Trần lãi suất chuyển dòng tiền chảy vào bất động sản
Theo đó, bốn nhóm đối tượng được ưu tiên bao gồm: Nông nghiệp, nông thôn; Sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; Sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ; Phát triển công nghiệp phụ trợ. Với lãi suất trần huy động hiện nay là 12% thì trần lãi suất cho vay những đối tượng này sẽ là 15%.
Quyết định này được doanh nghiệp và giới đầu tư đón nhận một cách hào hứng. Tuy nhiên, liệu quy định này có thực sự tác động đến các doanh nghiệp trong nhóm ưu tiên như kỳ vọng và thị trường bất động sản sẽ ảnh hưởng ra sao?
Trần lãi suất cứu doanh nghiệp?
Trong hơn 2 tuần qua lãi suất liên ngân hàng đã giảm rất mạnh. Hiện tại, lãi suất các kỳ hạn dưới 1 tháng đang ở mức dưới 8%. Lãi suất trái phiếu chính phủ và tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đã giảm về mức dưới 10%. Điều này cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng rất dồi dào thậm chí còn có ý kiến cho rằng “ngân hàng đang thừa quá nhiều tiền”.
Việc lãi suất giảm mạnh là điều dễ hiểu khi lạm phát chỉ tăng ở mức rất thấp trong những tháng vừa qua. Tuy nhiên, việc ngân hàng “thừa tiền” lại gây ngạc nhiên vì hiện tại việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân vẫn rất nhiều khó khăn. Không những vậy lãi suất cho vay phổ biến vẫn đang ở mức rất cao.
Trong bối cảnh đó việc Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất cho vay được nhiều người người cho rằng sẽ làm giảm mạnh lãi suất trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế diễn biến trên thị trường chưa hẳn sẽ như vậy?
Việc lãi suất cho vay vẫn ở mức cao cho thấy ngân hàng và người dân vẫn lo ngại lạm phát sẽ quay trở lại và rủi ro hệ thống tài chính còn lớn. Thực tế, thời gian qua rất nhiều ngân hàng tung ra nhiều gói cho vay với lãi suất khá thấp.
Tuy nhiên, chỉ có những đối tượng có mức tín nhiệm cao, dự án hiệu quả mới có thể tiếp cận tín dụng giá rẻ này. Trong khi đó những khách hàng có mức tín nhiệm thấp ngân hàng buộc phải áp lãi suất cao để bù lại rủi ro, thậm chí không dám cho những đối tượng này vay.
Việc ngân hàng thận trọng và ngại rủi ro là hết sức cần thiết. Cho đến nay vẫn có nhiều ngân hàng kiệt quệ thanh khoản do không thu hồi được nợ.
Trường hợp Habubank bất ngờ công bố lỗ hơn 4.000 tỷ đồng do dự phòng nợ xấu (theo đánh giá đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước) đã cho thấy phần nào bức tranh nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước buộc phải “bất đèn xanh” cho ngân hàng- doanh nghiệp tái cấu trúc, đảo nợ cũng đã nói lên tất cả.
Như vậy, cái khó của các doanh nghiệp và ngân hàng hiện tại là do thị trường tài chính quá rủi ro. Nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn do không có phương án kinh doanh khả thi và vẫn chưa trả được nợ cũ. Trong bối cảnh đó việc can thiệp bằng biện pháp hành chính áp lãi suất trần không có nhiều ý nghĩa thậm chí có thể có tác dụng ngược.
Tuy nhiên, với lãi suất liên ngân hàng, lãi suất trái phiếu ở mức thấp và lạm phát tiếp tục xu thế giảm thì ngay cả khi không có trần lãi suất thì lãi suất cho vay cũng sẽ dần giảm xuống. Những khách hàng tốt, dự án khả thi có thể tiếp cận vốn với lãi suất thấp.
Dòng tiền đổ vào bất động sản
Trong 4 nhóm đối tượng được vay với lãi suất trần không có ngành bất động sản. Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ thì có tài sản tối đa là một 100 tỷ đồng nên sẽ rất ít doanh nghiệp ngành bất động sản rơi vào nhóm này. Do vậy, Thông tư 14 không tác động một cách trực tiếp đến thị trường bất động sản.
Mặc dù vậy thị trường bất động sản có thể ảnh hưởng một cách gián tiếp. Việc Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất có thể gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng lãi suất sẽ còn tiếp tục giảm trong tương lai. Lãi suất giảm có thể kéo theo dòng tiền đầu cơ đổ vào bất động sản để tạo ra những cơn sóng trên thị trường này.
Mặt khác như phân tích ở trên, việc áp trần lãi suất còn có thể có tác dụng ngược. Những doanh nghiệp trong 4 nhóm đối tượng trên có thể khó tiếp cận vốn vay hơn. Tức là các ngân hàng không dám cho những doanh nghiệp này vay với lãi suất dưới 15% vì mức lãi suất này không bù lại được với rủi ro. Một lần nữa tình trạng móc nối giữa doanh nghiệp và nhà băng lại xuất hiện để “lách luật” như những lần áp trần lãi suất cho vay trước.
Trước bối cảnh đó, bất động sản lại có thể “ăn theo”. Tức là khi ngân hàng hạn chế cho vay các đối tượng rủi ro trong nhóm ưu tiền đồng nghĩa với việc họ bị dư thừa vốn nhiều hơn. Do vậy, một luồng tiền sẽ chuyển hướng vào cho vay bất động sản và tiêu dùng làm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực này sẽ giảm xuống.
Như vậy, việc áp trần lãi suất tác động gián tiếp đối với lãi suất đối với lĩnh vực bất động sản. Hơn nữa, xu thế lãi suất giảm cũng thể hiện một cách rõ ràng qua những diễn biến trên thị trường tiền tệ và tình hình lạm phát.
CafeLand cho rằng những đợt “sóng ngắn” sẽ xảy ra đầu đó trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, không nên quá kỳ vọng bất động sản sẽ nhanh chóng phục hồi mà đây chỉ là liều thuốc giúp doanh nghiệp bất động sản giảm bớt khó khăn.
Theo NĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo