Doanh nhân

Trung Quốc khổ vì thế hệ "giàu có thứ hai"

Hồi tháng 5 năm nay, báo chí quốc tế lan truyền bức ảnh một chú chó đeo 2 chiếc đồng hồ iWatch hiệu Apple (ảnh trên). Đó là con chó cưng của một thanh niên giàu có ở Trung Quốc.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ “kinh điển” để diễn tả một tầng lớp quý tộc ở thế hệ giàu có thứ hai tại Trung Quốc. Họ được mô tả là nhóm người đáng ghét nhất đất nước gần 1,3 tỷ dân này, cũng là nhóm người đáng thương nhất và là một trong những mối lo lớn nhất cho kinh tế Trung Quốc, theo một phóng sự của Bloomberg ngày 1/10.

Chú chó đeo apple watch

Chú chó đeo Apple watch

Đẳng cấp “Phú nhị đại

Cưỡi những con siêu xe, đến những nhà hàng siêu sang, ăn chơi không lo nghĩ… Tại Trung Quốc có một nhóm, một câu lạc bộ hay đại loại như vậy đang tồn tại. Với tuổi đời trung bình là 27, họ được gọi là “Fuerdai” hay chính xác là “Fu er dai”, tức “Phú nhị đại” – tầng lớp giàu có thứ hai của Trung Quốc.

Đây không phải là những tỷ phú, triệu phú trẻ tuổi đi lên bằng thực lực. Hầu hết họ là những công tử, tiểu thư xuất thân từ tầng lớp doanh nhân giàu có hoặc những nhân vật trong Chính phủ Trung Quốc, như cách gọi “con ông cháu cha” tại Việt Nam.

Với cách ăn chơi ngông cuồng, Fuerdai nhanh chóng trở thành hiện tượng lan truyền trên báo chí, mạng xã hội. Tương tự việc chi hàng chục ngàn đô mua hai chiếc iWatch cho cún cưng, những vụ việc như cô gái đốt cả cọc tiền toàn đồng 100 nhân dân tệ (100 tệ tương đương 350.000 đồng), một ván bài trị giá 5 triệu tệ, hay những buổi tiệc sex… là những câu chuyện không hề hoang đường trong giới Fuerdai.

Thế hệ giàu có

Theo telegraph, Wang Sicong - chủ nhân của chú chó đeo 2 chiếc iWatch - là con trai duy nhất của một đại gia bất động sản

Không có ranh giới hay tiêu chí rõ ràng để xác nhận việc làm thế nào để trở thành một thành viên của hội Fuerdai. Nhưng để đo đếm “đẳng cấp Fuerdai”, Bloomberg dẫn trường hợp của cô Sophia Cheng, người được “chấp nhận” trong hội Fuerdai, được hưởng tài sản hơn 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 15,7 triệu USD) từ cha mẹ.

Đáng thương, đáng lo

Vậy, làm thế nào để những cậu ấm, cô chiêu này kết nối với nhau? Nhờ một tổ chức phi lợi nhuận có tên Hiệp hội tiếp sức cho giới ưu tú Trung Quốc (Relay China Elite Association), thành lập năm 2008.

Bloomberg phỏng vấn Martin Hang, một thành viên tích cực của Relay, đồng thời là biên tập viên một tạp chí tài chính tên Fortune Generation. Theo Martin Hang, mục tiêu của Relay khi kết nối những thành viên Fuerdai với nhau là giúp họ vượt qua những khó khăn về cuộc sống giàu có, trụy lạc.

Theo đó, Fortune Generation hướng tới việc thúc đẩy hình ảnh tích cực hơn về Fuerdai so với sự hư hỏng, suy đồi thường thấy trên các phương tiện truyền thông. Thành viên Fuerdai trong hội Relay sẽ bỏ chữ “Fu”, tức chỉ còn là “Nhị đại”, chỉ một nỗ lực tự thân vận động, khuyến khích tất cả kế nghiệp cha mẹ và gầy dựng sự giàu có cho bản thân và đất nước.

Một vấn đề lớn của Fuerdai, cũng là nguyên nhân đẩy họ vào con đường trụy lạc, nằm ở những dư chấn từ gia đình, xã hội. Một số Fuerdai nói rằng họ đã bị cha mẹ vì lo làm ăn mà bỏ rơi họ trong đống tiền và mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày nhàm chán, không động lực, không có người chia sẻ, chỉ còn mỗi tiền để tiêu xài.

Tiệc sinh nhật

Theo Bloomberg, thuê người mẫu đến dự tiệc sinh nhật là mốt của các Fuerdai

Trong xã hội Trung Quốc, đa phần thế hệ giàu có thứ nhất (tức phụ huynh của Fuerdai) đi lên song song với 30 năm phát triển liên tục của kinh tế Trung Quốc. Họ không những giàu, mà còn là trụ cột, xương sống cho toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc, và dĩ nhiên cái bóng của họ quá lớn cho những công tử, tiểu thư. Điều này dẫn tới việc thế hệ giàu có thứ hai này không chịu làm ăn. Một nghiên cứu do trường Đại học Giao thông Thượng Hải đưa ra năm 2012 cho thấy, có tới 82% các Fuerdai không muốn kế tục sự nghiệp của cha mẹ.

Cứu lấy Fuerdai, cứu lấy Trung Quốc, đó không chỉ là câu chuyện xã hội. Hồi tháng 5/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc tới Fuerdai, nói rằng họ cần phải “suy ngẫm về nguồn gốc của sự giàu có họ đang sở hữu và cư xử như thế nào sau khi đã trở nên giàu có”. Ý của ông Tập Cận Bình cũng nằm trong kế hoạch kêu gọi doanh nhân Trung Quốc tái đầu tư vào quê hương.

Làn sóng người giàu Trung Quốc đổ tiền ra nước ngoài cũng mang ảnh hưởng không nhỏ từ các Fuerdai, như Martin Hang nói, các Fuerdai không muốn người khác biết đến với tên gọi “con trai ông này”, “con gái bà kia”. Họ, nếu có chí hướng về cơ nghiệp, cũng đa phần muốn tự kinh doanh và kinh doanh ở nước ngoài. Thống kê của Boston Consulting Group cho thấy số tiền Trung Quốc đầu tư ở nước ngoài đã đạt mốc 450 tỷ USD trong năm 2013.

Người Trung Quốc không ưa Fuerdai, không cần thiết phải thấu hiểu suy nghĩ của thế hệ giàu có này, nhưng đối với chính phủ đó rõ ràng là vấn đề lớn. Một khi Fuerdai không màng đến “nguồn gốc của sự giàu có”, đó chính là mầm mống cho một thời kỳ suy thoái kinh tế mà Trung Quốc không muốn xảy ra. 

Nhật Đăng(Doanhnhansaigon)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo