Trung Quốc tự thuê đất trồng, xuất ngược dưa hấu sang Việt Nam
Đây là thông tin được bà Dương Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết tại Hội nghị "Bàn các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ dưa hấu mùa vụ 2015/2016" diễn ra tại Hà Nội vừa qua.
Tại Hội nghị, báo cáo về các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ dưa hấu mùa vụ 2015/2016, bà Thảo cho biết, dưa hấu là loại nông sản ngắn ngày, dễ chuyển đổi diện tích, nên thường được đưa vào trồng tăng vụ xen kẽ với các loại nông sản khác, do đó không xây dựng được quy hoạch vùng trồng, sản lượng dưa hấu thường không ổn định.
Thời vụ trồng và thu hoạch dưa hấu trên cả nước chia làm 3 vụ Đông – Xuân, Xuân – Hè và Thu – Đông. Sản lượng hàng năm khoảng 1,5 triệu tấn chủ yếu tập trung ở Đồng bằng Sông Cửu Long (sản lượng toàn vùng ước đạt khoảng 1,0 - 1,1 triệu tấn mỗi năm, tập trung tại các địa phương Tiền Giang, Trà Vinh, An Giang, Long An, Sóc Trăng) và tại Nam Trung bộ (sản lượng toàn vùng ước đạt khoảng 300 - 350 ngàn tấn mỗi năm tập trung chủ yếu 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên).Tổng sản lượng dự kiến mùa vụ 2015/2016 không biến động nhiều so với mùa vụ 2014/2015, đạt khoảng 1,5 triệu tấn, trong đó sản lượng vụ Đông - Xuân ước khoảng 550 nghìn tấn.
Hiện nay, tiêu thụ dưa hấu tại thị trường trong nước khoảng 80% tổng sản lượng thu hoạch của cả nước, còn lại khoảng 20% dành cho xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu dưa hấu của Việt Nam chủ yếu vẫn là các thị trường lân cận có chung đường biên giới như Trung Quốc, Lào, Campuchia...
Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 85-90% tổng sản lượng dành cho xuất khẩu và chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh , tỉnh Lạng Sơn. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, trong giai đoạn 2012-2014, lượng nhập khẩu dưa hấu của thị trường Trung Quốc dao động khoảng 200 nghìn tấn và tăng nhẹ theo từng năm (các năm 2012, 2013, 2014 lần lượt là 192 nghìn tấn, 199 nghìn tấn và 214 nghìn tấn). Tính đến hết tháng 11 năm 2015, lượng nhập khẩu dưa hấu của Trung Quốc khoảng trên 170 nghìn tấn, giảm 12,6% so với cùng kỳ và dự kiến nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc năm 2016 sẽ không còn biến động lớn.
Bà Thảo cũng cho biết, Việt Nam hiện là đối tác xuất khẩu dưa hấu lớn nhất của Trung Quốc với tỷ trọng chiếm khoảng 93-98% tổng lượng dưa hấu nhập khẩu hàng năm của thị trường này. Tuy nhiên, gần đây nhiều thương nhân Trung Quốc đã có xu hướng sang Lào, Campuchia thuê hàng trăm ha để trồng dưa hấu và xuất khẩu ngược lại để tiêu thụ trong nước, do đó sẽ tác động xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Đại điện Bộ Công thương cũng cho biết, trong nhiều năm qua, khi vào thời điểm cận Tết Nguyên đán và chính vụ thu hoạch dưa hấu vụ Đông-Xuân, Xuân Hè, để tiêu thụ và xuất khẩu, dưa hấu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thường bị ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và cho nông dân, cũng như gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Nguyên nhân khách quan là do nhu cầu tiêu thụ dưa hấu của cư dân biên giới Việt Nam - Trung Quốc thường tăng đột biến mỗi khi vào thời diểm Tết Nguyên đán hoặc vào thời điểm bắt đầu chính vụ thu hoạch. Phía Trung Quốc chỉ làm thủ tục nhận trái cây tươi, trong đó có dưa hấu tại cửa khẩu Tân Thanh, không nhận tại các cửa khẩu khác thuộc tỉnh Lạng Sơn.
Bên cạnh đó, có nguyên nhân chủ quan là do điều kiện cơ sở hạ tầng như đường xá, bến bãi, kho chứa... từ tuyến đường dẫn từ thành phố Lạng Sơn đến khu vực cửa khẩu Tân Thanh cũng như tại khu vực cặp cửa khẩu Tân Thanh-Pò Chài còn nhiều hạn chế, dẫn đến năng lực tiếp nhận và giải phóng hàng hóa chỉ đáp ứng được tối đa khoảng 300 xe/ngày.
Một lý do nữa là do tập quán buôn bán giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch, buôn bán tự phát, không có hợp đồng ký trước, doanh nghiệp Việt Nam thường làm thủ tục đưa sang biên giới rồi mới tìm đối tác để bán hàng, do đó không chủ động được quá trình tiêu thụ, bị ép giá.
Hơn nữa, cách thức phân loại, lựa chọn và đóng gói hàng hóa giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc không thống nhất, dẫn đến việc đưa hàng hóa lên đến cửa khẩu để giao hàng rồi mới lại dỡ hàng hóa xuống để lựa chọn, đóng gói lại cho đúng yêu cầu của phía bạn.
Để trái cây nói chung và dưa hấu của Việt Nam nói riêng có chỗ đứng ổn định, bền vững trên thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước đòi hỏi nỗ lực tổng thể từ các Bộ, ngành hữu quan, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp nhằm thực hiện các giải pháp mang tính chất căn cơ, nội tại như xây dựng mô hình chuyên canh tập trung; ưu tiên hỗ trợ đầu tư các xưởng sơ chế, đóng gói để bảo quản hàng hóa, đồng thời đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngay tại vùng sản xuất nguyên liệu...
End of content
Không có tin nào tiếp theo