Trung Quốc trước nguy cơ bị cô lập trên Biển Đông
|
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam. Ảnh: Bộ Ngoại giao |
Trung Quốc là cường quốc đang trỗi dậy, với tham vọng trở thành bá chủ mới trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và Biển Đông được cho là chìa khóa của chiến lược này. Đây là lý do quan trọng khiến Bắc Kinh đưa ra yêu sách chủ quyền với gần như toàn bộ vùng biển, đồng thời không ngừng có các hành vi nhằm thay đổi hiện trạng tại đây.
Đây cũng là lý do mà Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) muốn nhanh chóng ký kết với Trung Quốc bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhằm tránh xảy ra các hoạt động làm xáo trộn đời sống kinh tế khu vực, chẳng hạn sự kiện mới nhất là việc Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong thềm lục địa của Việt Nam.
Hành động của Trung Quốc gây chấn động Hội nghị cấp cao ASEAN tại Myanmar, khiến khối này lần đầu tiên trong 19 năm ra thông cáo riêng về Biển Đông, hối thúc Trung Quốc tăng tốc tiến trình đàm phán COC. Mỹ, đối trọng quan trọng hàng đầu khu vực, cũng lên tiếng ủng hộ điều này.
"Bắc Kinh dường như không mặn mà với việc thúc đẩy đàm phán COC, bởi không muốn bị ràng buộc vào một thỏa thuận có tính pháp lý", bình luận viên Andrew Browne của tờ Wall Street Journal nhận định.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng công khai tuyên bố rằng bất kỳ một sự vội vã nào đều không thực tế và thiếu thái độ nghiêm túc, cẩn trọng. Trong khi đó, Bắc Kinh không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân, nhằm tạo ưu thế và gây sức ép trên bàn đàm phán.
Trên thực tế, Trung Quốc đang phải đối diện với nguy cơ bị cô lập trên vấn đề Biển Đông, bởi những hành động gây hấn trong thời gian qua, đặc biệt khi nước này luôn tuyên bố rằng giải quyết bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế và hòa bình là một trong những nguyên tắc ngoại giao quan trọng hàng đầu.
"Nếu không giải quyết sớm, thì bất kể lời giải thích nào mà chính phủ Trung Quốc đưa ra cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Uy tín và lòng tin với chính phủ Trung Quốc sẽ bị suy giảm mạnh mẽ, làm tồi tệ hơn nữa tình hình bất ổn tại Biển Đông", tờ South China Morning Post dẫn lời Phó giáo sư Vi Dân, chuyên gia Đông Nam Á thuộc đại học Bắc Kinh, bình luận.
|
Người dân Hà Nội hôm 11/5 biểu tình yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan 981 khỏi thềm lục địa của Việt Nam. Ảnh: EPA |
Đầu năm 2013, Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế, nhưng Trung Quốc phớt lờ, không tham dự. Mong muốn của Manila là ngay cả khi từ chối tham gia vụ kiện, uy tín quốc tế của Bắc Kinh cũng sẽ chịu tổn hại lớn, đặc biệt khi phán quyết của tòa có lợi cho Philippines.
Và nếu như các nước châu Á khác có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc học theo cách làm của Philippines, địa vị quốc tế mà Trung Quốc nỗ lực xây dựng trong những năm qua sẽ bị tổn hại hơn nữa.
Giới phân tích cho rằng Việt Nam có thể sẽ cân nhắc vận dụng sách lược trên sau vụ giàn khoan 981. "Yêu cầu phán quyết quốc tế căn cứ theo Công ước quốc tế về Luật biển sẽ giúp Việt Nam giảm thiểu áp lực quân sự ngày càng lớn từ Trung Quốc, cũng như mở ra cho Việt Nam nhiều sự lựa chọn chính sách hơn nữa", ông Peter Dutton, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho biết.
Trong cuộc họp báo quốc tế hôm 7/5, khi được hỏi liệu Việt Nam có dự định kiện Trung Quốc lên tòa án trọng tài quốc tế hay không, ông Trần Duy Hải, phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia cũng cho hay: "Việt Nam kiên định sử dụng mọi biện pháp hòa bình, không loại trừ biện pháp nào".
Nhiều nhà nghiên cứu nhận định rằng một số nước Đông Nam Á đang tăng cường hợp tác với Nhật Bản, quốc gia cũng tồn tại tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, từ đó hành thành nên một tập đoàn mang tính khu vực nhằm kiềm chế Bắc Kinh.
Tuy nhiên, chuyên gia toàn cầu hóa Thomas Friedman cho rằng mô hình liên minh trên khó có thể hình thành, bởi mức độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc của các nước châu Á đã vượt xa Nhật Bản. Vì vậy, vai trò tập hợp lực lượng của Mỹ trong khu vực sẽ trở nên quan trọng hơn lúc nào hết.
Sự kiện giàn khoan 981 chỉ diễn ra ít ngày sau chuyến công du châu Á của Tổng thống Barack Obama, cho thấy Bắc Kinh muốn thách thức chiến lược xoay trục của Washington, cũng như cảnh cáo các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
"Tất cả những hành động trên chỉ khiến thái độ hoan nghênh của các nước Đông Nam Á trước chiến lược xoay trục về châu Á của Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn", chuyên gia David Zweig, chủ nhiệm Trung tâm quan hệ xuyên quốc gia của Trung Quốc, nhận định.
Ông Zweig cũng cho rằng cách hành xử thô bạo của Trung Quốc với Việt Nam trong khi hai nước đã ký kết thỏa thuận hợp tác song phương sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc Bắc Kinh thuyết phục các nước khác trong khu vực từ bỏ cơ chế đa phương trong giải quyết tranh chấp.
"Nếu như Bắc Kinh muốn các quốc gia khác coi trọng tuyên bố trỗi dậy hòa bình của mình, thì họ cần chấm dứt thái độ hiếu chiến. Nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột là quá cao", chuyên gia này kết luận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo