Doanh nhân

Trung Quốc tố thêm bánh kẹo, truy ngược Bộ Công thương VN

Trung Quốc thông báo trái cây của VN có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép, số loại bánh kẹo không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Hoa quả, bánh kẹo dính án

Thông tin trên TBKTSG, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện Cục đã nhận được Công thư của Tổng cục Giám sát chất lượng, Thanh tra và Kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) thông báo một số sản phẩm thực phẩm của Việt Nam xuất sang Trung Quốc từ năm 2013 đến tháng 4/2014 không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Những sản phẩm đó là bánh mì hương dừa, bột sắn, bánh quy, bánh kem, bánh trứng, kem xốp, mứt sen ...  Đây là những sản phẩm thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương.

Trong công văn gửi Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương, ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Nafiqad đề nghị Bộ Công Thương cần điều tra và có thông báo cho phía Trung Quốc về kết quả điều tra nguyên nhân, biện pháp khắc phục và tránh phía Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt những mặt hàng thực phẩm của Việt Nam xuất sang Trung Quốc.

Mới đây, Tổng cục giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) cũng đưa ra cảnh báo chuối, thanh long của Việt Nam có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức quy định.

Thanh Long, chuối của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị cảnh báo chứa chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép

Ông Trần Ngọc Hiệp - Phó chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết, hiệp hội đang kiểm tra lại thông tin để đánh giá lại tình hình trước khi có những thông báo tiếp theo dối với người trồng thanh long.

Bình Thuận có khoảng 20.000 héc ta trồng thanh long, trong đó có gần 6.000 héc ta đạt VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt).

Những cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh hơn một tháng trước đó, Việt Nam công bố 8 loại rau quả nhập từ Trung Quốc chứa hóa chất vượt ngưỡng cho phép.

Đặc biệt, sau thông tin đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, Trung Quốc có thể tạm đóng một số cửa khẩu với Việt Nam. PGS TS - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại từng cảnh báo đến khả năng Trung Quốc có thể "chơi" Việt Nam.

"Có thể có khả năng họ “chơi” Việt Nam ở những thời điểm có những sản vật thời vụ. Họ sẽ gây trở ngại cho Việt Nam, điều xưa nay đã có rồi, có thể thời gian tới sẽ cực đoan hơn", PGS TS Nguyễn Văn Nam nói.

Đồng quan điểm, Ths Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới cũng cho biết, Trung Quốc sẽ dở bài sách quy định điều nọ, hạn chế điều kia, đóng cửa tạm ở thời điểm thu hoạch các loại hoa quả vào thời vụ sẽ ra chính sách vì phải kiểm tra nên chỉ cần 10-15 ngày các mặt hàng rau củ quả, nông sản phải vất đi. "Vì vậy, Việt Nam phải thận trọng", Ths Bùi Ngọc Sơn cảnh báo.

Bẫy đã được giăng sẵn

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, đây không phải là lần đầu Trung Quốc gây khó khăn cho Việt Nam. Cách làm của Trung Quốc không xuất phát từ một quan điểm, chính sách tốt đẹp là vì an toàn thực phẩm hay vì sức khỏe người tiêu dùng.

Bằng chứng là hầu hết các mặt hàng của TQ khi xuất sang VN cũng như các nước khác trên thế giới luôn bị kêu ca về chất lượng, chứa nhiều nhân tố độc hại nhưng TQ không hề có công cụ để ngăn chặn.

Nông sản, bánh kẹo là những mặt hàng Trung Quốc đang đưa ra hàng loạt cảnh báo về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm

Việc TQ bất ngờ tăng kiểm soát chất lượng chứng tỏ, TQ chỉ coi đó là một công cụ thương mại để gây khó khăn cho đối tác khi đã bị phụ thuộc vào thị trường của họ chứ không phải vì người tiêu dùng.

Với Việt Nam bài học nhãn tiền đã có khi xảy ra với quả vải Lục Ngạn (Bắc Giang) từ nhiều năm trước. Với chiêu bài đẩy giá, thu mua ồ ạt, khi thấy vải Lục Ngạn xuất tới 90% sang thị trường TQ, TQ đã quay lại yêu cầu thương lái người Việt phải xuất giấy chứng nhận hàng hóa. Tuy nhiên, không phải là giấy chứng nhận thông thường mà là giấy chứng nhận thu mua tận vườn.

Tức là khi muốn bán được vải cho TQ các thương lái VN phải chứng nhận được đó là vải của vườn nào, sau đó TQ cho người sang thu mua tận vườn ở VN.

Hay việc thương lái TQ "chơi xấu" xúi bẩy trộn các thứ bẩn vào chè để làm mất uy tín của chè VN. Nói vậy để thấy, thực chất đây chỉ là cách gây khó dễ cho hàng hóa của Việt Nam chứ không phải kiểm soát vì chất lượng hàng hóa.

"Tôi không nhận thấy động thái của TQ vì người tiêu dùng. Mà đó phải coi là cái bẫy, cái bẫy mua rẻ, mua dễ đã được giăng ra... khi bị phụ thuộc TQ quay lại ép chết nông dân".

Bà Phạm Chi Lan cho biết, người sản xuất VN phải thay đổi thói quen làm ẩu, tắc trách, phải có hàng rào kỹ thuật để nâng cao chất lượng, mới mong mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác.

"Trên thực tế, do người VN làm ăn quá lâu với thương lái TQ nên đã được nuôi dưỡng thành một thói quen rất xấu là làm ăn không bài bản, tắc trách, dễ dãi trong sản xuất dù người bán nó biết sẽ gây rất nhiều nguy hại cho nền kinh tế.

Chính cái tư duy luôn hướng tới sản xuất hàng rẻ, hàng chất lượng thấp là một cái bẫy đã được TQ giăng sẵn nhưng người Việt không ý thức được. Đó là điều cay đắng, lỗi cũng do chính người VN quá biết hài lòng, không chịu thay đổi, sợ khó, không muốn vươn lên", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo