Trung Quốc ra sức lấy lòng “siêu bộ trưởng” Myanmar
“Xoay chuyển tình hình”
Theo tờ Wall Street Journal, do bị coi là một biểu tượng của mối quan hệ giữa Trung Quốc với chính quyền quân sự khắc nghiệt của Myanmar trước kia, dự án khai thác mỏ đồng mà ông Dong quản lý bị người dân Myanmar ghét bỏ. Vào năm 2012, dự án này bị tạm ngừng do các cuộc biểu tình của người dân địa phương.
Nhưng giờ đây, mỏ đồng nói trên đang cho ra những lô sản phẩm đầu tiên, sau khi công ty Wanbao Mining của ông Dong chấp nhận những điều kiện mà một ủy ban do bà Suu Kyi dẫn đầu đưa ra để tái khởi động dự án. Một trong những điều kiện đó là phải hợp tác chặt chẽ với cộng đồng dân cư địa phương.
“Chúng tôi đã xoay chuyển tình hình”, ông Dong nói. “Những nỗ lực thuyết phục của chúng tôi đã mang lại kết quả”.
Việc bà Suu Kyi, người từng nhận giải Nobel hòa bình, thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái ở Myanmar đã đem đến cho Trung Quốc những tia hy vọng về một sự khởi đầu mới ở quốc gia Đông Nam Á này.
Trong nỗ lực giảm quan hệ với Trung Quốc dưới thời Thein Sein, Myanmar đã dừng việc xây dựng một đập thủy điện trị giá 3,6 tỷ USD ở Myitsone. Đây là đập thủy điện với mục đích ban đầu là cung cấp điện cho khu vực phía Tây Nam còn kém phát triển của Trung Quốc. Các nhà hoạt động môi trường Myanmar và người dân địa phương đã phản đối dự án, lo ngại rằng một dự án như vậy sẽ làm gián đoạn dòng chảy chính của nước này - sông Irrawaddy, và tác động xấu đến đời sống người nông dân.
Điều đặc biệt bất lợi đối với Trung Quốc là việc Myanmar nhanh chóng ngả về phía Mỹ, quốc gia ủng hộ tiến trình cải cách chính trị của Myanmar với đỉnh điểm là cuộc bầu cử tự do đầu tiên ở nước này trong một nửa thế kỷ. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thăm Myanmar hai lần và xem cuộc bầu cử này là một trung tâm trong thành tựu chính sách đối ngoại của ông.
Còn hiện tại, Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực lôi kéo sự ủng hộ của bà Suu Kyi đối với một loạt dự án của Trung Quốc ở Myanmar, bao gồm đập thủy điện ở Myitsone.
Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp bà Suu Kyi ở Bắc Kinh, khi bà vẫn còn là một nhân vật đối lập ở Myanmar. Tháng 4 vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thăm Myanmar, trở thành quan chức chính phủ nước ngoài cấp cao nhất đặt chân tới nước này sau khi Myanmar có Chính phủ mới.
Đứng bên bà Suu Kyi trong một cuộc họp báo chung, ông Vương Nghị cam kết hỗ trợ Myanmar, đặc biệt là trong các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Vốn đầu tư cam kết của Trung Quốc vào Myanmar đã tăng lên mức 3,3 tỷ USD trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 4/2016, từ mức chỉ 56 triệu USD trong năm 2014.
Tháng trước, Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar cho biết nước này sẽ là nhà thầu đảm nhận việc cải tạo nhà hát quốc gia và một sân vận động ở Yangon, cố đô và là thành phố lớn nhất của Myanmar.
Theo bà Yun Sun, một thành viên cấp cao của trung tâm nghiên cứu Stimson ở Washington, Mỹ, Trung Quốc đang cố gắng làm thân với bà Suu Kyi và Chính phủ mới của Myanmar, với hy vọng quyền lực của bà “có thể giúp giảm tâm lý bài Trung Quốc của người dân Myanmar và thúc đẩy quan niệm rằng tăng cường quan hệ với Trung Quốc là một việc tốt”.
Theo bà Yun Sun, Bắc Kinh xem thời điểm hiện nay là cơ hội tốt để thực hiện mục tiêu trên bởi Mỹ vẫn còn duy trì một số lệnh trừng phạt đối với Myanmar. Bà Yun Sun nói, với lệnh trừng phạt của Mỹ còn đó, Trung Quốc muốn “nói với người dân Myanmar rằng họ nên xem ai mới là người bạn thực sự”.
Và nước này đang có một số lý do để lạc quan.
“Một bình minh mới”?
Công ty khai mỏ Wanbao đánh giá cao sự hỗ trợ của bà Suu Kyi đến nỗi đã thuê một công ty truyền thông sản xuất một bộ phim tài liệu dài 20 phút với tựa đề “Một bình minh mới”.
Các doanh nghiệp Trung Quốc khác làm ăn ở Myanmar, bao gồm Citic Group - công ty đang xây một cảng nước sâu và một khu kinh tế ở phía Tây Myanmar, đã học theo cách làm của Wanbao: đưa ra những đề xuất hấp dẫn hơn cho người dân địa phương.
Mặc dù vậy, các cuộc biểu tình của người dân Myanmar nhằm vào mỏ đồng của Wanbao vẫn tiếp diễn, thậm chí là nóng hơn trong mấy tuần gần đây khi việc khai thác đồng bắt đầu.
“Chúng tôi muốn được bồi thường cho mùa màng của mình”, ông Ah Mar Cho, một trong hàng trăm người biểu tình tham gia phản đối Wanbao mới đây, cho biết. “Chúng tôi từ chối khoản bồi thường không thỏa đáng mà họ đưa ra”.
Ngoài ra, người dân địa phương vẫn phản đối dự án tiềm năng lớn nhất của Trung Quốc ở Myanmar: thủy điện Myitsone. Bà Suu Kyi sẽ phải sớm ra quyết định đối với dự án này.
Khi một đoàn đại biểu Trung Quốc tới thăm thủ phủ bang Kachin của Myanmar trong tháng 6 này nhằm vận động cho việc tái khởi động dự án Myitsone, hàng chục người biểu tình đã tập trung bên ngoài khách sạn. Những biểu ngữ mà họ giương cao viết: “Không xây đập ở Irrawaddy” và “Hãy tôn trọng người dân địa phương”.
Ông Tsa Ji, nhà tổ chức biểu tình thuộc một tổ chức phi chính phủ (NGO) địa phương, cho biết họ muốn dừng dự án thủy điện trên vì lý do môi trường và để tránh việc một số lượng lớn nông dân bị mất nhà cửa.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận một dự án như vậy ở địa phương mình”, ông Tsa Ji nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo