Doanh nhân

Trung Quốc muốn mua cả thế giới: bà Merkel đang lo sợ?

“Chẳng ai muốn thấy một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc”, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói.

Công ty công nghệ Kuka là một niềm tự hào của người Đức khi hãng có những kỹ thuật tiên tiến về tự đóng hóa và robot trong ngành công nghiệp nặng, đặc biệt là lĩnh vực quân sự.

Đây cũng là công ty chịu trách nhiệm sản xuất thân máy bay tàng hình F-35 cho quân đội Mỹ.

Chính vì vậy, khả năng công ty Kuka bị tập đoàn Midea của Trung Quốc mua lại đang khiến nhiều chính trị gia lo lắng, trong đó bao gồm cả Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Công ty Kuka là hãng công nghệ mới nhất trong số hàng loạt doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất tiên tiến được công ty Trung Quốc thu mua tại Đức và điều này đang làm Thủ tướng Merkel lẫn chính phủ của bà ngày càng lo lắng về tình trạng đánh cắp kỹ thuật.

Nhà lãnh đạo Đức hiện đang cho thấy bà đang ngày càng mất kiên nhẫn với Trung Quốc khi nước này công khai mua những công ty công nghệ cao hoặc thuê các chuyên gia của nước này nhằm phục vụ cho những tập đoàn quốc doanh trong nước. Trong khi đó, thị trường công nghệ cao tại Trung Quốc lại bị chính quyền Bắc Kinh kiểm soát chặt thông qua những quy định thiên vị cho doanh nghiệp nội.

Chính vì lý do đó, những công ty công nghệ Trung Quốc đang thu lãi lớn và có sức cạnh tranh ngày càng mạnh trên thế giới, đặc biệt là với các công ty Đức, bao gồm cả những doanh nghiệp mà Trung Quốc đã mua.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 6 vừa qua, bà Merkel đã kêu gọi chính phủ Trung Quốc cung cấp những đặc quyền công bằng trên thị trường cho các công ty nước ngoài tương tự như doanh nghiệp nội địa.

“Chẳng ai muốn thấy một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc”, bà Merkel nói.

Thủ tướng Đức Merkel và Thủ tướng Lý Khắc Cường

Thủ tướng Merkel và Thủ tướng Lý Khắc Cường

Cạnh tranh không công bằng

Hiện Trung Quốc đang đầu tư hàng nghìn tỷ USD để hiện đại hóa ngành sản xuất quốc doanh với mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế sang tập trung vào dịch vụ và một ngành sản xuất tự động hóa tiên tiến.

Những công ty công nghệ cỡ nhỏ và vừa tại Đức, vốn là xương sống của nền kinh tế, đang trở thành miếng mồi ngon của chính quyền Bắc Kinh.

Ở phía ngược lại, các công ty Đức cũng hứng thú với thị trường Trung Quốc và sẵn sàng chia sẻ công nghệ, nhưng phía Bắc Kinh không có nhiều phản ứng đáp lại.

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tấc và Phát triển Kinh tế (OECD), nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đứng gần cuối bảng xếp hạng những thị trường cởi mở với đầu tư nước ngoài. Thậm chí Trung Quốc còn đứng sau nhiều nước mới nổi như Ấn Độ.

Mới đây Ấn Độ đã tuyên bố mở cửa và cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua 100% cổ phần trong các ngành quốc phòng và hàng không. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thậm chí đã tự tin nói rằng quốc gia của ông là thị trường mở cửa nhiều nhất trên thế giới hiện nay.

Trong khi đó, Trung Quốc hiện đang có nhiều chính sách cản trở những công ty công nghệ quốc tế, hạn chế ngành truyền thông điện tử và thương mại điện tử, ban hành những giới hạn nghiêm ngặt về dịch vụ tài chính cũng như viễn thông. Đây đều là những ngành mà nhiều công ty nước ngoài đang hoạt động cũng như tăng trưởng nhanh chóng nhờ chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang tập trung vào dịch vụ ở Trung Quốc.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi đầu tư vào Trung Quốc giảm mạnh còn đầu tư từ nước này ra nước khác lại tăng nhanh.

Báo cáo mới đây của Phòng Thương mại Châu Âu (ECC) tại Trung Quốc nhận định quốc gia này có môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh không công bằng và những doanh nghiệp nội địa luôn là phía được ưu tiên hơn cả.

Trung Quốc muốn mua cả thế giới

Ngậm đắng nuốt cay

Hiện Thủ tướng Merkel đang phải đối mặt với vấn đề tương tự như những nhà lãnh đạo Mỹ khi bà có quá ít công cụ cũng như quyền hạn thích hợp để đối phó với xu thế đầu tư ngày càng mạnh từ Trung Quốc.

Đầu tư nước ngoài thường là yếu tố kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cũng như cải thiện năng suất. Rõ ràng, cử tri Châu Âu sẽ vui vẻ đón nhận những dòng vốn từ quốc gia Châu Á này trong khi các doanh nghiệp lại chẳng mấy vui vẻ gì.

Ví dụ như tập đoàn điện thoại Huawei đã đầu tư xây dựng nhiều trung tâm nghiên cứu và phát triển trên khắp Châu Âu, qua đó tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người dân.

Hơn nữa, việc Trung Quốc mua lại nhiều công ty nước ngoài khiến những doanh nghiệp này có cơ hội tiếp cận thị trường đông dân nhất thế giới hơn trước. Đây là một trong những lý do chính khiến công ty Shuanghui mua lại được tập đoàn sản xuất thịt Smithfield có doanh só 4,7 tỷ USD của Mỹ khi Trung Quốc có một loạt các rào cản thuế quan cũng như quy định về mặt hàng thịt.

Đây có thể cũng là lý do hãng Kuka cảm thấy hấp dẫn với lời đề nghị 5 tỷ USD của tập đoàn Midea bất chấp những nỗ lực của chính quyền Berlin hay những lời đề nghị từ các công ty khác tại Châu Âu.

Rõ ràng, những thương vụ mua lại của Trung Quốc tập trung vào những ngành chiến lược là thực phẩm và công nghệ. Dù chính quyền Bắc Kinh chưa bao giờ thừa nhận nhưng Đức và các nước Phương Tây đang ngày càng khẳng định những thương vụ như trên không đem lại lợi ích cho quốc gia của họ.

Hiện phong trào bảo hộ chống Trung Quốc đang ngày càng lan rộng tại Phương Tây và điển hình là những cuộc biểu tình của công nhân ngành thép phản đối thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, tuyên bố mới đây của bà Merkel có lẽ là lời nhắc nhở công khai đối với Trung Quốc về rủi ro chiến tranh thương mại nếu chính quyền Bắc Kinh còn tiếp tục chính sách bảo hộ như trên.

Cafebiz/Trí Thức Trẻ

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo