Tiền thuế bảo vệ môi trường cho xăng sử dụng ra sao?
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết đồng tình với đề nghị của Chính phủ về việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít. Mức thuế mới sẽ được áp dụng từ 1-5-2015.
Hàng ngàn bạn đọc bày tỏ sự băn khoăn về việc tăng gấp ba lần tiền thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, một mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng tiêu dùng khác.
Giá xăng có tăng, tiền thuế được sử dụng ra sao?
Hai vấn đề được nhiều người quan tâm nhất chính là sau ngày 1-5, giá xăng có bị ảnh hưởng thuế mà tăng hay không và tiền thu được từ thuế bảo vệ môi trường này sẽ được sử dụng như thế nào?
Tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ không làm tăng giá xăng dầu. Đó là khẳng định của ông Đinh Nam Thắng, phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính). Lý do, theo ông Thắng, khi VN gia nhập thị trường ASEAN, theo cam kết, thuế suất trần nhập khẩu xăng dầu tối đa là 20%.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo cam kết quốc tế làm cho ngân sách hụt thu từ xăng dầu khoảng 28.000 tỉ đồng.
Do đó, nguồn thu từ việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu mới chỉ đáp ứng được 84% số hụt thu từ giảm thu thuế nhập khẩu mặt hàng này.
Ông Thắng cho biết việc ngân sách chi bao nhiêu tiền để phục vụ công tác bảo vệ môi trường trong năm là được thực hiện theo Quốc hội phê duyệt.
Ông Thắng cho biết thêm việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu không chỉ vì nguồn thu mà còn nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng dầu sang các nước có chung biên giới với VN.
Đó là nhận định của tiến sĩ (TS) kinh tế Ngô Trí Long về việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên 3.000 đồng/lít xăng.
“Việc tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng, tức tăng 300%, theo tôi là tương đối cao” - TS Ngô Trí Long nhận định.
TS Ngô Trí Long chia sẻ: “Vấn đề quan trọng là việc sử dụng tiền thuế phải đúng mục đích đề ra”.
Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách giảm do giá xăng dầu giảm thì các cơ quan chức năng nên tìm giải pháp để tiết kiệm chi và chi có hiệu quả, TS Ngô Trí Long nhận định.
Ông Long nói: “Khi sức mua còn hạn hẹp hiện nay, để kích cầu cần có nhiều giải pháp, trong đó có giảm thuế và tăng tiêu dùng của Chính phủ. Trong bối cảnh tiêu dùng Chính phủ chưa tăng được thì lại tăng thuế, làm ảnh hưởng đến sức mua”.
Nhận định về việc giá xăng có tăng hay không, ông Long cho rằng phải chờ xem Bộ Tài chính sẽ tính toán như thế nào. “Bộ Tài chính nói tăng thuế nhưng sẽ không làm ảnh hưởng đến giá bán lẻ. Như vậy, phải “nói được làm được” thì mới tạo được niềm tin cho người dân”, ông Long chia sẻ.
Ngân sách chi cho môi trường có tăng?
"Chúng tôi hiểu giá xăng không tăng vì thuế suất trần nhập khẩu giảm, chứ không phải tăng thuế bảo vệ môi trường mà giá xăng không tăng. Vậy tiền thuế thu về có được sử dụng đúng mục đích không?" - bạn đọc Lan Phương hỏi.
Một bạn đọc đặt câu hỏi: Nếu tăng thu thuế môi trường thì ngân sách chi cho môi trường có tăng lên không? Những vấn đề như khói bụi, ô nhiễm, tiếng ồn... liệu có được giải quyết tốt hơn không hay là khoản thu này lại dùng để bù lỗ cho doanh nghiệp, cho các khoản chi khác?
“Thiết nghĩ, tất cả cần phải được giải trình công khai phương án sử dụng tiền thuế này cho người dân được biết”, bạn đọc viết.
Một băn khoăn khác là mức thuế này có được áp dụng với loại xăng sinh học E5 hay không? Bạn đọc Nguyễn Phú Sanh viết: "Tôi sử dụng xăng sinh học E5 nhằm hưởng ứng lời kêu gọi bảo vệ môi trường. Vậy xăng E5 có thu phí bảo vệ môi trường không?".
Bạn đọc Bo Nguyễn đề xuất nếu tăng thuế bảo vệ môi trường lên gấp 3 thì hãy công bố kế hoạch và dự toán tương ứng về những hoạt động để bảo vệ môi trường từ nguồn này.
Anh Phong (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho rằng bảo vệ môi trường là điều người dân nào cũng ủng hộ, nhưng người dân cần biết khoản tiền thu được từ mức tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ được sử dụng cụ thể như thế nào.
Bạn đọc Mạnh Đức và bạn đọc Đào Trọng Đạt cùng đặt vấn đề: Ai giám sát các khoản thu, chi này? Sao không thấy bàn kỹ về vấn đề này?
Ông Tấn Hậu, chủ một doanh nghiệp kinh doanh vận tải, cho biết người dân chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ những quyết định này, vì thế nên có sự công khai, minh bạch mọi vấn đề để người dân hiểu rõ và ủng hộ.
Theo Sở GTVT TP.HCM, xe máy ở TP hiện nay phải chịu sáu loại phí, lệ phí và thuế gồm:
- Lệ phí trước bạ (5% giá trị xe)
- Lệ phí đăng ký xe (1 triệu đồng, 2 triệu đồng và 4 triệu đồng - tùy vào giá trị xe)
- Phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc
- Phí bảo trì đường bộ 50.000-150.000 đồng/năm
- Thuế VAT 10% giá trị xe
- Từ năm 2015, TP.HCM tổ chức thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe môtô ở TP (gọi tắt là phí xe máy). Các mức phí được thông qua: 50.000 đồng/năm (xe có dung tích xilanh đến 100cm3), bằng một nửa mức tối đa theo quy định; 100.000 đồng/năm (xe có dung tích xilanh trên 100cm3 đến 175cm3); 150.000 đồng/năm (xe có dung tích xilanh trên 175 cm3), bằng mức tối đa theo quy định.
Nếu giá dầu thô trên thị trường thế giới xuống dưới 60 USD/thùng thì mức thuế nhập khẩu đối với xăng, dầu hỏa ở mức 40%. Nếu giá dầu thô trên thị trường thế giới ở mức từ 75-95 USD/thùng, thuế nhập khẩu xăng, dầu hỏa ở mức 25% là tối đa.
Nguồn Bộ Tài chính (12-2014)
End of content
Không có tin nào tiếp theo