Bất động sản

Tìm ý tưởng điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP Hồ Chí Minh

Ngày 19/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam - Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo quốc tế “Ý tưởng điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.”

Đường Võ Văn Kiệt, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhấn mạnh quy hoạch vùng Thành phố Hồ Chí Minh phải tạo được bộ khung phát triển vùng rõ nét nhất, khai thác lợi thế về địa hình, đất đai, cảnh quan; hướng đến một vùng đô thị hướng ra biển cũng như tạo ra mạng lưới đô thị gắn kết với đô thị hạt nhân và ngược lại được chia sẻ lợi ích từ “đô thị mẹ.”

 
Theo quy hoạch, vùng Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh xung quanh, gồm Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang.
 
Kiến trúc sư Ngô Quang Hùng, Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam cho biết diện tích tự nhiên của Vùng khoảng 30.404km2, quy mô dân số hơn 18 triệu người; đóng góp 60% mức thu ngân sách Nhà nước và chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
 
Hiện nay, việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết nhằm nâng cao vai trò, vị thế của vùng trên thế giới, tăng cường kết nối với các vùng kinh tế đô thị lớn trong khu vực Đông Nam Á, Nam Á đồng thời khắc phục hạn chế trong định hướng phát triển không gian vùng; tăng cường tính liên kết vùng và tích hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội cũng như đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
Theo Kiến trúc sư Ngô Quang Hùng, có thể phân bổ các vùng phát triển kinh tế trong vùng Thành phố Hồ Chí Minh như vùng trung tâm với hạt nhân là Thành phố Hồ Chí Minh nhằm phát triển các trung tâm dịch vụ, công nghiệp, khoa học, công nghệ; vùng Tây Bắc (Tây Ninh, Bình Phước) phát triển kinh tế cửa khẩu, nông nghiệp chuyên canh; vùng Đông Bắc (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu) phát triển dịch vụ logistics, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; vùng Tây Nam (Long An, Tiền Giang) phát triển vùng chuyên canh lúa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản.
 
Giáo sư Charles Gore, chuyên gia kinh tế của Diễn đàn thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) nhấn mạnh, vai trò của vùng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, vốn là nhiệm vụ chính sách hết sức khó khăn. 
 
Trong khi đó, giáo sư Frank Schwartze (Đức) chia sẻ, những vấn đề tồn tại hiện nay mà vùng Thành phố Hồ Chí Minh gặp phải như đầu tư xây dựng tràn lan, để lại nhiều khu đất trống cùng hàng ngàn căn hộ không có người ở; đô thị phát triển rộng, kém hiệu quả, trong đó cụm công nghiệp phát triển rời rạc, tự phát; ngập lụt ngày càng nghiêm trọng; giao thông ùn tắc… 
 
Từ đó, giáo sư Frank Schwartze đề xuất việc cần thiết lập liên kết vùng cũng như tái cấu trúc và nâng cao chất lượng sống tại những khu phát triển ven đô thị.
 
Đồng quan điểm trên, ông Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về quy hoạch đô thị cho rằng, sự phát triển của vùng Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước 2 thử thách lớn là tình trạng đô thị hóa thiếu kiểm soát, thiếu bền vững; nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng. 
 
Theo đề xuất của ông Ngô Viết Nam Sơn, trong quy hoạch vùng Thành phố Hồ Chí Minh nên ưu tiên phát triển hệ thống đường bộ, đường cao tốc; tạo cơ chế hợp tác đa ngành và liên vùng; tổ chức đô thị theo tuyến, cụm; giải quyết hài hòa lợi ích chung và riêng giữa các địa phương.
 
Dưới góc nhìn cụ thể hơn, tiến sỹ Huỳnh Thế Du, giảng viên chương trình kinh tế Fulbright cho rằng, khi quy hoạch một vùng hay không gian đô thị cần có sự chia sẻ trách nhiệm và nguồn thu giữa các địa phương trong vùng, các địa phương cần ngồi lại đánh giá những gì mình đang có, nhu cầu thực tế để tạo mô hình liên kết đô thị thực chất./.
Theo Vietnam+
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo