Doanh nhân

Trung Quốc đổ tiền vào bất động sản Việt Nam?

Người dân thay vì mua nhà của người Việt Nam có thể sẽ phải mua nhà của người TQ, thậm chí có cả người TQ ở chính tòa nhà của người Việt.

 GS TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội cảnh báo trước tình trạng đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực bất động sản ngày một gia tăng.

 

GS TS Đặng Đình Đào cũng nêu quan điểm trước thực trạng những người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán chủ yếu là các đại gia bất động sản.

Thất thoát tài sản nhà nước

PV: - Tại diễn đàn kinh tế mùa xuân mới được tổ chức, một vị chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhận xét, những người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán đều là đại gia bất động sản. Điều này liệu có đồng nghĩa nền kinh tế Việt Nam đang lựa chọn bất động sản làm động lực phát triển, thưa ông? Nếu không như vậy thì phải hiểu thế nào về thực tế này?

GS TS Đặng Đình Đào: - Đại gia và những người giàu có ở Việt Nam trong những năm vừa qua thường đi lên từ kinh doanh bất động sản, họ không chỉ là những người trên sàn chứng khoán mà còn có cả những nhà kinh doanh ở các địa phương, các tỉnh thành với tầm tuổi trên dưới 40 cũng khá nhiều.

Đã có nhiều câu hỏi đặt ra rằng vì sao những người này kinh doanh giỏi đến mức trong một thời gian rất ngắn lại trở thành các nhà tỷ phú với lượng tài sản khổng lồ như thế, thậm chí ở các nước trong khu vực cũng khó tìm thấy điều tương tự?

Một thực tế là họ được hưởng lợi từ các dự án xây dựng, chuyển đổi từ đất nông nghiệp thành khu dân cư bán lại cho người dân với giá cao, trong khi lấy đất của nông dân tính giá rất rẻ. Nhiều người cho rằng, đa số những người giàu đó đều có liên quan mật thiết đến con cháu của quan chức địa phương - họ thường có nhiều cơ hội để tiếp cận các dự án khác nhau.

Rõ ràng những người tham gia vào lĩnh vực kinh doanh này họ đã được hưởng lợi quá lớn trong thời gian dài nên khi thị trường biến động với những rủi ro gần đây, trước hết là họ phải tự hóa giải thay vì yêu cầu  Nhà nước đứng ra cứu là không ổn. Nhà nước chỉ có thể can thiệp ở mức độ nhất định, không thể đổ lên đầu nhà nước khi mà doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.

PV: - Như vậy, sự giàu có của các đại gia bất động sản thực chất phải hiểu thế nào, có thể coi là sự thất thoát nguồn lực của đất nước hay không? Và nhiều chính sách của nhà nước đang tạo lợi thế cho các doanh nghiệp bất động sản hiện nay phải được hiểu thẳng thắn ra sao và vì lý do gì?

GS TS Đặng Đình Đào: - Số những người giàu lên từ bất động sản do thu hồi đất  nông nghiệp với giá rẻ, bán và cho thuê với giá đắt nhưng nhà nước thu về không được bao nhiêu thì rõ ràng sự thất thoát tài sản nhà nước là có.

 

GS TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội

Khi mà thị trường bất động sản khó khăn nhà nước lại có các chính sách hỗ trợ thị trường điều này vô hình dung nhà nước đang tạo lợi thế cho các doanh nghiệp bất động sản hiện nay và như thế là không công bằng đối với các loại hình kinh doanh khác.

Cũng có những lo ngại về khả năng có sự lobby, vận động hành lang để tiếp tục nhận ưu đãi chính sách và điều này là rất nguy hiểm, nó làm méo mó nền kinh tế thị trường, hình thành lợi ích nhóm, làm nền kinh tế vận hành không theo đúng quy tắc của thị trường.

PV: - Thời gian gần đây, do kinh doanh thua lỗ, thị trường khó phục hồi, nhiều đại gia bất động sản đã chuyển hướng đầu tư sang nông nghiệp, vận tải… Đây có được coi là dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế hay tiềm ẩn nguy cơ chuyển lãi vào kinh doanh ngành mới, dồn thua lỗ bất động sản cho người mua nhà của các đại gia bất động sản? Liệu có cách nào để kiểm soát được việc này hay không, nếu không được thì hậu quả của việc nguồn lực chạy tứ tung như vậy sẽ do ai gánh chịu, thưa ông?

GS TS Đặng Đình Đào: - Nếu như các nhà kinh doanh bất động sản đầu tư sang các lĩnh vực nông nghiệp, vận tải, tàu biển… là tín hiệu tốt vì thực tế thế mạnh của Việt Nam hiện nay là hệ thống giao thông vận tải với đủ các loại phương tiện vận tải như đường thủy, đường sắt, đường bộ… nhưng chúng ta chưa tận dụng hiệu quả mà chỉ tập trung vào đường bộ, ngành nông nghiệp cũng là thế mạnh của Việt Nam song phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của nó. Vấn đề đặt ra là tăng cường quản lý nhà nước đối với các dự án này như thế nào?

Từ nguồn vốn mà các doanh nghiệp muốn đầu tư sinh lời, nếu chúng ta hạn chế hay tạo rào cản là không nên vì trong cơ chế thị trường những gì mà pháp luật không cấm thì doanh nghiệp được quyền kinh doanh, vấn đề là phải xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển của từng lĩnh vực - công việc thuộc về quản lý của nhà nước, bài toán hiệu quả và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước là của doanh nghiệp.

Trường hợp, nếu sự đầu tư của các đại gia bất động sản chuyển hướng sang nông nghiệp để rồi tranh mua, tranh bán và  thu gom hàng hóa, làm cạn kiệt ,hủy hoại tài nguyên , cản trở sự phát triển sản xuất hàng hóa, lũng đoạn thị trường thì sẽ rất nguy hiểm cho sự phát triển bền vững và cần phải được ngăn chặn.

Việt Nam sẽ nhận trái đắng?

PV: - Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh trong lĩnh vực BĐS, gấp 7 lần so với 2012. Giữa lúc BDS đang thua lỗ nặng, các đại gia phải chuyển vốn sang cả nông sản để cố sống sót, hiện tượng dòng vốn FDI Trung Quốc lại tăng vốn vào đúng lĩnh vực này có được coi là họ thâu tóm dần và lũng đoạn thị trường BĐS không, thưa ông? Đây có là mối họa lâu dài cho kinh tế VN không?

 

GS TS Đặng Đình Đào: - Ở đây cũng cần có sự phân định dòng vốn của Trung Quốc đổ vào Việt Nam để có cách ứng xử phù hợp vì làm ăn với Trung Quốc, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước khác, phải hết sức lưu ý, phải thận trọng, cân nhắc kỹ mỗi  khi Trung Quốc ồ ạt vào đầu tư ,mua bán.
 
Thực tế từ nhiều năm nay, khi Trung Quốc ồ ạt kinh doanh nhiều lĩnh vực khác nhau, Việt Nam đã nhận trái đắng. Riêng với việc dòng tiền của Trung Quốc chảy vào lĩnh vực bất động sản thì chúng ta lại càng phải tỉnh táo hơn bao giờ hết.

Tôi muốn nhấn mạnh, kinh doanh với Trung Quốc phải cực kỳ thận trọng, tỉnh táo  ở mọi lĩnh vực tuy thị trường Trung Quốc là một thị trường rộng lớn với trên 1,3 tỷ dân, nhu cầu thị trường lớn, không quá khó tính như EU, Mỹ và hơn nữa Việt Nam lại nằm kề ngay Trung Quốc, nhưng những bài học về nông sản như vụ việc xuất khẩu dưa hấu vừa qua tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), giá dưa hấu chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg, xếp thành hàng dài trước cửa khẩu nhưng phía Trung Quốc  lại thu mua cầm chừng, là bài học mới xảy ra nhưng thực tế năm nào cũng xảy ra.

Còn kinh doanh bất động sản, hậu quả trước mắt là các nhà kinh doanh bất động sản Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà, người dân thay vì mua nhà của người Việt Nam nay lại phải mua nhà của người Trung Quốc, thậm chí có cả người Trung Quốc ở trong chính tòa nhà của người Việt Nam. Đây là điều các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần phải tính.

PV: - Xét trên một khía cạnh khác, khi những đại gia bất động sản dồn lực vào kinh doanh những ngành nghề đó cũng tạo nên một sức ép không nhỏ cho các doanh nghiệp thuộc ngành này. Đây có được coi là sự cạnh tranh công bằng không, khi mà chúng ta đã phân tích rõ việc lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản đó đến từ đâu?

GS TS Đặng Đình Đào: - Rõ ràng khi các đại gia đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh khác của nền kinh tế là rất cần thiết. Với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp nhỏ thuộc ngành này phải tự vươn lên trong cạnh tranh. Sự liên kết, hợp tác và học hỏi kinh nghiệm rất cần thiết. Qua nhiều năm nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, quy luật giá tri giờ thực sự đang phát huy tác dụng trong diều tiết dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp.

PV: - Theo ông, để xảy ra tình trạng nói trên, nguyên nhân là do đâu, ai phải chịu trách nhiệm về việc quản lý khiến mọi nguồn lợi về tay doanh nghiệp bất động sản, người dân gánh chịu như trên?

GS TS Đặng Đình Đào: - Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan. Do nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển, nhiều lỗ hỏng trong quản lý nhà nước và cả hạn chế của hệ thống pháp luật cộng với tư tưởng làm ăn theo kiểu “chup giựt” đã làm nãy sinh tình trạng trên.

Điều này đòi hỏi có các giải pháp đồng bộ từ phía nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân, đặc biệt là phải nâng cao hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước hiện nay, đổi mới cơ chế Bộ chủ quản - các doanh nghiệp hoạt động phải theo đúng quy tắc thị trường và chịu sự điều tiết của pháp luật.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo