Phân tích

Thuận lợi và thách thức của Việt Nam khi gia nhập AEC

(DNVN) - Sau khi hình thành vào cuối năm nay, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cơ bản sẽ trở thành một thị trường chung gồm khoảng 600 triệu người tiêu dùng với tổng GDP gần 3.000 tỷ USD, một không gian sản xuất thống nhất, giúp phát huy lợi thế chung của khu vực ASEAN.

Vừa qua, Cục Đầu tư nước ngoài đã tổ chức Diễn đàn đầu tư kinh tế ASEAN và Giới thiệu một số Hiệp định của ASEAN có liên quan. Tại diễn đàn, các Diễn giả và các đại biểu tham dự cũng đã có những trao đổi thẳng thắn về những thách thức và cơ hội đối với Việt Nam khi AEC được thành lập.

Công đồng kinh tế ASEAN sẽ mang đến nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Ảnh minh họa.

Theo đánh giá chung của các đại biểu, sau khi hình thành vào cuối năm nay, AEC cơ bản sẽ trở thành một thị trường chung gồm khoảng 600 triệu người tiêu dùng với tổng GDP gần 3.000 tỷ USD, một không gian sản xuất thống nhất, giúp phát huy lợi thế chung của khu vực ASEAN. Hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ và lao động có tay nghề sẽ được tự do lưu chuyển trong ASEAN mà không chịu bất cứ hàng rào hay sự phân biệt đối xử nào giữa các thành viên.

Việt Nam sẽ có cơ hội dễ dàng tiếp cận thị trường trong và ngoài khu vực, qua đó mở rộng thị trường, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu; ổn định nguồn nhập khẩu và hạ giá đầu vào nhập khẩu, từ đó, góp phần cải cách quản lý, dịch chuyển cơ cấu kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Việt Nam sẽ có cơ hội tăng cường thu hút FDI cũng như mở rộng cơ hội đầu tư sang các nước ASEAN và cơ hội kinh doanh từ bên ngoài; tiếp cận các nguồn hỗ trợ về khoa học-công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến, góp phần nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi lớn nhờ phát huy hiệu quả từ quy mô để tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, dẫn tới giá cả hàng hóa cạnh tranh.  Người tiêu dùng ASEAN sẽ có nhiều lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ với giá cả thấp và chất lượng cao hơn. Thương mại và đầu tư nội khối có cơ hội phát triển nhanh chóng.  

Các đại biểu cũng cho rằng, những tác động tích cực từ AEC sẽ góp phần tạo chuyển biến trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước, phù hợp hơn với yêu cầu hội nhập quốc tế.

 

Việc thực hiện các cam kết trong ASEAN tạo nền tảng để Việt Nam tiếp tục mở rộng và tăng cường quan hệ với các đối tác ngoài ASEAN, nhất là các nước lớn, cũng như tham gia sâu rộng hơn vào các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, qua đó góp phần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam.

Ngoài ra, tham gia hợp tác kinh tế ASEAN tạo cơ hội để các doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh; tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục thay đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng giá trị gia tăng (từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang mặt hàng có chất lượng cao); nâng cao năng lực và hiệu quả của nguồn nhân lực Việt Nam…

Ngoài những thuận lợi mang lại cho Việt Nam, các đại biểu cũng cho rằng AEC cũng sẽ đem đến nhiều thách thức cho chúng ta. Theo đó, các đại biểu cho rằng, môi trường cạnh tranh gay gắt hơn do hội nhập kinh tế khu vực mang lại, đặc biệt khi các quốc gia thành viên có đặc điểm sản xuất khá giống nhau, có những thế mạnh chung trong nhiều lĩnh vực. 

Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn cần được cải thiện nhiều hơn nữa, liên quan đến nhiều nguyên nhân như hạn chế về hạ tầng, bao gồm cả các yếu tố hạ tầng cứng (đường sá, cảng biển, năng lượng,…) và hạ tầng mềm (hệ thống pháp lý, bộ máy hành chính…), hạn chế về nguồn nhân lực, tốc độ điều chỉnh cơ cấu kinh tế để lợi ích tăng trưởng kinh tế được phân bổ đồng đều hơn, hạn chế về nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân trong việc ứng xử với quá trình hội nhập kinh tế.

Ngoài ra, việc tuân thủ luật chơi chung và thực hiện các cam kết, thỏa thuận chung của ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác, đòi hỏi đầu tư nguồn lực và điều chỉnh chính sách, pháp luật phù hợp.

 

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, bên cạnh những thách thức khi AEC được thành lập thì AEC sẽ đem lại nhiều cơ hội và lợi ích thiết thực cho nền kinh tế, đặc biệt là cho các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và doanh nghiệp ASEAN nói chung. Các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động cập nhật thông tin, tìm hiểu cũng như phát huy lợi thế của bản thân và tận dụng thế mạnh của các doanh nghiệp FDI để nâng cao năng lực cạnh tranh.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo