TPP: Quá sớm để "khui rượu ăn mừng"?
Sau hơn 5 năm đàm phán, 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận lịch sử mà theo đó các hàng rào thuế quan đối với 18.000 loại hàng hóa được giảm bớt hoặc dỡ bỏ.
Đây là thỏa thuận thương mại lớn nhất mà Mỹ tham gia kể từ sau Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và vòng đàm phán Uruguay* được ký kết cách đây hơn 20 năm. Tuy nhiên, theo Andrew Kenningham – chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics, ban đầu các quốc gia sẽ phải vượt qua một vài chướng ngại vật để có thể hoàn tất TPP.
Đầu tiên, thỏa thuận này phải được Quốc hội các nước thông qua và quá trình này có thể kéo dài tới vài tháng. Ở Mỹ - quốc gia dẫn đầu sáng kiến này – rất nhiều đồng minh ở đảng Dân chủ của Tổng thống Obama cũng như các nhóm nghiệp đoàn lao động lo sợ rằng TPP sẽ “cướp đi” việc làm trong ngành sản xuất của người dân Mỹ và làm suy yếu các điều luật bảo vệ môi trường. Trong khi đó một số thành viên đảng Cộng hòa phản đối điều khoản liên quan đến việc các công ty thuốc lá kiện các Chính phủ vì chính sách cấm hút thuốc lá. “Đảng Dân chủ phản đối, các ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa trong chiến dịch tranh cử cũng phản đối, đặc biệt là Donald Trump. Với cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào năm 2016, TPP có thể mắc kẹt ở Quốc hội Mỹ”, Kenningham nói.
Thứ hai, theo Kenningham, quá trình giảm thuế cũng như tăng khả năng tiếp cận thị trường sẽ chỉ diễn ra rất chậm chạp. “Kể cả sau khi được hoàn tất, sẽ phải mất vài năm đẻ có thể thực sự cảm nhận được đầy đủ những lợi ích mà TPP mang lại”.
Evan Lucas, chiến lược gia tại IG – có cùng quan điểm khi cho rằng TPP không thể thay đổi toàn bộ bức tranh kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn. “TPP rất thú vị nếu xét trên góc độ chính trị, nhưng khi nhìn vào góc độ thị trường, TPP còn vướng phải rất nhiều rào cản trong vài năm tới”, ông nói.
Dẫu vậy Lucas vẫn cho rằng chúng ta không nên hạ thấp tầm quan trọng của TPP trong dài hạn sau khi Quốc hội các nước thành viên đều thông qua hiệp định này. “Sau khi có hiệu lực, tác động đến GDP của hầu hết các quốc gia Thái Bình Dương đều là tích cực, do đó tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng sẽ là tích cự. Nhưng điều này chỉ xảy ra trong vài năm nữa. Hàng hóa mềm**, sở hữu trí tuệ và những dịch vụ có thể xuất khẩu sẽ thắng lớn”. Các nước TPP đạt được thỏa thuận vào đúng thời điểm bất ổn của kinh tế toàn cầu đang lên đến đỉnh điểm với cả hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới là Trung Quốc và Nhật Bản đều đang chao đảo.
* Vòng đàm phán Uruguay là một loạt các cuộc đàm phán thương mại nối tiếp nhau từ tháng 9 năm 1986 cho đến tháng 4 năm 1994. Đây là vòng đàm phán thứ tám của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) với sự tham gia của 125 nước. Vòng đàm phán này mang tính chất lịch sử vì nó đã chuyển GATT thành Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
** Hàng hóa mềm là các mặt hàng như cà phê, ca cao, đường, bắp ngô, lúa mỳ, đậu nàng và trái cây. Thuật ngữ này thường ám chỉ các hàng hóa có thể gây trồng, hơn là được khai khoáng.
Theo Trí thức trẻ/CNBC
End of content
Không có tin nào tiếp theo