Doanh nhân

Tới đâu rồi, Meg Whitman!

Khi Meg Whitman trở thành CEO Hewlett-Packard (HP) vào tháng 9.2011, hãng sản xuất máy tính này là một mớ hỗn độn. Công ty đã sa thải 2 CEO là Mark Hurd và Léo Apotheker chỉ trong 13 tháng.

 Khi Apotheker đưa ra kế hoạch chia tách bộ phận máy tính cá nhân (PC), tình hình kinh doanh của HP càng bi đát. Kế hoạch của Apotheker là thoát khỏi mảng PC đang sa sút và đẩy mạnh mảng phần mềm bằng cách mua lại Autonomy (Anh). Trước động thái này, lực lượng nhà phân phối hùng hậu của HP, vốn bán tới 70% thiết bị của HP cho người sử dụng cuối cùng, đã dần chuyển sang các nhà cung cấp máy tính khác. “Khi nói có thể sẽ chia tách bộ phận PC, chúng tôi đã tự làm tổn thương mình trong mối quan hệ với nhà phân phối”, Cathie Lesjak, Giám đốc Tài chính HP, cho biết.

Trước đó, các biện pháp siết mạnh chi phí của Hurd đã khiến cho nhiều nhân viên cảm thấy mệt mỏi. Còn nhà đầu tư thì quá chán ngán với các cuộc tranh cãi diễn ra trong Hội đồng Quản trị về đường hướng phát triển của Công ty.

 

Trong nỗ lực tiết kiệm chi phí, “Meg còn quyết liệt hơn cả Mark trước đây”.

 

Vào lúc Whitman ghi giảm 8,8 tỉ USD giá trị thương vụ mua lại Autonomy (HP mua lại với giá 11 tỉ USD) và một số tiền tương tự từ thương vụ thâu tóm hãng dịch vụ công nghệ thông tin EDS, HP càng rơi vào mớ hỗn độn. Việc ghi giảm giá trị thương vụ Autonomy đã đẩy giá cổ phiếu HP xuống dưới 12 USD, còn phân nửa so với thời điểm Whitman giữ chức CEO. Doanh thu giảm từ mức 127 tỉ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 10.2011 xuống còn 120 tỉ USD năm 2012 và 112 tỉ USD năm 2013.

Thế nhưng, dưới sự lèo lái của Whitman, gần đây tình hình của HP có vẻ đã khả quan hơn. Doanh thu trong 3 tháng kết thúc vào tháng 4.2014 chỉ thấp hơn 1% so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ là 0,1% nếu loại trừ yếu tố biến động tỉ giá). Các nỗ lực cắt giảm chi phí mạnh tay của Whitman cũng đã mang lại lợi nhuận cao hơn và tăng được lớp đệm tài chính cho công ty này, lên tới 15,1 tỉ USD so với chỉ 8 tỉ USD vào cuối năm 2011. HP cũng đã mua vào cổ phiếu quỹ.

Một điều đáng chú ý là thời gian qua, HP đã chuẩn hóa các quy trình trong Công ty và lập nên một cổng duy nhất dựa trên nền tảng đám mây cho kênh kinh doanh phân phối. Một hệ thống mới về quản lý các quỹ marketing đã có ở châu Mỹ và châu Á và sẽ có mặt ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi vào tháng 11 tới. Động cơ mới này sẽ “chưa thể kích hoạt cho tất cả mọi xi-lanh hoạt động” nhưng “nó đã tập trung hơn trước rất nhiều vào sự thành công chung của kênh kinh doanh phân phối”, Tiffani Bova, chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu Gartner, nhận xét. Ông Mark Starkey, Giám đốc Điều hành Logicalis UK, chi nhánh Anh của một hãng tích hợp công nghệ thông tin toàn cầu cũng thừa nhận: “Tinh thần ở HP bây giờ đã khác rồi”.

Tất cả những điều này đã giúp giá cổ phiếu HP tăng gấp ba kể từ mức thấp kỷ lục trước đó, lấy lại những gì đã mất sau khi Apotheker tung ra kế hoạch chia tách PC. Dẫu vậy, theo Toni Sacconaghi, chuyên gia phân tích của Sanford C. Bernstein, giá cổ phiếu HP vẫn thuộc hàng rẻ nhất trong chỉ số S&P 500.

Điều đó có nghĩa là thị trường không kỳ vọng HP sẽ chuyển ngay được từ giai đoạn “ổn định” sang giai đoạn “tăng trưởng”. Mức lợi nhuận cao hơn sẽ không thể có mãi bằng cách cắt giảm chi phí. Trong nỗ lực tiết kiệm chi phí, “Meg còn quyết liệt hơn cả Mark trước đây”, Lesjak nhận xét. Tháng 5 vừa qua, HP cho biết sẽ tiết kiệm được thêm 1 tỉ USD mỗi năm bằng cách giảm thêm 11.000-16.000 việc làm vào năm tới.

Hồi năm 2012, Whitman đã dự đoán năm 2014 sẽ là năm HP “thực sự phục hồi và tăng trưởng”. Bây giờ, bà có vẻ tỏ ra thận trọng hơn nhưng vẫn khẳng định: “Tốc độ tăng trưởng doanh thu bền vững và sinh lãi vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”. Vậy sự tăng trưởng bền vững này có thể đến từ đâu?

Chắc chắn sự tăng trưởng này sẽ không đến từ bộ phận lớn nhất của HP là PC và máy in. Gần đây, các doanh nghiệp đã thay thế các máy tính để bàn và laptop cũ kỹ, một phần là do Microsoft không còn hỗ trợ hệ điều hành Windows XP. Doanh số bán PC của HP cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp trong quý kết thúc vào tháng 4 đã cao hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng sự cải thiện này cũng khó mà duy trì lâu và hơn nữa, HP đã bỏ lỡ cơn sốt máy tính bảng và điện thoại thông minh.

Mảng máy in thì có biên lợi nhuận cao hơn mảng PC, nhờ việc bán hộp mực in nhưng “với việc màn hình có ở khắp mọi nơi, chúng ta không cần in thường xuyên như trước nữa”, ông Jayson Noland, chuyên gia phân tích thuộc ngân hàng đầu tư Robert W. Baird, nhận xét.

Tuy nhiên, Whitman đang đặt nhiều kỳ vọng vào mảng máy chủ khi cho biết HP đang hưởng lợi từ việc IBM tuyên bố bán mảng máy chủ cấp thấp cho Lenovo hồi tháng 1. “Chúng tôi đã thắng hơn 600 hợp đồng trước đối thủ IBM trong 4 tháng. Mỗi ngày qua, chúng tôi chứng kiến ngày càng nhiều khách hàng quan tâm đến sản phẩm máy chủ của HP”, bà nói.

Một nhà điều hành cấp cao tại một công ty từng là đối tác lớn của IBM (không muốn nêu tên) cũng thừa nhận thương vụ IBM-Lenovo đã tạo ra sự thất kinh lớn trong giới khách hàng của IBM. “HP đang làm tốt việc giành khách hàng từ tay IBM”, vị này nói.

Whitman có lẽ cũng đang kỳ vọng nhiều vào liên doanh với Foxconn, công ty Đài Loan chuyên sản xuất iPad và iPhone cho Apple. Liên doanh này, vốn được công bố vào tháng 4 vừa qua, cho thấy tham vọng lớn hơn của HP: bán máy chủ trên quy mô lớn cho chủ sở hữu của các trung tâm dữ liệu lớn. Một số công ty như Facebook và Google thiết kế máy chủ riêng và nhờ các công ty Đài Loan khác xây dựng lên cho họ. Nhưng Lesjak cho rằng vẫn còn nhiều khách hàng như Apple, Microsoft và các công ty nhỏ hơn. Theo bà, thị trường này sẽ phù hợp với máy chủ Moonshot tiết kiệm năng lượng của HP.

Tham vọng điện toán đám mây của HP không chỉ dừng lại ở đó. Công ty đang đầu tư hơn 1 tỉ USD trong vòng 2 năm tới vào một đám mây “lai”, mà theo đó khách hàng có thể sử dụng máy chủ ngay tại nơi làm việc của mình, tại các trung tâm dữ liệu của HP và tại cơ sở của đối tác thứ ba. Bill Hilf, phụ trách bộ phận đám mây HP, cho rằng dịch vụ đám mây này sẽ thu hút được các công ty lớn hơn và lâu đời hơn, vì những công ty này vẫn còn chạy nhiều hệ thống từ nhiều nhà cung cấp khác nhau. Theo Hilf, tỉ lệ thích ứng của khách hàng với điện toán đám mây chỉ khoảng 5% và thị trường này vẫn rất lớn – tới 235 tỉ USD mỗi năm vào năm 2017, theo hãng nghiên cứu IHS. Vì thế, HP còn nhiều cơ hội.

Dù cơ hội cho HP vẫn còn nhưng một khi doanh thu đã vượt qua con số 100 tỉ USD thì những ngành mới mà HP đang phát triển phải thực sự lớn mới có thể kéo cả cỗ máy tăng trưởng. Đó là thách thức của Whitman. 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo