Tiếp thị bất động sản “ngoại” đang thất thế
Cùng với khó khăn của thị trường, hàng loạt nhà tư vấn bất động sản ngoại cũng dần tháo lui khỏi thị trường bởi sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các doanh nghiệp trong nước.
Lâu nay, nhắc đến các nhà tiếp thị, tư vấn dự án bất động sản, không ít người vẫn nghĩ tới những cái tên vốn ít nhiều đã tạo được vị thế tại Việt Nam như Savills, CBRE, Cushman & Wakefield…mà thực tế những doanh nghiệp này cũng đã từng có một thời “làm mưa làm gió” khi gần như độc quyền trong mảng tiếp thị, quản lý, môi giới các dự án bất động sản trên cả nước từ 3 - 5 năm về trước.
Nhưng mọi chuyện đã khác đi rất nhiều kể từ khi thị trường lao dốc, thanh khoản sụt giảm nhanh chóng, người mua nhà để ở lẫn giới đầu tư gần như vắng bóng trên thị trường. Về lý thuyết, khi khó khăn mới cần đến những nhà tư vấn, tiếp thị giỏi, song trong giai đoạn này, khi mà mọi giao dịch gần như “đóng băng”, những kinh nghiệm hay thậm chí là chiêu bài tiếp thị, bán hàng của các nhà tư vấn ngoại cũng gần như “vô dụng”, không giúp được nhiều cho các chủ đầu tư.
Ngay cả việc công bố các báo cáo khảo sát thị trường hàng tháng, quý của các nhà tư vấn bất động sản ngoại cũng đang dần trở nên nhàm chán về nội dung, trong khi tính khách quan về thông tin lại đang ngày càng bị nghi ngờ về độ trung thực. Đến thời điểm này, ngoại trừ Savills Việt Nam là đơn vị duy nhất tổ chức công bố báo cáo khảo sát thị trường hàng quý vẫn duy trì được một lượng khách hàng, báo chí tham dự khá đông, từ 500 - 700 người.
Số các nhà tư vấn còn lại dường như tự bản thân cũng đang cảm thấy nhàm chán với chính mình khi số người tham dự để lắng nghe những thông tin “hữu ích” về thị trường từ các nhà tư vấn ngoại đang thưa dần.
Trong một cuộc công bố thông tin thị trường bất động sản Hà Nội mới đây của CBRE, vị giám đốc đồng thời cũng là người thuyết trình đã không hài lòng và tỏ ra cáu giận với cấp dưới vì số phóng viên lẫn khách mời tham dự quá ít. Điều này cho thấy, sự tin tưởng hay kỳ vọng vào những thông tin và khả năng tư vấn, tiếp thị của doanh nghiệp ngoại đang ngày càng lung lay đối với các chủ đầu tư bất động sản trong nước.
Sự khó khăn của các nhà tư vấn ngoại càng được thể hiện rõ hơn khi các bản hợp đồng tư vấn, tiếp thị dự án đến với họ cũng thưa dần. Bi kịch hơn, những bản hợp đồng mà họ đang đứng tên lần lượt được thay thế bằng các doanh nghiệp nội khác chỉ với một lý do đơn giản từ các chủ đầu nhằm “giảm bớt chi phí” trong thời điểm mà “ngoại bán cũng không tốt hơn nội”.
Trong bối cảnh như vậy, sự thất thế của những thương hiệu đến sau như Knight Frank, Coldwell Banker, Jones Lang LaSalle, Collier…cũng là dễ hiểu. Việc thay đổi nhà tư vấn, đơn vị bán hàng của từ “ngoại” sang “nội” cũng được các chủ đầu tư dự án công bố dồn dập hơn.
Ngay cả thương hiệu lớn như Savills, sau một thời gian dài kỳ công đàm phán để trở thành nhà tiếp thị dự án cao thứ 3 Hà Nội 50 (tầng) Discovery tại 302 Cầu Giấy, Hà Nội cũng phải ngậm ngùi ra đi để nhường chỗ cho một nhà tư vấn nội là công ty Đất Xanh.
Ngoài những doanh nghiệp, sàn bất động sản có tên tuổi, trong 2 năm liền, tại Hà Nội đã chứng kiến sự ra mắt của 2 liên minh sàn bất động sản G5 và R9 mới đây đã cho thấy quyết tâm đòi lại thị phần môi giới, tiếp thị dự án của các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy, ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Savills Hà Nội lại tỏ ra khá tự tin. Theo ông, “miếng bánh” thị phần môi giới, tiếp thị dự án tại Việt Nam hiện vẫn còn lớn lắm, có chăng chỉ là do thời điểm khó khăn của thị trường. Do đó, doanh nghiệp này không hề lo ngại trước sự lớn mạnh của các doanh nghiệp tư vấn nội.
“Tôi nghĩ thị trường bất động sản Việt Nam trong những năm tới vẫn đầy tiềm năng nên chỉ lo là không có sức mà thưởng thức miếng bánh đó thôi”, ông Trung nói.
Trong khi đó, giám đốc bộ phận kinh doanh nhà ở của Savills bà Hoàng Quỳnh Phương lại thừa nhận rằng, hiện các doanh nghiệp tư vấn đang chịu sức ép bán hàng, giá bán… khá lớn từ các chủ đầu tư do thanh khoản thị trường quá ảm đạm.
Bên cạnh đó, do vẫn phải duy trì hoạt động nên dù là đơn vị tư vấn ngoại vốn chỉ quen với các dự án cao cấp, có thương hiệu, thì nay, Savills cũng phải chuyển sang tiếp thị, bán hàng cho các dự án hạng trung, bình dân, thậm chí là nhà ở xã hội ở các tỉnh lẻ.
Còn theo ông Vũ Cương Quyết, Giám đốc Đất Xanh miền Bắc, thực tế trong mấy năm trước đây, so với các doanh nghiệp Việt Nam mới bắt đầu học làm dịch vụ bất động sản thì các doanh nghiệp làm dịch vụ của nước ngoài có truyền thống, kinh nghiệm và chuyên nghiệp từ rất lâu nên họ được các chủ đầu tư và khách hàng đón nhận trong những năm vưa qua.
Ông cũng thừa nhận thương hiệu, cách làm, chiến lược, kinh nghiệm bán hàng…của doanh nghiệp tư vấn ngoại là khá tốt. Nền tảng này lại được cộng hưởng bởi tâm lý sính ngoại của không ít các chủ đầu tư khi muốn dự án của mình phải ít nhiều có “dính” đến thương hiệu nước ngoài, dù chỉ là khâu bán hàng.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khoảng cách này gần như đã được rút lại, thậm chí là bị xoá bỏ khi các doanh nghiệp dịch vụ trong nước cũng đã bắt nhịp được cách làm với tính chuyên nghiệp cao, trong khi chi phí và các điều kiện khác mà chủ đầu tư phải bỏ ra lại thấp hơn nhiều so với việc thuê nhà tư vấn, tiếp thị ngoại.
Theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo