Doanh nghiệp

Thương mại điện tử: Cú hích lớn giúp bùng nổ doanh thu ngành điện máy

Theo doanh nhân Trần Xuân Thắng - Tổng Giám đốc chuỗi siêu thị điện máy DigiCity, sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với thương mại điện tử cùng với nhiều yếu tố khác sẽ giúp ngành điện máy bùng nổ doanh thu trong năm 2015.

2015 sẽ là một năm phát triển tốt của ngành điện máy

Ông có nhận xét  gì về bức tranh toàn cảnh thị trường điện máy Việt Nam năm 2014 ?

 
Năm 2014, bức tranh toàn cảnh ngành điện máy hết sức sinh động và nhiều màu sắc. Nhưng theo cá nhân tôi có 3 dấu ấn chính còn đọng lại đó là: Dù còn chịu nhiều tác động của khủng hoảng kinh tế nhưng thị trường điện máy Việt Nam vẫn tăng trưởng khá tốt với mức tăng khoảng 120% so với năm 2013. Riêng mặt hàng điện thoại di động có tốc độ tăng trưởng tốt hơn, khoảng 130%. Người tiêu dùng bây giờ có xu hướng mua sắm ở các trung tâm thương mại lớn hơn các cửa hàng nhỏ lẻ vì ở đó có nhiều chủng loại mặt hàng phong phú, khác hẳn các cửa hàng nhỏ truyền thống.
 
 
Bên cạnh việc thị trường điện máy tăng trưởng tốt thì nhiều doanh nghiệp cũng phải đóng cửa, chuyển giao, sáp nhập vì làm ăn thua lỗ. Nhiều đơn vị mất đi ưu thế cạnh tranh vì lí do năng lực nội tại, việc quản trị hệ thống, quản trị dòng tiền không tốt. Ví dụ như Việt Long… phải đóng cửa chuỗi hệ thống. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội, dung lượng thị trường mới cho những doanh nghiệp còn trụ lại được.
 
Cuối cùng là việc quan tâm của Chính phủ và người dân trong việc phát triển ngành thương mại điện tử. Điều này có tác động rất lớn tới ngành phân phối điện máy. Trong năm nay, Chính phủ đã có hẳn một nghị định hướng dẫn phát triển ngành thương mại điện tử; Đặc biệt là yêu cầu bộ thông tin truyền thông tổ chức ngày mua sắm trực tuyến. Điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với lĩnh vực này. Điều này đã giúp tăng cường niềm tin của người dân vào việc mua sắm theo phương thức hiện đại. Hiện tại, ở Việt Nam cũng đã có rất nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử như Lazada, Sendo, Enbac, Vatgia… Và các sàn giao dịch này đã kí kết hợp tác với nhiều hệ thống siêu thị để thuận tiện cho việc phân phối hàng hóa tới tay người tiêu dùng. Người tiêu dùng Việt cũng bắt đầu đẩy mạnh việc mua sắm online, minh chứng là trong suốt 3 năm qua kể từ 2012, việc tăng trưởng của thương mại điện tử đối với ngành điện tử tiêu dùng đều tăng trưởng ở mức từ 200% đến 300%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ tung lên website những giá ảo, hàng trên web một kiểu mà hàng ở cửa hàng một kiểu. Điều đó làm giảm sự tin tưởng của người tiêu dùng về việc mua sắm online.
 
Theo ông, trong khi thị trường tăng trưởng tốt mà nhiều doanh nghiệp điện máy kinh doanh không có lãi dẫn tới phải đóng cửa là do đâu ?
 
-Năm 2013 và 2014 là những năm có các cuộc đua rất lớn của ngành điện máy. Các ông chủ doanh nghiệp điện máy tăng cường huy động, vay vốn ngân hàng để mở thêm thật nhiều hệ thống cửa hàng để gia tăng thêm uy tín, thương hiệu cho siêu thị của họ nhằm đánh tiếng tới các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chạy đua mở cửa hàng tràn lan, chỉ quan tâm tới số lượng mà không quan tâm tới chất lượng khiến nhiều doanh nghiệp quá sức. Việc vừa phải gồng mình trả nợ ngân hàng lẫn không quản lý được hệ thống nhân viên, phát triển kinh doanh… gây ra thua lỗ triền miên dẫn tới sụp đổ. 
 
Cá nhân tôi nghĩ nhà đầu tư nước ngoài rất tinh khôn, họ với tư cách là những người tới từ các nước đi trước, đã phát triển. Người ta cũng đã trải qua thời kỳ quá độ phát triển như chúng ta cho nên họ đều có kinh nghiệm nhìn nhận một cách rất sâu sắc vào bản chất của các doanh nghiệp. Chắc chắn rằng khi các nhà đầu tư nước ngoài vào thì họ sẽ sàng lọc, họ sẽ tìm tới một số đơn vị mà đã có cơ sở hạ tầng tốt, hệ thống quản lý, phân phối tốt để họ mua lại hoặc góp thêm vốn làm cổ đông. Chính vì vậy sẽ có một số doanh nghiệp không thể bán được dẫn tới hệ lụy phá sản trong lương lai giống như thị trường bong bóng đất động sản hay thị trường chứng khoán vài năm trước đây. Khi mà thị trường bùng lên, người người nhà nhà đi buôn, sau đó thì thị trường đóng băng, thế là tất cả tê liệt hết. Thị trường điện máy cũng như vậy, trong cuộc đua này thì sẽ có những thương đau rất lớn.
 
Năm 2015, khi một loạt các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước có hiệu lực, hàng loạt nhà đầu tư, bán lẻ nước ngoài cũng sẽ vào Việt Nam nhiều hơn thì các doanh nghiệp phân phối điện máy trong nước sẽ gặp những thuận lợi, khó khăn gì thưa ông?
 
-Việt Nam là một mảnh đất màu mỡ của ngành phân phối bán lẻ nói chung và ngành điện máy nói riêng. Nước ta là một quốc gia đông dân số với các đặc điểm là nước đang phát triển, dân số trẻ với nhu cầu mua sắm cao. Năm 2015, các doanh nghiệp điện máy sẽ có cơ hội mở rộng được nhiều điểm bán, bán được nhiều hàng hơn khi đời sống người dân được nâng cao hơn, GDP bình quân đầu người tại nhiều thành phố ở ta giờ lên mức vài nghìn USD/tháng. Doanh nghiệp điện máy cũng sẽ có nhiều nguồn hàng hơn từ các nhà sản xuất trong nước lẫn quốc tế hơn khi các hiệp định thương mại có hiệu lực.
 
Một điều nữa đó là khi các nhà đầu tư nước ngoài vào thì chính các doanh nghiệp phân phối sẽ phải tự làm mới mình để nâng cao cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh công tác marketing, truyền thông, tiếp thị… xây dựng đội ngũ nhân sự có năng lực hơn để có thể lọt vào mắt họ hoặc có thể cạnh tranh lại được. Chính điều này sẽ làm thị trường điện máy của chúng ta phát triển bền vững cả về chất lượng lẫn số lượng.
 
Bên cạnh những thuận lợi thì chúng ta cũng phải đối mặt với không ít những khó khăn. Thứ nhất là nguồn vốn, hầu hết doanh nghiệp điện máy Việt phát triển lên từ những doanh nghiệp nhỏ. Chính vì vậy, khi muốn mở rộng quy mô thì chúng ta phải thế chấp vay ngân hàng. Nhưng mà hiện tại, các doanh nghiệp của chúng ta về mặt tài sản đảm bảo thì không đủ lớn, do vậy không thể vay nhiều. Khi các nhà đầu tư nước ngoài vào thì họ có thể đổ rất nhiều vốn một lúc hoặc năng lực kêu gọi vốn của họ cũng tốt hơn chúng ta. Như vậy là họ sẽ có ưu thế lớn hơn so với doanh nghiệp Việt. Thứ hai đó là về chất lượng nguồn nhân lực. Xuất phát từ các nước đi trước chúng ta về công nghiệp dịch vụ hàng chục năm, dù sao thì họ cũng có đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm, chất lượng hơn chúng ta rất nhiều. Họ đã có sẵn kinh nghiệm phát triển, khi họ áp dụng nó vào Việt Nam thì cũng sẽ nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn. Ở các doanh nghiệp bán lẻ thì xây dựng hệ thống quản lý là điều quan trọng nhất. Các nhà đầu tư nước ngoài họ có khuôn mẫu được xây dựng lâu năm, rất chuyên nghiệp rồi, khi họ vào Việt Nam thì chỉ cần bê nguyên xi vào, có chăng thì chỉ cần cải tiến một chút cho hợp với thị trường Việt Nam. Không như chúng ta, phải xây dựng từng bước một.
 
Năm 2014, kinh tế Việt Nam phát triển tốt với mức GDP đạt mức tăng 5,86%, cao nhất trong 3 năm tăng trưởng liên tiếp. Qua những tín hiệu đáng mừng trên, theo ông, thị trường điện máy sẽ tăng trưởng như thế nào trong năm 2015 ?
 
-GDP tăng trưởng tốt là một tín hiệu đáng mừng cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam; Đặc biệt là trong thị trường điện máy. Nửa cuối năm 2014, bất động sản bắt đầu bắt đầu tan băng, các sàn chung cư mới liên tục được tiêu thụ hết một cách nhanh chóng . Chính vì vậy, nhu cầu của người dân đối với mặt hàng điện máy sẽ lên rất cao. Đó chính là đòn bẩy cho ngành điện máy phát triển. Theo tôi, chắc chắn trong năm 2015, dung lượng thị trường sẽ còn tăng trưởng ít nhất 130% so với năm 2014. Nếu các nhà doanh nghiệp đón đầu chuẩn bị về quy mô, nguồn hàng, các chiến dịch quảng bá truyền thông hữu ích thì chắc chắn sẽ giành được những cơ hội phát triển doanh nghiệp.
 
Năm 2015 cũng sẽ là năm bùng nổ của thương mại điện tử. Trong suốt 3 năm qua kể từ 2012, việc tăng trưởng của thương mại điện tử đối với ngành điện tử tiêu dùng đều tăng trưởng ở mức từ 200% đến 300%. Việc ưu ái của Chính phủ sẽ là bản lề để thương mại điện tử giúp ngành điện máy bùng nổ doanh thu trong năm 2015.
 
Xin cảm ơn ông và chúc DigiCity gặt hái được nhiều thành công hơn nữa !
Theo DDDN
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo