gói 30.000 tỷ: Ngân hàng, BĐS đổ cho nhau
Đẩy mạnh tiến độ gói 30.000 tỷ là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa ban hành. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các nhà băng giải ngân kịp thời gói 30.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp và người dân. Gói 30.000 tỷ hỗ trợ cho vay mua nhà mới giải ngân khoảng 2% sau gần nửa năm.
Gói 30.000 tỷ bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2013 với mục đích hỗ trợ người thu nhập thấp vay mua nhà ở giá rẻ. Lãi suất cho vay áp dụng cho chương trình này tối đa là 6% một năm, thời hạn cho vay tối đa là 10 năm đối với khách hàng là cá nhân và 5 năm đối với khách hàng là doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể về tỷ lệ cho vay giữa doanh nghiệp - cá nhân lần lượt là 30% và 70% từ gói này.
Tuy nhiên, sau 6 tháng triển khai, theo báo cáo mới công bố của Ngân hàng Nhà nước, đến 31/11, 5 ngân hàng gồm Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV và MHB mới cho vay được gần 647 tỷ đồng. Như vậy, mới có 2% của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đến tay hơn 1.200 cá nhân và 5 doanh nghiệp.
Nếu tính cả số cam kết nhưng chưa giải ngân, các nhà băng đã cho vay 1.256 khách hàng với số tiền hơn 1.560 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất nhỏ so với hạn mức mà gói 30.000 tỷ cho phép.
Đổ cho nhau trong gói 30.000 tỷ
Bộ Xây dựng liên tiếp đưa ra những đề xuất điều chỉnh điều kiện cho vay gói 30.000 tỷ, Ngân hàng Nhà nước cũng gửi công văn thúc các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ tuy nhiên sau gần 6 tháng, ngân hàng và chủ đầu tư, Bộ Xây dựng gần như vẫn chưa có tiếng nói chung, người mua nhà vẫn phải chờ đợi.
Giải thích về tốc độ giải ngân chậm chạp của gói 30.000 tỷ, đại diện các ngân hàng vẫn cho rằng lý do chính khiến gói 30.000 tỷ khó triển khai là nguồn cung nhà ở xã hội chưa nhiều.
Ngoài ra, các ngân hàng còn lập luận: Theo quy định, nhà ở xã hội không được chuyển nhượng tối thiểu trong 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng mua bán. Nếu chuyển nhượng thì chỉ được chuyển nhượng cho Nhà nước hoặc cho chủ đầu tư, cho đối tượng được mua nhà ở xã hội. Nếu phát sinh rủi ro, thì ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc xử lý tài sản đảm bảo này.
Chính từ quy định này, các ngân hàng yêu cầu chủ đầu tư ký kết hợp đồng 3 bên giữa ngân hàng, doanh nghiệp và người dân. Trong đó ngân hàng yêu cầu chủ đầu tư cam kết mua lại căn nhà, nếu khách hàng không trả được nợ.
Lý giải cho quy định này, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, hợp đồng 3 bên là một yêu cầu để ngân hàng đảm bảo an toàn vốn vay, trong khi người vay không có tài sản gì để thế chấp ngoài căn nhà được mua trong tương lai.
“Đây là một dạng tài sản sẽ hình thành từ vốn vay, khi đó, ngân hàng, khách hàng và người bán sản phẩm phải ký hợp đồng với nhau, có nghĩa là, khi khách hàng chưa trả nợ cho ngân hàng, tài sản đó vẫn thuộc ngân hàng và doanh nghiệp cho nên 3 bên ký với nhau để giải quyết vấn đề tài sản thế chấp”, ông Mạnh nói.
Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, lý do khiến người dân dè dặt với gói hỗ trợ này là quy định chứng minh khả năng trả nợ.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, không nên tiếp tục dùng cơ chế cho người giàu vay tiền để áp dụng cho người nghèo. Ông cũng cho rằng đòi hỏi người thu nhập thấp phải chứng minh thu nhập là điều không dễ dàng và khiến họ chùn bước khi hỏi vay ngân hàng.
Cuối tháng 8/2013, thời điểm gói 30.000 tỷ mới bắt đầu triển khai được 2 tháng, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành trả lời trên báo Đất Việt rằng, gói 30.000 tỷ đã thất bại.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, những sản phẩm phù hợp đã không còn nữa, mà sản phẩm mới ra thì lại không có.
"Việc chuyển đổi những căn hộ đã xây dở dang thành căn hộ nhỏ, là những sản phẩm có thể có ngay, nhưng Hà Nội thì ủng hộ, còn TP.HCM lại kiên quyết chống lại chuyện này. Do đó, sản phẩm phù hợp cho người dân hoàn toàn phẳng lặng, hoặc nếu có thì cũng phải rất lâu, ít nhất là 6 tháng đến 1 năm nữa", ông Nguyễn Văn Đực nói.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam: bên cạnh nhiều loại thủ tục, mối quan hệ phức tạp, việc cả ngân hàng lẫn chủ đầu tư không ai muốn chịu trách nhiệm, mà bên nào cũng muốn giữ chắc lợi ích cho riêng mình đã khiến người thu nhập thấp như mắc kẹt với hợp đồng 3 bên.
“Bên chủ đầu tư chỉ muốn bán được nhà, không muốn trách nhiệm gì khác là đương nhiên. Người mua cũng chỉ muốn cho thủ tục đơn giản, người thu nhập thấp thì hoàn toàn phải dựa vào căn hộ làm tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, căn hộ lại không chuyển đổi được, nếu rủi ro xảy ra ngân hàng sẽ gặp khó khăn cho nên ngân hàng phải kêu gọi chủ đầu tư vì lợi ích của cả 3 bên”, Luật sư Trương Thanh Đức lý giải.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo