Doanh nhân

Thương vụ VietJet-Boeing, “đòn đau” với Airbus?

VietJet đánh dấu một sự chuyển biến đối với các hãng bay giá rẻ vốn thường trung thành với một loại máy bay duy nhất...

Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama, hãng sản xuất máy bay Mỹ Boeing đã giành hợp đồng bán máy bay trị giá 11,3 tỷ USD cho hãng hàng không VietJet Air.

Theo nhận định của hãng tin Bloomberg, thương vụ này là một đòn giáng vào Airbus, đối thủ châu Âu của Boeing, trong cuộc chiến giành thị phần tại thị trường máy bay cho các hãng bay giá rẻ đang tăng trưởng nhanh ở khu vực châu Á.

Với thỏa thuận được ký kết, VietJet sẽ mua 100 máy bay loại 737 Max của Boeing. Đến nay, đội máy bay của VietJet mới chỉ có máy bay do Airbus sản xuất.

“Đó là một chuyện đáng ngạc nhiên”, nhà phân tích George Ferguson thuộc Bloomberg Intelligence đánh giá. “Bạn không bao giờ muốn mất đi một khách hàng, nhưng khu vực đó có rất nhiều các hãng bay giá rẻ. Theo tôi, đây chỉ là một hãng bay nữa với tham vọng lớn trong khu vực. Bởi vậy, sẽ có một cuộc chiến giành thế thượng phong ở thị trường này, và Airbus chưa hề bị đánh bật”.

Đơn hàng của VietJet giúp Boeing tăng khoảng cách dẫn trước trên thị trường máy bay một lối đi năm 2016, trong bối cảnh hãng sản xuất máy bay có trụ sở ở Chicago này nỗ lực củng cố vị thế sau khi bị Airbus dẫn trước với khoảng cách lớn trên thị trường này trong những năm gần đây.

Thương vụ VietJet-Boeing có phải là một “đòn đau” đối với Airbus?

Một máy bay của hãng hàng không VietJet.

Boeing và Airbus đang tung ra hai mẫu máy bay thân hẹp để cạnh tranh với nhau, là 737 Max và A320neo. Hai mẫu máy bay mới này được xem là sản phẩm để Boeing và Airbus nắm bắt nhu cầu ngày càng lớn về đi lại bằng máy bay trên thị trường toàn cầu.

Thương vụ Boeng-VietJet đánh dấu một sự chuyển biến đối với các hãng bay giá rẻ vốn thường trung thành với một loại máy bay duy nhất để giảm chi phí về phụ tùng và đào tạo phi công.

Tháng 11/2015, VietJet, hãng hàng không chưa đầy 5 năm tuổi, nhất trí mua 30 chiếc A320neo trị giá 3,6 tỷ USD, ngoài đơn đặt mua 100 chiếc máy bay loại này tại triển lãm hàng không Singapore năm 2014.

Airbus, tập đoàn có trụ sở ở Toulouse, Pháp, tuyên bố coi VietJet “là một khách hàng hiện tại của gia đình A320 của chúng tôi”, và không bình luận gì về việc hãng mua máy bay Boeing.

Boeing sẽ bắt đầu giao hàng máy bay dòng 737Max 200 cho VietJet từ năm 2019. Cuộc đàm phán giữa hai bên bắt đầu khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ vào tháng 7/2015 - ông Dinesh Keskar, Phó chủ tịch cấp cao về bán hàng của Boeing tại khu vực, cho biết.

“Chắc chắn đơn hàng 100 máy bay sẽ đem lại lợi thế cho chúng tôi. Thị trường bay giá rẻ của Việt Nam là một thị trường đang tăng trưởng và sẽ là một thị trường quan trọng trong tương lai”, ông Keskar nói.

Theo ông Shukor Yusof, chuyên gia thuộc công ty tư vấn hàng không Endau Analytics, với thị trường bay giá rẻ của Việt Nam tăng trưởng 20% mỗi năm trong 3 năm qua, VietJet có thể đã cảm thấy lo ngại về việc liệu hãng có nhận được máy bay A320 đủ nhanh để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Loại máy bay này của Airbus đã gặp một vấn đề về làm mát động cơ khiến hãng Qatar Airways từ chối nhận hàng cho tới khi turbine được sửa.

Theo số liệu của Bloomberg, thỏa thuận mua máy bay Boeing của VietJet giúp số đơn đặt hàng đối với loại máy bay thân hẹp của hãng này đạt con số 140 chiếc 737 từ đầu năm đến nay, so với 88 chiếc A320 mà Airbus được đặt hàng trong cùng khoảng thời gian.

Boeing hiện đang cố gắng đuổi kịp và vượt Airbus trên thị trường dành cho các dòng máy bay thân hẹp mới. Hãng đã bán được khoảng 3.000 chiếc máy bay loại này, trong khi Airbus bán được khoảng 4.500 chiếc A320neo.

Lượng đặt hàng máy bay thân hẹp của các hãng bay giá rẻ tại châu Á ngày càng lớn, khi các hãng bay như Lion Air của Indonesia hay IndiGo của Ấn Độ mở rộng đội máy bay.

“Tôi không cho là Airbus sẽ mất ưu thế trên thị trường bay giá rẻ ở châu Á-Thái Bình Dương”, ông Yusof nhận xét. “A320 là loại máy bay ‘ăn chắc mặc bền’ đã được kiểm chứng, đặc biệt là A320neo”.

Cafebiz/VnEconomy

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo