Góc nhìn

Tỉ đô vẫn khó thoát ngập

TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP.HCM), vừa đưa ra cảnh báo tình trạng mưa là ngập ở TP.HCM khó có thể thay đổi.

 Cần ưu tiên giải quyết vốn cho chống ngập ở những khu dân cư nghèo - Ảnh: Diệp Đức Minh

Nguyên nhân vì sao?

Câu trả lời của TS Hồ Long Phi là do biến đổi khí hậu khiến ngày càng có nhiều trận mưa vượt tần suất thiết kế hệ thống thoát nước của TP, đỉnh triều cường cũng tăng cao theo từng năm.

Thiết kế thấp hơn thực tế

Cụ thể, tần suất thiết kế hiện nay theo quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước của TP.HCM đến năm 2020, đối với tuyến cống cấp 3 là mưa 75,88 mm trong 3 giờ; tuyến cống cấp 2 là mưa 85,36 mm; kênh, rạch chính cấp 1 là mưa 95,91 mm trong 3 giờ, đỉnh triều thiết kế là +1,32 m. Trong khi trên thực tế, theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước  (TTĐHCTCNN) TP, trận mưa cực lớn kéo dài 3 giờ vào chiều 6.9 vừa qua trên địa bàn TP.HCM, ngay trong thời gian đầu của trận mưa, cường độ mưa đã đạt đến lưu lượng 100 mm/giờ (trạm Cầu Bông), 90 mm/giờ (trạm Quang Trung), lưu lượng mưa lớn nhất sau trận mưa là 122,3 mm (trạm Cầu Bông, Q.Bình Thạnh).

TS Hồ Long Phi nhận định: “TP.HCM trước kia mưa 30 - 40 mm là ngập, nay có thể chịu được những trận mưa đến 80 mm. Nhưng vừa rồi gặp trận mưa hơn 120 mm nên chịu thua thôi. Trong lịch sử, TP.HCM đã từng có trận mưa đến 145 mm. Rồi đây sẽ có những trận mưa 150 mm và đến lúc có thể lên đến 200 mm. Những trận mưa cực lớn như vậy, không có hệ thống thoát nước nào của TP chịu nổi”.

3 khó khăn lớn

Trên 1 tỉ USD đã được TP bỏ vào cuộc "đại phẫu" hệ thống thoát nước, những chiếc cống hộp đường kính đến 2 m được lắp đặt thay thế cho những đường ống cống nhỏ. Nỗ lực này - theo TS Hồ Long Phi - đã mang lại hiệu quả chống ngập trên diện tích khoảng 3.000 ha ở khu vực trung tâm TP. Tuy nhiên, “chừng đó tiền nghe thì nhiều, nhưng chẳng đáng là bao so với nhu cầu của TP cần gấp 5 lần như vậy. Rồi thì đang khởi đầu bỗng khựng lại do khủng hoảng kinh tế. Một loạt dự án bày ra lại để đó do hết vốn. Mà vốn cho các dự án chống ngập phần lớn đều vay của nước ngoài. Trước đây, việc vay vốn còn dễ do VN lúc đó còn là một nước nghèo. Nay vay khó vì VN đã được xếp vào ngưỡng các nước có thu nhập trung bình”, TS Phi nói.

Ngoài khó khăn thứ nhất về vốn, khó khăn thứ hai, theo TS Phi là ở cơ chế. Trước đây bộ máy điều hành chống ngập của TP do Sở Giao thông công chánh (nay là Sở Giao thông vận tải) điều hành. Các dự án chống ngập lại được giao cho các đơn vị khác nhau quản lý như Sở Xây dựng đảm nhận dự án Tân Hóa - Lò Gốm, Sở Giao thông công chánh đảm nhận dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn quản lý dự án Tham Lương - Bến Cát... Sau đó, việc quản lý riêng lẻ này đã được gom chung lại thành một đầu mối, khi UBND TP thành lập TTĐHCTCNN TP. Tuy nhiên, "gọi là TTĐHCTCNN nhưng muốn làm gì cũng phải xin ý kiến sở này, sở kia. Nếu muốn thực sự thay đổi, trung tâm phải có thực quyền, được giao quyền", TS Phi nói.

Khó khăn thứ 3 của chuyện chống ngập là nhận thức của người dân chưa cao khi hành vi xả rác xuống kênh rạch, cống rãnh vẫn cứ diễn ra hằng ngày.

 

Giải pháp nào ?

TP.HCM đang đi đúng hướng trong bài toán chống ngập, đó là giải quyết hạ tầng thoát nước ở khu vực trung tâm TP trước. Tuy nhiên, theo TS Hồ Long Phi, việc đầu tư hệ thống thoát nước ở nội thành hiện nay chưa đủ, phạm vi giải quyết chỉ mới được khoảng 100 km2, trong khi diện tích đô thị hóa ở TP.HCM hiện nay đã lên trên 600 km2. Để đầu tư hạ tầng thoát nước cho phần còn lại, phải có vốn, trong khi ngân sách không thể đáp ứng nổi nhu cầu vốn cho chống ngập lên đến cả chục tỉ USD. Nguồn vốn tư nhân thời gian qua đã được huy động rất nhiều vào các dự án bất động sản, hạ tầng giao thông (có khả năng sinh lợi), trong khi dự án thoát nước thì hầu như không có nhà đầu tư tư nhân nào bỏ vốn vào.

Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách quá ít như hiện nay, theo TS Hồ Long Phi, TP không nên đầu tư dàn trải, mà nên tập trung vào những dự án cốt lõi; phần còn lại vận động sự góp sức của các nguồn lực xã hội. Kế đến là nên ưu tiên giải quyết những điểm ngập gây thiệt hại nặng nhất. 

 4 giải pháp cần thiết

Để thành phố giảm ngập, thứ nhất phải có một hệ thống pháp lý, quản lý và ý thức phù hợp của người dân để đảm bảo kênh rạch được giữ nguyên hiện trạng, không bị xâm lấn thêm. Trên cơ sở đó dần dần cải tạo mở rộng mặt thoáng, chống được bồi lấp.

Thứ hai, quy hoạch đô thị được điều chỉnh, không xây dựng thêm ở các vùng trong lịch sử vốn là vùng bán ngập nước, vùng ruộng thấp ngập theo mùa, theo mưa.

Thứ ba, quy trình xả đập có tính đến lượng mưa trên diện rộng, độ trễ đỉnh nước xả trên sông và thủy triều.

Thứ tư, một giải pháp lớn nhằm thoát nước nhanh từ thành phố ra ngã ba Bình Khánh (Nhà Bè - Cần Giờ). Không thể trông chờ vào thoát nước tự nhiên nếu muốn giảm ngập cho cả thành phố. Giải pháp này cần huy động kiến thức chuyên môn sâu và vốn lớn.

TS Bùi Tuyên
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

 TP chờ nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới

 

Tỉ đô vẫn khó thoát ngập
Ông Nguyễn Hữu Tín - Ảnh: Đình Phú

 

Đến nay, TP mới chỉ có khoảng 3.200 km cống thoát nước (còn thiếu hơn 2.500 km cống), phần lớn có tiết diện nhỏ và đã đầu tư từ hàng chục năm qua, chỉ có thể đáp ứng cho đô thị 2,5 triệu dân, trong khi đó dân số TP bây giờ đã hơn 10 triệu dân.

Theo các chuyên gia dự báo, biến đổi khí hậu sẽ có những tác động bất lợi đến TP.HCM trong những thập niên tới. Thực tế thời gian qua, tình trạng ngập lụt trên địa bàn TP bị chi phối bởi 4 yếu tố: lượng mưa lớn, triều cường, thủy điện xả lũ và cốt nền thấp. Giải quyết được tác động bất lợi của 4 yếu tố này gây ra là một bài toán khó, nhưng không phải không làm được nếu có sự kết hợp đồng bộ về mặt đầu tư hạ tầng từ ngân sách và sự tham gia ứng phó hiệu quả của người dân. Ví như từ nhiều năm trước, TP khuyến cáo cốt nền xây dựng cao 2,05 m so với mực nước biển, nhưng trên thực tế, có thể do chi phí đầu tư cao nên nhiều chủ đầu tư và người dân không tuân thủ. Hậu quả là nhiều công trình, nhà cao tầng bị nước tràn vào gây thiệt hại về tài sản. Để góp phần giải quyết vấn đề ngập nước về lâu dài, TP đang tính toán để quy định tăng cốt nền lên 2,2 m, bởi đỉnh triều cường vừa qua đã vượt qua mức 1,60 m. Nếu không tuân thủ quy định cốt nền thì sắp tới có thể sẽ không được cấp phép xây dựng.

Hiện tại một số biện pháp kết cấu trên quy mô vừa (phạm vi TP) và quy mô lớn (phạm vi lưu vực sông) đang được nghiên cứu và đánh giá. Với tình trạng mực nước biển dâng, các công trình bảo vệ TP với biện pháp kết cấu đang trở nên vô cùng cần thiết. Một phương án khác nhiều triển vọng về ngắn hạn là sẽ xây dựng các cổng ngăn triều trong hệ thống nước TP, kết hợp với đê bao xung quanh TP về dài hạn. Các cổng ngăn triều tạo thêm sức chứa trong hệ thống nước. Đê bao có thể bảo vệ hầu hết các khu vực của TP hiện nay.

UBND TP đã kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình Chính phủ xem xét, chấp thuận danh mục các dự án về chống ngập đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ trong năm tài khóa 2015 - 2018 với tổng số vốn hơn 1 tỉ USD. Nếu được chấp thuận và thực hiện theo kế hoạch, hàng loạt dự án như quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM, cống kiểm soát triều Bến Nghé,  cống kiểm soát triều Phú Xuân, đê bao bờ tả sông Sài Gòn (đoạn từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị Thủ Thiêm), xây dựng và cải thiện hệ thống thoát ngoài lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm... sẽ góp phần giải quyết tình trạng ngập lụt trên diện rộng hiện nay.

Có một thực tế là một số công trình mới đầu tư đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nhưng vẫn bị ngập vì tắc nghẽn dòng chảy do việc xả rác xuống cống quá nhiều. TP luôn mong muốn người dân ý thức hơn trong vấn đề này.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM

Theo Thanh niên Online
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo