Tổ chức Lao động Quốc tế: Việt Nam nên tăng tuổi làm, giảm lương hưu
Xin ông cho biết vì sao trong khuyến nghị của mình ILO lại đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu tại thời điểm này?
Việt Nam cần phải cân nhắc đến phương án tăng tuổi nghỉ hưu vì quỹ BHXH hiện tại đang ở trong tình trạng đáng báo động. Thực tế Việt Nam đã ý thức được vấn đề này trong Nghị quyết TW 5 của Đảng , trong đó nêu rõ BHXH cần phải được điều chỉnh phù hợp để đảm bảo được tính bền vững dài hạn của Qũy.
Theo như nghiên cứu chung của ILO và Chính phủ Việt Nam, nếu như không kịp thời cải cách thì đến năm 2021, nguồn thu của BHXH sẽ tương đương với tổng chi. Toàn bộ quỹ BHXH sẽ hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2034.
Hay nói cách khác, toàn bộ lao động nam của Việt Nam dưới 40 tuổi và lao động nữ dưới 35 tuổi sẽ không được nhận lương hưu sau khi nghỉ hưu.
Ngoài ra, cũng cần phải biết rằng ILO không đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu ngay lập tức mà sẽ tăng theo lộ trình từ từ. Như vậy là hiện tại tất cả người lao động sắp đến tuổi về hưu sẽ không chịu tác động của cải cách đề xuất.
ILO đã đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 vào năm 2030. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam thậm chí còn đề xuất chậm hơn: 60 tuổi cho lao động nữ vào năm 2034 và 62 tuổi cho lao động nam vào năm 2025. Vào thời điểm đó, xã hội Việt Nam sẽ có một cục diện hoàn toàn khác.
Về cơ bản, Việt Nam đang như đứng giữa ngã ba đường mà chưa biết chọn hướng đi nào: hoặc là bắt tay vào việc tăng tuổi nghỉ hưu dần từ bây giờ; hoặc là đợi 3 đến 5 năm nữa để tiến hành cải cách mạnh tay hơn; hoặc là để mặc lao động trẻ và trung tuổi đối mặt với việc nghỉ hưu không có lương hưu trong tương lai gần.
Tăng tuổi nghỉ hưu nghĩa là người lao động sẽ làm việc trong thời gian dài hơn. Điều này có phù hợp với sự phát triển về sức khỏe và tuổi thọ của người Việt Nam hay không?
Có một vài chỉ số cho thấy rằng trên thực tế, sức khỏe của người Việt Nam, đặc biệt là người nhận lương hưu đã được cải thiện.
Trước tiên, tuổi thọ trung bình vào năm 1990 là 66; nhưng giờ là 75. Quan trọng hơn, tuổi thọ trung bình của những người đã sống đến 60 tuổi là 81. Con số này ngang ngửa với các nước phát triển như Brazil, Thái Lan và chỉ kém các nước Tây Âu 3-4 tuổi. Tuổi thọ không thể nâng thêm 9 năm mà sức khỏe của người dân không được cải thiện.
Thứ hai, theo kết quả Khảo sát Mức sống Dân cư 2012, khoảng 40% người nghỉ hưu làm việc đến 65 tuổi, mặc dù họ có thể không làm toàn thời gian. Trong khối lao động phi chính thức, khoảng 70% người lao động vẫn làm việc không thường xuyên khi đã 65, và khoảng 25% vẫn làm việc thường xuyên. Điều đó chứng tỏ người dân vẫn còn khả năng lao động.
Cuối cùng, điều quan trọng là cần phải hiểu rằng đối tượng nào được nhận lương hưu. Chắc chắn một điều, họ không phải lao động có thu nhập trung bình của Việt Nam.
Tuy vẫn có một số ngoại lệ, những người nhận lương hưu thường có mức sống cao hơn hầu hết người dân Việt Nam. Theo Khảo sát Mức sống Dân cư 2012, khoảng 70% người về hưu thuộc nhóm 40% dân số giàu nhất Việt Nam. Hay nói cách khác, chỉ dưới 4% trong số họ là người nghèo.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động như thế nào đến áp lực về việc làm?
ILO không ủng hộ và cũng không đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu ngay lập tức, nhưng nên tăng tuổi nghỉ hưu bắt đầu từ bây giờ, để thị trường lao động cũng như xã hội Việt Nam kịp điều chỉnh.
Thực tế là hằng năm, có rất nhiều thanh niên gia nhập thị trường lao động nhưng trong vòng 10 năm tới, con số này sẽ giảm dần.
Theo dữ liệu chính thức, lực lượng lao động hiện tăng 700.000 người hàng năm. Tuy nhiên, từ 2019 đến 2029, lực lượng lao động sẽ tăng chậm lại hơn, ở mức khoảng 350.000 lao động một năm.
Trong thập kỷ tiếp theo, chính xác là khi tuổi nghỉ hưu dự tính ổn định ở mức 62 thì lực lượng lao động cũng sẽ ổn định ở mức 62 triệu lao động. Như vậy, lịch trình tăng tuổi nghỉ hưu có vẻ rất phù hợp với sự phát triển của thị trường lao động cũng như trong việc cung cấp đủ thời gian cho Chính phủ và cả xã hội thích ứng.
Thay đổi cách tính và tạo sự công bằng!
ILO đề xuất thay đổi công thức tính lương hưu. Ông có thể giải thích thêm về vấn đề này?
Công thức tính lương hưu hiện tại đưa lại một tỷ lệ hưởng cao quá mức trong mối tương quan giữa lương hưu với mức lương đóng bảo hiểm trung bình khi còn làm việc. Theo phân tích của ILO, tỷ lệ hưởng của công chức, viên chức là hơn 100%, có nghĩa là họ hưởng nhiều hơn mức lương đóng BHXH thực tế của họ.
Thông thường, hệ thống hưu trí chỉ cho phép một tỷ lệ hưởng trong khoảng từ 40 đến 60%. nhằm đảm bảo cuộc sống đầy đủ cho người nghỉ hưu. Tuy nhiên, tỷ lệ hưởng lương hưu ở Việt Nam lại cao quá.
Trên thực tế, đây là tỷ lệ cao nhất trên thế giới các chuyên gia của ILO từng biết đến. Chính điều này đe dọa tính bền vững về tài chính của quỹ lương hưu. Do vậy, công thức tính lương hưu cần được điều chỉnh.
Nói như vậy có nghĩa nếu cải cách tiền lương theo cách tỉnh của ILO lương hưu của người lao động Việt Nam sẽ giảm?
Nếu phương án cải cách của ILO được triển khai, lương hưu sẽ tăng. ILO đã nhấn mạnh rõ phương án cải cách chuẩn mực là phải tuân thủ cải cách của Bộ Luật Lao động để người lao động và người sử dụng lao động đóng BHXH tính theo tổng thu nhập, chứ không phải tính theo lương cơ bản.
Nếu như cải cách được triển khai, lương hưu sẽ cao hơn đang kể, dù cho công thức tính lương hưu có bị giảm đôi chút.
Theo ông cách tính lương hưu giữa các khối lao động ở Việt Nam đã tạo được sự công bằng để thu hút người lao động, đặc biệt là khối tư nhân tham gia?
Sự bất bình đẳng đang là một vấn đề đáng lo ngại của hệ thống lương hưu. Các nhóm lao động khác nhau như khối quân nhân, công chức, viên chức, và khối lao đông tư nhân có tỷ lệ hưởng so với mức đóng góp thực tế là khác nhau.
Sự đối xử không công bằng dẫn tới hai vấn đề đó là sự đố kỵ về lương hưu – gây ra sự lo âu mang tính xã hội trong các nhóm đóng góp nhiều hơn hưởng, và sự trốn tránh – những nhóm đối tượng bị thiệt thòi quyền lợi sẽ có động cơ trốn và không tham gia hệ thống BHXH.
Hệ thống hưu trí hiện tại đang chưa thu hút được một bộ phận người lao động trong khối tư nhân. Đây có thể là lý do tại sao việc mở rộng tỷ lệ bao phủ đang chậm lại trong khối này.
Lý do vì sao khu vực tư nhân không mặn mà với hệ thống hưu trí có lẽ là bởi lương hưu của họ ít hơn rất nhiều so với các nhóm khác. Bởi vậy, bằng cách thay đổi công thức tính lương hưu, đối xử công bằng với tất cả các nhóm (quân nhân, nhân viên Nhà nước và lao động trong khư vực tư nhân), là một cách mở rộng độ bao phủ tới khu vực tư nhân.
ILO cho rằng hệ thống lương hưu cần công bằng, bình đẳng với mọi người lao động. Một cuộc cải tổ như vậy không chỉ tốt đối với hệ thống hiện tại mà còn giúp tăng độ bao phủ.
Xin cám ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo