Tiếp tế trong đêm giữa Hoàng Sa
|
Tàu KN 761 phải tiếp nhận lương thực trong đêm. Ảnh:Tienphong. |
Kiểm ngư 761 là con tàu về muộn nhất trong đợt công tác Biển Đông. Đây cũng là con tàu có ít thời gian chuẩn bị nhất khi trở về vào cuối tháng 4 để rồi xuất quân ra vùng biển có giàn khoan trái phép Hải Dương 981 của Tring Quốc vào đầu tháng 5.
“KN 761 chỉ trở về vào ngày 30/4 sau khi làm nhiệm vụ gần trọn tháng 4. Chiều 1/5 anh em lại lên đường ra Hoàng Sa từ đó cho đến bây giờ. Nói không phải kể khổ, nhưng đúng là chuẩn bị vội vàng nên lương thực thực phẩm không được phong phú mấy", thuyền trưởng Hải ái ngại nhìn bữa cơm cá hộp với canh rau ngay ngày đầu lên tàu. Tối hôm sau, tàu được tiếp thực phẩm từ một tàu kéo. Cú tiếp tế lúc 21h trong tình thế nguy hiểm.
Một tiếng trước đó, KN 761 nhận được lệnh nhận lương thực. Phát hiện hai tàu Việt Nam tới gần nhau, một tàu lớn màu đỏ của Trung Quốc ban ngày nằm “canh” bên KN 761 lập tức khởi động, rọi đèn pha nhoay nhoáy vào ca bin. Hai tàu khác cũng khởi động tới phía tàu kéo của Việt Nam nhằm tìm cách chia cắt. Đêm tối, ánh đèn pha loang loáng cả một vùng.
Khoảng cách giữa ánh đèn pha với KN 761 ngày một gần. Tốc độ KN 761 là 5 hải lý/h, còn tàu của Trung Quốc lên tới 7–8 hải lý/h. “Chưa cần tăng tốc, không được biểu hiện sợ hãi trước họ”, thuyền trưởng Hải nhắc.
“Trò chơi” hú còi, pha đèn kéo dài gần một tiếng đồng hồ mới kết thúc khi cả KN 761 và tàu kéo cắt đuôi ba tàu Trung Quốc, bắt đầu cập mạn. Sóng cấp 4, những cú va chạm, nghiến ken két giữa hai mạn tàu. Trong ánh đèn, từng cái bắt tay với giữa hai tàu, từng gói thực phẩm quý được ném sang. “Đủ sức để tiếp tục chiến đấu” – kiểm ngư viên tên Trường xoa tay.
“Lương thực được tiếp tế, giờ thì anh em ở bao lâu cũng được. Chỉ thương một số người ở xa…”, anh Hải nói rồi nhìn sang anh Hùng, phụ trách máy.
|
Anh Hùng đóng cửa cabin chuẩn bị một cuộc “đón tiếp” vòi rồng từ tàu Trung Quốc. Ảnh: Tiền Phong. |
Quê Hương Khê (Hà Tĩnh), vào công tác tại Đà Nẵng, gia đình anh Hùng vẫn mỗi người một nơi. Lúc đầu anh định xin cho vợ con vào, song do cha mẹ già yếu nên anh động viên vợ ở lại chăm sóc gia đình. Từ ngày vào lực lượng kiểm ngư, anh Hùng biền biệt trên biển. Những lúc nhớ nhà, anh lại lấy ảnh vợ con ra xem.
Ngày 30/4, KN 761 cập Đà Nẵng, anh Hùng về quê thăm gia đình sau mấy tháng trời xa cách. Vợ chồng, cha con gặp nhau được chừng một tiếng đồng hồ, thì điện thoại anh đã réo liên tục: "Nhiệm vụ khẩn, yêu cầu trở về chi đội".
"Bà xã không khóc nhưng mắt cứ đỏ hoe, ngân ngấn nước nhìn tôi. Bà xã muốn giữ tôi lại mà không nỡ, nhiệm vụ mà. Rồi mấy đứa con, chúng nó cứ quấn lấy chân. Lúc lên tàu, vợ mới gọi điện thoại, òa lên nức nở…", anh Hùng kể lại.
Cũng trên chuyến tàu này, anh Nguyễn Văn Viên có tới 3 anh em đang có mặt giữa Hoàng Sa. Hai người còn lại thuộc cảnh sát biển. 'Tất cả vì nhiệm vụ. Ở giữa vùng biển trong thời điểm này, chứng kiến sự ngang ngược của Trung Quốc mới thấy những nỗi niềm riêng của mình chưa là gì cả", anh Viên nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo