Thu vượt ngân sách, Hà Nội chi 1.000 tỷ cấp sổ đỏ
Để hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đang còn vướng mắc, trong năm 2014, Hà Nội sẽ chi gần 1.000 tỷ đồng để triển khai các dự án xây dựng hồ sơ địa chính và dữ liệu quản lý đất đai...
Thông tin này vừa được Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, ông Vũ Hồng Khanh cho biết.
Theo đó, số tiền dành cho việc triển khai xây dựng tổng thể dự án hồ sơ địa chính và dữ liệu quả lý đất đai chiếm khoảng 900 tỷ đồng; vốn cho công tác đo đạc, rà soát, cấp sổ đỏ đối với đất nông-lâm trường 83 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội, các địa phương phải cơ bản hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) lần đầu trong năm 2013 (đạt tỷ lệ 85%).
Sau đó Chính phủ cũng ra chỉ thị đôn đốc các địa phương thực hiện công tác này, thậm chí còn chi 1.000 tỷ giúp các tỉnh thực hiện công tác đo vẽ hồ sơ địa chính.
Dù nhiều biện pháp được đưa ra nhưng cũng vẫn còn 24 địa phương không đạt chỉ tiêu cấp sổ đỏ lần đầu, trong đó có Hà Nội.
Cụ thể, đến cuối năm 2013 dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng Hà Nội mới đạt tỷ lệ hơn 40%.
Trước đó, theo ông Lê Thanh Nam, Trưởng phòng Đăng ký và Thống kê đất đai, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội, sở dĩ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm là do sự chồng chéo trong quản lý, cũng như sự phức tạp trong giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất đai.
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có liên quan tới việc công nhận lịch sử, trong một thời gian dài, các loại giấy tờ do lịch sử để lại đôi lúc rất chồng chéo, gây khó khăn trong việc giải quyết. Do một thời gian rất dài chúng ta buông lỏng quản lý nên việc quan tâm đến quản lý đất đai trong chính quyền các cấp chưa tốt, vì vậy, việc vi phạm luật đất đai rất nhiều. Đặc biệt là vùng ven ngoại ô thành phố Hà Nội có số lượng vi phạm rất lớn.
Ông Nam khẳng định: “Để công nhận lịch sử này buộc phải xem xét rất nhiều vấn đề như là nguồn gốc sử dụng, giấy tờ pháp lý rồi tình trạng tranh chấp, hiện trạng sử dụng. Những cái đó phải do chính quyền cơ sở, chính quyền cấp xã cung cấp. Cơ quan cấp trên không thể nào nắm bắt được”.
Trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất buộc phải có ý kiến xác nhận của cấp xã, cụ thể người trực tiếp là cán bộ xã cùng hội đồng đăng ký và trong trường hợp cần thiết phải lấy ý kiến dân cư. Quy định rất cụ thể như vậy nhưng trên thực tế không phải nơi nào cũng làm tốt, mà không phải chỗ nào lấy ý kiến cũng làm đúng.
Hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” ở Hà Nội cũng phức tạp hơn các địa phương còn lại. Có 3 loại giấy tờ đặc thù, đó là đơn, giấy tờ về nguồn gốc và giấy tờ về nghĩa vụ tài chính liên quan. Hà Nội có yêu cầu photo và nộp thêm một số loại giấy tờ khác như chứng minh thư, sổ hộ khẩu, chính điều này đã khiến việc xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trở nên rắc rối hơn.
Ông Trần Hùng Phi – Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên – Môi trường) cho biết: “Về nguyên tắc, trong cấp giấy lần đầu không cần nộp các loại giấy tờ này. Nhưng tại một số nơi chúng tôi đi kiểm tra, cũng có trường hợp cán bộ thu hồ sơ nói dân nộp thì cứ nhận. Trong khi đó, về nguyên tắc quy định đã không yêu cầu thu thì nộp cũng không thu. Có nơi còn bắt dân nộp cả sổ hộ khẩu bản sao có công chứng. Đó chính là những yếu tố gây phiền hà, không cần thiết, khiến tâm lý người dân thêm ức chế vì sự phiền hà”.
Chỉ tiêu cấp sổ đỏ không đạt nhưng Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Hà Nội cả năm 2013 lại vượt dự kiến (100,3% dự toán pháp lệnh) nên lần này Thành phố đã mạnh chi tiền để hoàn thành nhiệm vụ.
Theo UBND Thành phố Hà Nội, ngoài việc cấp kinh phí, Thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị rà soát các nguồn đất phức tạp, còn gặp nhiều vướng mắc, hiện chưa có chế tài xử lý, để kịp thời đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ trong quá trình triển khai, thực hiện.
Trong khi Hà Nội không đạt chỉ tiêu cấp sổ đỏ lần đầu thì tại TP.HCM và một số địa phương khác, hồi giữa năm ngoái, hàng trăm hộ dân lại xếp hàng đòi trả lại sổ đỏ với lý do: Không có tiền để nộp.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo phản ánh của nhiều hộ dân là do khoản tiền sử dụng đất quá nặng; ở mức vài chục triệu đến cả tỷ đồng khiến người dân không thể kham nổi. Trong khi đó nhà, đất có sổ hay không được cấp sổ đỏ cũng chẳng ảnh hưởng do người dân không có nhu cầu mua bán, chỉ cần được ở ổn định trên căn nhà hiện hữu.
Báo Đất việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo