Phân tích

Tín hiệu tốt của ngành Cao su

(DNVN) - Minh chứng là trong những phiên giao dịch gần đây, nhóm cổ phiếu cao su mà tiêu biểu là các mã DPR (CTCP cao su Đồng Phú) và PHR (CTCP cao su Phước Hòa) có mức tăng mạnh lần lượt 8%, 27%...

Theo tin từ báo Tri Thức Trẻ, sau khi tạo đỉnh vào năm 2011, giá cao su tự nhiên đã trải qua 4 năm liên tiếp sụt giảm và yếu tố này đã ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp trong ngành.

Rõ nét nhất là trường hợp Cao su Phước Hòa, một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành cao su tự nhiên đang niêm yết khi liên tiếp sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận. Nếu như năm 2011, Phước Hòa đạt doanh thu 2.583 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 827 tỷ đồng thì đến năm 2015, con số này chỉ còn 1.227 tỷ đồng và 215 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh kém tích cực cùng triển vọng ngành chưa có gì sáng sủa, không quá bất ngờ khi cổ phiếu cao su tự nhiên không nằm trong “danh sách theo dõi” của nhiều nhà đầu tư.

Tuy vậy, quan điểm này đã thay đổi hoàn toàn kể từ đầu tháng 3/2016 khi nhóm cổ phiếu “vàng trắng” này đã có những diễn biến hết sức bất ngờ theo chiều hướng tích cực.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, tính tới hết phiên giao dịch ngày 10/3/2016, TRC (cao su Tây Ninh) tăng 33%; PHR (cao su Phước Hòa) tăng 25%; VHG (Đầu tư cao su Quảng Nam) tăng 16,3%; TNC (Cao su Thống Nhất) tăng 13,6%; DPR (Cao su Đồng Phú) tăng 3,6% so với thời điểm cuối tháng 02/2016.

Cổ phiếu cao su tăng mạnh trong thời gian gần đây được bắt nguồn từ sự phục hồi của giá cao su thế giới. Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/3/2016, hợp đồng tương lai cao su giao trên sàn TOCOM (Nhật Bản) đạt 173,7 Yên/kg, tăng 18% so với mức đáy được thiết lập hồi đầu năm 2016.

Việc các nhà sản xuất cao su lớn như Thái Lan, Indonesia, Malaysia mới đây đã quyết định cắt giảm xuất khẩu 615 nghìn tấn cao su trong giai đoạn 6 tháng bắt đầu từ ngày 01/3/2016 là yếu tố quan trọng nhất giúp giá cao su được cải thiện. Ngoài ra, hiệu ứng El Nino và La Nina cũng phần nào làm giảm lượng cung mủ cao su. Trong khi đó giá dầu thô tăng trở lại cũng có thể là nguyên do tác động đến đà phục hồi của giá cao su trong những ngày qua.

Theo tin từ báo TBNH, trong một năm trở lại đây, giá hai cổ phiếu DPR và PHR cũng có nhiều phiên phục hồi nhờ vào những đợt tăng của giá cao su thế giới nhưng thường chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Trong đợt tăng gần đây, DPR cũng vận động theo xu hướng cũ, chỉ có PHR vẫn tiếp tục tăng giá.
Theo nhận định của một số chuyên viên phân tích ngành cao su, việc duy trì đà tăng giá của PHR đến từ việc công ty đồng ý mức chi trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt là 2.000 đồng/cổ phiếu. Vì vậy, mức tỷ suất cổ tức cao hơn 10% vẫn đang là yếu tố được nhà đầu tư đánh giá hấp dẫn để nắm giữ.
Tuy nhiên, về hoạt động kinh doanh, vẫn chưa có một sự cải thiện mạnh khi nguồn cung trong nước vẫn tiếp tục gia tăng. Tổng diện tích vườn cao su hiện đã đạt 981.000 ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ. Sản lượng lên đến 1,017 triệu tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Sự chắc chắn trong việc giá cao su hồi phục vẫn chưa rõ ràng nên các DN vẫn tiếp tục trông chờ vào việc thanh lý vườn cây, cổ tức từ các khoản đầu tư và tiền lãi gửi tiết kiệm (theo tìm hiểu của phóng viên thì giá thanh lý vườn cây đã giảm 20%).

Trong khi đó, số dư tiền mặt cũng giảm dần do việc chi trả cổ tức, do đó, nếu giá cao su không phục hồi trở lại một cách rõ ràng, các DN trong ngành sẽ đối mặt với sự sụt giảm lợi nhuận rất mạnh.

 

Điều này đã phản ánh trong kế hoạch hoạt động 2016 khi mà ban điều hành CTCP cao su Phước Hòa sẽ trình đại hội cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 907 tỷ đồng và 126 tỷ đồng, giảm 35% và 51% so với số thực hiện 2015. Kế hoạch này dựa trên kịch bản mức giá bán trung bình chỉ 26 triệu đồng/tấn, giảm 17,5% so với con số kế hoạch 2015. Mức cổ tức bằng tiền mặt năm 2016 cho cổ đông cũng được đề xuất giảm một nửa, còn 1.000 đồng/cổ phiếu.

CTCP cao su Đồng Phú cũng sẽ đặt kế hoạch kinh doanh thấp tương tự, mặc dù họ có hoạt động kinh doanh nệm được lợi từ giá cao su thiên nhiên giảm. Nguyên do, chính là mảng kinh doanh nệm mới chỉ đang trong giai đoạn thâm nhập thị trường vốn có những đối thủ lớn đã tạo lập được tên tuổi. Với chi phí phát triển kinh doanh cao và sản lượng tiêu thụ còn khá thấp, hoạt động kinh doanh này vẫn chưa đóng góp nhiều vào kết quả hoạt động chung.

Với diễn biến giá cao su vừa qua, các công ty trong ngành cao su có thể cải thiện mục tiêu kinh doanh trong năm 2016. Tuy nhiên, chi phí để phát triển kinh doanh ngành còn khá cao, qua đó, nhà đầu tư yêu thích cao su cũng cần cân nhắc với khoản đầu tư mới này. 

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo