Toyota và hành trình từ hãng dệt đến thương hiệu xe hơi toàn cầu
Khi chính phủ cần xe tải
Được thành lập vào năm 1926 bởi Sakichi Toyoda, hãng Toyoda Automatic Loom Works chuyên sản xuất máy cho ngành dệt may. Sau đó không lâu, hãng sản xuất này nhanh chóng trở thành một trong những công ty cung cấp máy dệt may lớn nhất Nhật Bản.
Ông Sakichi Toyoda
Ngoài ra, hãng cũng mở rộng ra mảng luyện thép và sản xuất đồ gỗ vào năm 1927. Đến năm 1929, ông Toyoda bán quyền sử dụng tất cả những sản phẩm máy dệt may của mình ngoại trừ thị trường Nhật bản, Trung Quốc và Mỹ với giá 1 triệu Nhân dân tệ và dùng số tiền đó để đầu tư nghiên cứu sản xuất ô tô.
Vào thời đó, tàu hỏa không thể hoạt động tốt khi động đất thường xuyên xảy ra ở Nhật Bản và xe hơi hay xe tải là những phương tiện giao thông, vận tải hiệu quả nhất. Thật không may, ông Toyoda mất sau đó 1 năm và trách nhiệm phát triển xe hơi của Toyota rơi vào người con trai Kiichiro Toyoda.
Ông Kiichiro Toyoda
Mới đầu, Kiichiro không thực sự chắc chắn khi đầu tư vào ngành ô tô khi thị trường Nhật Bản tràn ngập xe hơi của Ford và General Motors (GM). Thậm chí anh trai của Kiichiro là ông Risaburo Toyoda-CEO của Toyoda Automatic Loom cũng không tán thành ý tưởng này vì cho rằng quá rủi ro.
Xưởng sản xuất của Ford tại Nhật Bản.
Tuy vậy, do mong ước của người cha để lại và niềm đam mê máy móc mà Kiichiro đã thúc đẩy kế hoạch này. Cuối cùng ông cũng được sự đồng ý của nhà đầu tư và ban quản trị để thành lập phòng nghiên cứu sản xuất xe hơi vào năm 1933.
Bên cạnh đó, tình hình địa chính trị khi đó cũng giúp đỡ ông Kiichiro. Năm 1931, Nhật Bản bất ngờ tấn công Trung Quốc và quân đội đảo quốc nhanh chóng nhận ra những chiếc xe tải của Mỹ rất có ích trong việc chở quân cũng như vũ khí. Do đó, phía quân đội Nhật Bản nhận định việc phát triển ngành ô tô trong nước có ý nghĩa quan trọng chiến lược.
Xe tải cho quân đội Nhật Bản trong Thế chiến II
Năm 1936, chính phủ nước này thông qua điều luật buộc các công ty muốn đăng ký trở thành nhà sản xuất xe hơi phải chế tạo ít nhất 3.000 chiếc xe tải trở lên. Hơn nữa, hơn 50% cổ phẩn của hãng sản xuất phải thuộc về người Nhật Bản.
Đồng thời, chính quyền Tokyo khi đó cũng đánh thuế xe hơi và các linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước. Ngay lập tức, các hãng xe Ford và GM rời khỏi thị trường Nhật Bản vào năm 1939.
Sản phẩm đầu tiên của Kiichiro ra đời vào năm 1935 là một chiếc xe tải 20 chỗ. Chỉ một năm sau đó, mảng xe hơi của Toyoda Automatic Loom vốn chuyên sản xuất máy may đã cho ra đời 1.142 chiếc xe. Tuy nhiên hầu hết những sản phẩm này được làm thủ công và chưa được sản xuất tự động hóa, công nghiệp hóa.
Chiếc xe đầu tiên được sản xuất bởi Toyota.
Sau khi chính phủ Nhật Bản ban hành những điều luật hỗ trợ ngành xe hơi, CEO Risaburo nhanh chóng nhận ra mảng kinh doanh này có thể đem lại nhiều lợi nhuận và quay ra ủng hộ em trai mình, ông Kiichiro Toyoda.
Vào năm 1937, 2 anh em nhà Toyoda thuyết phục được ban quản trị tách phòng nghiên cứu sản xuất ô tô ra thành một công ty riêng và Toyota Motors Company chính thức ra đời với Chủ tịch là ông Kiichiro Toyoda.
Mục tiêu ban đầu của Toyota là sản xuất dòng xe chở khách và xe cá nhân. Dẫu vậy, do tình hình chiến tranh nên quân đội Nhật Bản yêu cầu Toyota tập trung sản xuất xe tải quân sự vào năm 1939.
Yếu tố này đã khiến cho Toyota bỏ lỡ một khoảng thời gian nghiên cứu cho dòng xe cá nhân và phải chịu tác động nặng nề sau khi Thế chiến II kết thúc.
Với lợi thế về sản xuất máy may cũng như kinh doanh trong các mảng luyện thép, hãng Toyoda Automatic Loom Works đã trợ giúp rất nhiều cho các hoạt động của Toyota trong thuở ban đầu.
Khi chiến tranh bước vào giai đoạn gay cấn, các nhà máy sản xuất tại Nhật Bản, bao gồm cả Toyota lẫn Loom Works đều nằm dưới sự quản lý của quân đội. Trong thời kỳ này, Loom Works phải chịu trách nhiệm nhiều công đoạn sản xuất thay cho Toyota do nhu cầu xe tải quan trọng hơn là sản xuất máy may.
Chuyển trọng tâm sang ngành ô tô
Kết thúc Thế chiến II, hoạt động sản xuất của Loom Works tăng trở lại nhưng ông Kiichiro nhận định Toyota cần chuyển mình thành một công ty sản xuất xe hơi độc lập và có đủ khả năng tự sản xuất ô tô mà không cần nhiều sự trợ giúp từ Loom Works.
Tuy vậy, kế hoạch này của ông Kiichiro gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu xe tải giảm mạnh sau chiến tranh khiến doanh số của Toyota giảm theo. Hơn nữa, do là nước thua trận nên Toyota cũng phải đối mặt với rủi ro tái cơ cấu cũng như đình trệ sản xuất.
Bên cạnh đó, thị trường Nhật Bản lại quá nhỏ để các nhà máy có thể sản xuất hàng loạt xe hơi và chào bán như ở Mỹ. Do thiệt hại nhiều sau chiến tranh nên việc huy động nguồn vốn lúc đó vô cùng khó khăn.
Nhật Bản là nước thua trận và quân đội Mỹ đồn trú tại nước này. Do đó, những điều luật mới đã được ban hành theo các tiêu chuẩn của xã hội Mỹ, như luật lao động. Điều này khiến các công ty Nhật Bản như Toyota càng gặp khó trong nguồn nhân lực khi không thể ép làm thêm ca hay phải tốn thêm chi phí nhân công.
Theo các điều khoản ký kết sau chiến tranh, những doanh nghiệp sản xuất ô tô từ Mỹ và Châu Âu có toàn quyền tiếp cận thị trường Nhật Bản và điều này càng khiến sự cạnh tranh trên thị trường trở nên gay gắt.
Dẫu vậy, chính phủ Nhật Bản không muốn thị trường nội địa bị mất vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Họ quyết định cho phép dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào ngành sản xuất xe hơi và nâng thuế nhập khẩu xe ngoại. Tuy nhiên, động thái này không hoàn toàn giải quyết hết được những khó khăn cho Toyota.
Trong khoảng 1945-1950, Toyota gặp nhiều khó khăn khi khôi phục lại hoạt động sản xuất. Chủ tịch Kiichiro khi đó thậm chí đã quyết định mở rộng sang các hoạt động kinh doanh khác như xây dựng (cơ sở hạ tầng Nhật Bản bị tàn phá nặng sau chiến tranh), thực phẩm, may mặc để duy trì cuộc sống cho các nhân viên.
Một buổi họp Công đoàn của Toyota
Đến khoảng năm 1949-1950, Toyota lâm vào tình trạng nguy cấp khi gần như phá sản. May mắn thay, cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ khiến nhu cầu xe tải tăng trở lại.
Ngoài ra, việc Nhật Bản bắt đầu học tập phương pháp sản xuất kinh doanh của Mỹ và cải tiến cho phù hợp thị trường đã dần phát huy được tác dụng. Doanh số bán hàng của Toyota liên tục tăng trưởng sau năm 1950.
Kể từ đây, cả hai mảng sản xuất máy may của Loom Works và xe hơi của Toyota đều phát triển. Dù hai hãng vẫn có một số liên hệ nhưng mảng kinh doanh cốt lõi của Toyota đã dịch chuyển từ sản xuất máy may sang chế tạo ô tô. Giờ đây, Toyota không chỉ phổ biến ở Nhật Bản, mà còn là thương hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới.
Tổng hợp theo Cafebiz/Trí thức trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo