Góc nhìn

Tinh giản, biên chế... đứng im: Khó tăng lương, trả nợ công

Nếu chúng ta không giảm được bộ máy cồng kềnh thì đương nhiên nguồn chi thường xuyên sẽ không giảm và nền kinh tế chắc chắn khó khăn.

 Bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội chiều 27/10.

PV: -Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Nội vụ vừa cho biết, dù thực hiện Đề án tinh giản biên chế nhưng mục tiêu là từ nay đến năm 2016 về cơ bản giữ nguyên. Bà có bất ngờ trước thực trạng dù đặt mục tiêu là giảm nhưng kết quả chỉ là không tăng? Vì sao vậy?
 
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: - Nói chung rà soát bộ máy tôi muốn tăng hay giảm không quan trọng mà là chất lượng đội ngũ cán bộ công chức phục vụ như thế nào. Có đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được phân công hay không mới là quan trọng. Ví dụ như 5 người làm việc mà có chất lượng còn hơn là 10 người làm mà công việc cũng không khá hơn.
 
Cho nên số lượng tôi nghĩ là không quan trọng bằng việc mỗi người ngồi ở vị trí của mình đã hoàn thành nhiệm vụ, phục vụ tốt cho người dân hay chưa, tạo mọi điều kiện tốt nhất chưa mới là quan trọng.
 
Còn về số lượng không phải là không quan trọng nhưng nếu người ngồi đó mà làm không được việc thì phải giải quyết thôi. Tại vì đem 10 người ra khảo sát, đánh giá thì 7 người làm được, còn lại 3 người không làm được thì phải có cách giải quyết.
 
Chứ còn 5 người, 7 người hay 8 người không quan trọng là vì với 5 người làm số lượng việc có thể không nhiều như phòng có 7 người. Phòng này có thể nhiều việc hơn, làm việc tốt hơn, đáp ứng yêu cầu hơn.
 
Đại biểu Nguyễn Thị Khá
 
PV: – Liệu có thể đánh giá đây là một quyết tâm lớn của Bộ Nội vụ bởi trong nhiều năm trước, đặt mục tiêu tinh giản mà bộ máy lại phình gấp đôi?
 
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: - Việc tinh giản biên chế được nói đến nhiều lần nhưng chúng ta làm chưa được cương quyết.
 
Song tôi cho rằng không chỉ phình bộ máy mà cả việc đánh giá năng lực cán bộ công chức gọi là thi tuyển, cân đong đo đếm nhưng nói thật là chưa thật sát lắm. Tiêu chí đánh giá chỉ là một còn người cán bộ ngoài trình độ năng lực ra còn cần phải có lương tâm với nghề nghiệp nữa. Cái đó mới là quan trọng.
 
Ví dụ khi đưa ra đầu bài chấm điểm có thể anh làm rất tốt, điểm rất cao nhưng khi vào phục vụ công việc có thực sự tốt hay không lại là chuyện khác. Chẳng hạn với một đầu công việc giải quyết hồ sơ đặt ra là phải giải quyết trong hai ngày thì cứ đung đưa là đúng trong hai ngày cũng không chết ai.
 
Nhưng nếu nhìn thấy công việc có thể giải quyết ngắn hơn thời gian đó (chỉ trong 1 ngày thôi chẳng hạn) thì có thể giải quyết ngay cho dân mà không cần phải để họ chờ đợi lâu. Điều này không trái pháp luật và người nhận hồ sơ cũng có thể hiểu rõ có thể trình ngay, giải quyết nhanh thay vì quy định 2 ngày thì cứ để 2 ngày giải quyết.
 
Người cán bộ này không sai, nhưng nếu để nói phục vụ tốt cho người dân chưa, tận tình chưa thì câu trả lời là chưa. 
 
PV: –Với số lượng biên chế không giảm như trên, ngân sách có chịu được gánh nặng công chức để đảm bảo tăng lương theo lộ trình đã hứa không, thưa bà?
 
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: - Về vấn đề tăng lương như tôi đã nói cần phải đánh giá năng lực cán bộ để trả lương tương xứng cho họ.
 
Ví dụ như ông A việc này, ông B việc kia nhưng cả hai được trả lương bằng nhau trong khi hai người năng lực làm việc khác nhau. Do vậy nó phải được cân đong đo đếm đàng hoàng chứ không phải cứ ngạch lương đó là được hưởng mà không tính theo năng suất, tâm huyết của họ.
 
Cho nên nói lãng phí, dàn trải biên chế nhiều quá... thì tôi cũng không tính được con số, song quan điểm của tôi là phải đánh giá trên từng con người cụ thể để tránh việc cào bằng lương.
 
Người làm tốt hai năm tăng lương và người làm trung bình thì phải ba năm tăng lương, không làm được việc không tăng lương chứ không phải cứ đến hẹn lại lên. Như vậy nó không phát huy được sự nỗ lực hết mình của những cán bộ có năng lực thực sự.
 
Và nếu cứ để trình trạng dàn đều như vậy thì thực sự là lãng phí ngân sách. Nếu cứ để dàn trải thì ai cũng tới ngày lĩnh lương, lên lương là không công bằng.
 
Bây giờ nếu chưa sàng lọc, rà soát hết được thì lấy cơ sở nào để đưa cán bộ ra khỏi biên chế và không trả lương? Chúng ta không đánh giá một cách sát thực thì gánh nặng lương vẫn cào bằng chia đều cho mọi người thì người đáng được nâng lương lại không được nâng, còn người không đáng cũng trong danh sách này.
 
Cuối cùng là cả hai kéo nhau vào danh sách và không được tăng lương theo đúng lộ trình.
 
PV: - Trong bối cảnh Việt Nam đã phải đi vay để trả lãi các khoản nợ công, chi thường xuyên (trong đó có lương là chủ yếu) chiếm đến 70% đã hạn chế nguồn chi đầu tư phát triển để tạo ra nguồn thu mới trả nợ. Nếu không giải quyết được vấn đề biên chế, hậu quả sẽ ra sao? Theo bà, Việt Nam cần làm thế nào?
 
ĐBQH Nguyễn Thị Khá: - Quan điểm của tôi là phải cơ cấu lại nguồn chi, chi cho thường xuyên phải giảm để tăng nguồn cho đầu tư phát triển. Hiện có 3 khoản chi, thứ nhất là chi thường xuyên, thứ hai là chi cho đầu tư và thứ ba là trả nợ.
 
Nếu chúng ta tăng đầu tư thì sẽ có tiền cho trả nợ nhiều hơn. Do đó nếu giảm được biên chế sẽ bớt được chi thường xuyên bởi vì khoản chi này sẽ không làm tăng vốn lên. Còn nếu chi cho đầu tư thì nguồn vốn tăng lên, tỉ lệ trả nợ sẽ tăng lên.
 
Nếu chúng ta để tỉ lệ trả nợ hàng năm không cao lên thì vay đảo nợ sẽ cao. Cái gì cũng phải 'cân'. Nếu chúng ta không giảm được bộ máy cồng kềnh thì đương nhiên nguồn chi thường xuyên sẽ không giảm và nền kinh tế chắc chắn sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn và nợ sẽ tăng cao khi chúng ta không đủ khả năng chi cho nguồn này.
 
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo