Phân tích

TPP với ngành nông nghiệp: ì ạch với đổi mới là 'chết'

(DNVN) - “TPP mở ra một cơ hội rất lớn cho chúng ta nhưng trái lại cũng có nhiều thách thức, nếu chúng ta không có cải tiến trong quản lý, sản xuất và cải cách hành chính thì chúng ta sẽ thua trên sân nhà”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhận định.

Trước sự kiện Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận thành công vào ngày 5/10/2015 tại Atlanta (Mỹ), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhận định rằng, Hiệp định này sẽ mang lại những cơ hội và thách thức không nhỏ đến ngành nông nghiệp Việt Nam.

Giảm phụ thuộc xuất khẩu vào Trung Quốc

 Nói về cơ hội của ngành nông nghiệp Việt Nam khi gia nhập TPP,  theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, khối TPP với thị trường rộng lớn lên tới 600 triệu dân, sẽ giúp giảm áp lực vào một số thị trường tiêu thụ nông sản truyền thống. 

Khối TPP với thị trường rộng lớn lên tới 600 triệu dân, sẽ giúp giảm áp lực vào một số thị trường tiêu thụ nông sản truyền thống. Ảnh: Internet.

Theo Thứ trưởng, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang phụ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc, với 35% giá trị xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2015, hay cao su chiếm 48% giá trị, rau quả 68%..., trong khi nhập tới 62,5% đầu vào. Vì vậy, nếu gia nhập TPP thì xuất khẩu nông sản sẽ giảm phụ thuộc vào nước này.

"TPP mở ra thị trường mới rộng mở hơn, giúp Việt Nam điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu lĩnh vực nông nghiệp. 11 quốc gia còn lại trong TPP sẽ giúp Việt Nam giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường truyền thống là Trung Quốc", Thứ trưởng cho biết.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho biết, ngay sau khi TPP có hiệu lực, hầu hết các hàng nông sản đã giảm thuế xuống hơn 90%, và có những mặt hàng đã xuống 9%...và theo lộ trình giảm thuế thì sau một thời gian mức thuế suất của nhiều mặt hàng sẽ về 0, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam có lợi thế như đồ gỗ, thủy sản…TPP sẽ thúc đẩy mạnh đến tình hình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Cũng theo Thứ trưởng Tuấn, khi TPP có hiệu lực có nghĩa là cơ hội thông thương sẽ mở ra và đây là cơ hội để thu hút nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam. Thuế TPP bằng 0% sẽ tạo nhiều cơ hội để ngành nông nghiệp đẩy nhanh thu hút vốn đầu tư, phục vụ tái cơ cấu.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn phân tích, khi hội nhập mạnh mẽ, ngày càng nhiều các doanh nghiệp tham gia TPP đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam. Khi các nước đầu tư vào Việt Nam, chắc chắn họ sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến và cách quản lý mới. Điều này cũng góp phần giúp ngành nông nghiệp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. 

 

Nông nghiệp sẽ gặp khó tại sân nhà nếu ì ạch đổi mới

Bên cạnh những thuận lợi mà TPP mang lại, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Hà Công Tuấn cũng cho rằng, ngành nông nghiệp cảu Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, đặc biệt là những doanh nghiệp không chịu cải tiến, đổi mới.

Theo Thứ trưởng, khu vực nông nghiệp chủ yếu mang hơi hướng sản xuất nhỏ, hộ gia đình sẽ chịu tác động mạnh nhất khi TPP có hiệu lực.
Lãnh đạo ngành Nông nghiệp cho biết, hiện cả nước chỉ có khoảng 3.500 doanh nghiệp trong nông nghiệp, chiếm 1,01% tổng số doanh nghiệp cả nước. Tuy nhiên, đa phần trong số các doanh nghiệp là nhỏ và vừa, với số vốn dưới 5 tỷ đồng, chiếm dưới 65%, điều kiện sản xuất còn hạn chế nên sẽ rất nhiều khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng phân tích, hiện nay sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam có quy mô nông hộ là chính, công nghệ sản xuất còn kém dẫn đến năng suất chưa cao... và đây là những nguyên nhân khiến những mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam sẽ gặp khó khi ra thị trường thế giới.

Trước những khó khăn ngành nông nghiệp vấp phải khi tham gia sân chơi chung, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần cải tiến và đổi mới để theo kịp thế giới. "Khi tham gia vào sân chơi chung, luật chung, ai mạnh thì thắng, giá rẻ thì thắng. Nhưng chúng ta lại đang gặp bất lợi ở yếu tố này, vì thế nếu không thay đổi cách quản lý, chất lượng sản phẩm thì sản phẩm của chúng ta sẽ gặp khó khăn khi tiêu thụ ra thị trường thế giới", vẫn lời lãnh đạo Bộ NN&PTNT.

 

Thứ trưởng ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo rằng, nếu các doanh nghiệp của chúng ta không linh hoạt, không cải tiến sản xuất, chất lượng để đáp ứng những yêu cầu của các nước thành viên TPP thì nguy cơ phá sản sẽ rất cao.

“TPP mở ra một cơ hội rất lớn cho chúng ta nhưng trái lại cũng có nhiều thách thức, nếu chúng ta không có cải tiến trong quản lý, sản xuất và cải cách hành chính thì chúng ta sẽ thua trên sân nhà”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhận định.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo