Góc nhìn

Toa thuốc là “lệnh xé xác”

Khi ngồi trước toa thuốc kê cho bệnh nhân, phải nghĩ đó là “lệnh xé xác”, rất hệ trọng đối với bệnh nhân. Có như vậy, thầy thuốc mới cân nhắc, thận trọng khi kê toa.

 Một đơn thuốc có trị giá 4,8 triệu đồng - Ảnh: T.Dương

Sau nhiều biện pháp về quản lý mà ngành y tế đặt ra trong những năm qua, tưởng chừng chuyện bác sĩ kê toa ăn hoa hồng, xem nhẹ sức khỏe bệnh nhân ở nước ta đã lui về quá khứ, nào ngờ nó vẫn hoành hành, thậm chí có phần tệ hại.
 
Đúng là tệ hại, bởi bệnh nhân T. trong bài báo “Bác sĩ kê toa thuốc khủng” với giá “cắt cổ” dù đến khám tại khu điều trị kỹ thuật cao Bệnh viện Bình Dân.
 
Dù được chẩn đoán bệnh trĩ và phì đại tiền liệt tuyến nhưng chẳng hiểu sao trong toa thuốc bỗng dưng có thêm kháng sinh trị viêm phế quản mạn, viêm phổi, đặc biệt có cả thực phẩm chức năng để tăng cường sinh lý dù bệnh nhân không than phiền gặp trục trặc gì về chuyện vợ chồng.
 
Người bình thường đã thấy bất thường, chỉ có bác sĩ điều trị thấy... bình thường và còn lý luận “thường bệnh nhân có tiền mới khám ở khu kỹ thuật cao”.
 
Nhưng có thật như thế không? Nghe giãi bày của những bệnh nhân trong cuộc mà thấy đau lòng. Họ là những giáo viên, thợ làm cửa nhôm, tiền bạc chẳng dư dả gì, nghe tên tuổi Bệnh viện Bình Dân tìm đến khám, nào ngờ khi cầm toa thuốc ai cũng thẫn thờ vì giá quá đắt.
 
Nghe chuyện kê đơn thuốc “khủng” ở một bệnh viện tên tuổi như Bệnh viện Bình Dân TP.HCM, không ít người trong ngành thắc mắc vai trò của người quản lý ở đâu.
 
Để kiểm soát nạn bác sĩ kê toa ăn hoa hồng, nhiều bệnh viện từ lâu đã thành lập hội đồng “bình đơn thuốc”, chọn ngẫu nhiên toa thuốc nào đó hoặc toa thuốc đắt tiền để xem bác sĩ kê toa đúng hay không.
 
Chuyện không khó thực hiện nhưng ở Bệnh viện Bình Dân, một lãnh đạo lại thừa nhận “chưa làm rốt ráo nên để sót toa thuốc chưa hợp lý” (?).
 
Một giải pháp khác là giám sát từ xa việc kê toa thuốc bác sĩ ngoại trú bằng công nghệ thông tin, chuyện không khó làm nhưng lại hiệu quả, tại sao Bệnh viện Bình Dân không thực hiện?
 
Giải pháp này được Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM thực hiện những năm qua, góp phần nâng cao chất lượng điều trị. Ở đây, mọi toa thuốc đều được vi tính hóa và xử lý bằng phần mềm để chuyển về phòng giám sát.
 
Từ phòng này, chỉ cần nhìn lên màn hình là nhà quản lý có thể giám sát toàn bộ việc kê toa thuốc của bác sĩ đang điều trị ở khu vực ngoại trú. “Nhờ công cụ này mà bệnh viện phát hiện ngay những bất thường và can thiệp được lập tức” - một lãnh đạo bệnh viện nói.
 
Trước những cám dỗ vật chất của cuộc sống ngày nay, dường như mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực đều bị tác động. Thay vì những lời kêu gọi về y đức chung chung, nhà quản lý bệnh viện cần có những giải pháp kỹ thuật để tránh cho bác sĩ sa ngã.
 
Họ phải là những nhà quản lý bệnh viện chuyên nghiệp, biết dành thời gian xuống khoa phòng để tìm hiểu các vấn đề phát sinh, nếu có thì tìm cách khắc phục ngay.
 
Còn nhớ trước đây, trong một cuộc trò chuyện của bác sĩ Trần Đông A, ông tâm sự rằng khi ngồi trước toa thuốc kê cho bệnh nhân, ông luôn nghĩ tờ giấy đó là “lệnh xé xác”, là điều rất hệ trọng đối với bệnh nhân.
 
Có như vậy, thầy thuốc mới cân nhắc, thận trọng khi kê toa cho bệnh nhân. Và với người thầy thuốc chân chính, sẽ không có một tâm niệm nào khác khi kê toa ngoài việc làm sao cho người bệnh chóng hồi phục.
 
Những suy nghĩ như của bác sĩ Đông A đến nay vẫn cần được nhắc lại.
 
Theo Tuổi trẻ Online
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo