Doanh nhân

Trường học “nóng” với thời sự Biển Đông

Đầu tuần qua, nhiều trường học ở TP.HCM đã cùng diễn ra buổi chào cờ đặc biệt với chương trình sinh hoạt dưới cờ là tình hình thời sự ở Biển Đông; giờ học môn lịch sử và địa lý cũng được các thầy cô bổ sung thêm phần kiến thức, thông tin về chủ quyền… Bất chấp kỳ thi quan trọng đang cận kề, tất cả các thầy cô giáo và học sinh vẫn cùng hướng lòng mình ra biển đảo…

 

 

Buổi chào cờ đầu tuần ngày 12/5 của học sinh Trường THCS - THPT Lê Quý Đôn (Biên Hòa - Đồng Nai)

 “Hát quốc ca mà người em run lên” 


Trời còn tờ mờ sáng, gần 1.000 giáo viên (GV) và học sinh (HS) Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn (Biên Hòa - Đồng Nai) đã có mặt đầy đủ ở sân trường để chuẩn bị cho một buổi chào cờ đặc biệt. Đúng 7g, ai nấy vào vị trí, tấm bản đồ hình chữ S cùng hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa được xếp bởi chính các em HS lớp 12 xuất hiện giữa sân trường. Quốc ca vang lên như lời khẳng định hùng hồn chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Em Cao Trần Thành Trung, HS lớp 12 bộc bạch: “Hát quốc ca mà người em run lên vì tự hào”.

Bất chấp lịch ôn tập gấp rút cho kỳ thi tốt nghiệp cận kề, tại TP.HCM, ban giám hiệu nhiều trường THPT vẫn đưa tình hình thời sự của đất nước vào sinh hoạt với HS, GV. Trong buổi chào cờ đầu tuần, hơn 1.000 HS Trường THCS-THPT Hồng Hà (Q.Gò Vấp) đã được nghe thầy cô nói về tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Buổi hôm đó, HS không còn háo hức chờ đến lượt tên mình được xướng lên nhận khen thưởng, mà chăm chú lắng nghe chuyện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên thềm lục địa của Việt Nam, tình hình các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ…

Đồng hồ chỉ 8g30, buổi chào cờ đã lấn sang tiết học đầu hơn nửa tiếng nhưng không ai nhận ra. Không một lời vận động hay kêu gọi, từ GV đến HS đều chủ động đóng góp ủng hộ lực lượng cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió. ThS Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng trường cho biết: “Thật không ngờ, chưa đầy 30 phút, thầy cô và HS đã đóng góp hơn 20 triệu đồng. Có em nhịn ăn sáng, có em đóng góp cả phần tiền thưởng HS giỏi do gia đình cho. Không ai gợi ý mà các em tự ý thức thể hiện tấm lòng với đất nước là điều quý nhất”.

Ở Q.Tân Phú, Trường THPT Nhân Việt nằm trong một con phố nhỏ liên tục vang lên những bài ca về biển đảo. Buổi chào cờ biến thành sinh hoạt chuyên đề Chung sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông. Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng trường chia sẻ: "Ý tưởng tổ chức buổi sinh hoạt này chỉ đến từ một ngày trước, khi tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng. Chúng tôi muốn thông tin cho HS biết về thời sự, dù kỳ thi quan trọng gần kề. Các em là những công dân chuẩn bị vào đời, ngoài chuyện học hành cũng phải được trang bị những vấn đề xã hội, đặc biệt là tình hình đất nước, để giáo dục lòng yêu nước". Ông Hồ Tấn Đạt, Phó bí thư Quận đoàn Tân Phú cho biết, đây là trường THPT đầu tiên trong quận có buổi sinh hoạt chủ đề biển đảo.


Cách đó không xa, buổi chào cờ đầu tuần của Trường THPT Tây Thạnh cũng “nóng” chuyện Biển Đông, HS thể hiện lòng yêu nước và tự hào dân tộc bằng việc khẳng định chắc nịch, khi Tổ quốc cần, các em sẽ xung phong…

 

Buổi sinh hoạt đầu tuần của Trường THPT Nhân Việt (Q.Tân Phú, TP.HCM)

 

Không chỉ những buổi chào cờ

Không chỉ dừng lại ở những buổi sinh hoạt ngoại khóa hay hoạt động phong trào, nhiều GV đã chủ động đưa vấn đề biển đảo vào giờ dạy kiến thức cho HS. Cô Nguyễn Kim Tường Vy, Tổ trưởng sử - địa - GDCD Trường THPT Nguyễn Hiền cho biết: HS rất nhanh nhạy, các em lên mạng tìm kiếm thông tin và nắm tình hình rất nhanh. Trong giờ học, các em chủ động “tranh luận” với bạn bè, thầy cô về thế mạnh quân sự, từ việc phân tích tính năng của tàu hải chiến, tàu hải giám của các bên…

Trong những bài giảng liên quan, GV cũng mở rộng ra thực tế để các em hiểu. Chẳng hạn như trong phần sử Việt Nam của lớp 12, bài 25 liên quan đến chiến tranh biên giới, dù thuộc phần giảm tải ôn tập nhưng các em vẫn muốn nghe giảng. Trong phần quan hệ quốc tế, bài 23 đề cập đến việc giải phóng miền Nam năm 1975, có sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh sau khi giải phóng tới Đà Nẵng thì phải nhanh chóng giải phóng luôn cả bờ biển miền Trung. Theo cô Vy, các em rất háo hức học những bài học lịch sử liên quan đến thực tế, như trong bài về tổ chức ASEAN chủ yếu nói nhiều về quan hệ giữa ASEAN và Đông Dương, không đề cập nhiều đến quan hệ với Trung Quốc, nhưng GV mở rộng ra hiến chương ASEAN ký năm 2007 xác định đến 2015 tình hình an ninh chung của ASEAN 3+ là quan hệ của ASEAN và Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Xác định việc lồng ghép, đưa kiến thức thực tế vào bài học để giúp HS hiểu đúng, hiểu đủ bài học, cô Huỳnh Thủy Thùy Lan, giáo viên môn địa lý Trường THCS-THPT Hồng Hà đã sớm xây dựng chuyên đề về biển đảo đưa vào bài học cho HS, nhất là với HS giỏi các môn xã hội. “Trong chương trình địa lý, các em sẽ học bài số 8 là bài về biển, bài 42 là bài an ninh biển đảo liên quan đến vấn đề kinh tế, môi trường, bảo vệ tình hình chính trị, đều được lồng ghép thực tế cho HS nắm rõ. Ngoài ra, tôi còn xây dựng chuyên đề về biển đảo làm chương trình ngoại khóa, yêu cầu các em phải tìm hiểu thêm thông tin ngoài sách giáo khoa để hiểu biết về vùng biển, biên giới của đất nước. Chúng tôi đa dạng hình thức để các em bày tỏ hiểu biết và thu hút các em tham gia. Các em lên mạng tìm tài liệu rồi trình bày, em nào năng động thì chọn cách thảo luận nhóm, thuyết trình. Em nào trầm hơn thì chọn cách viết bài thu hoạch…”, cô Lan chia sẻ.

Trong giai điệu hùng tráng của ca khúc Nơi đảo xa của nhạc sĩ Thế Song, em Thái Phương Thảo - bí thư chi đoàn Trường THPT Nhân Việt tự tin chia sẻ: “Vấn đề Biển Đông đang rất căng thẳng, nhưng là HS, chúng em sẽ thể hiện lòng yêu nước thiết thực nhất bằng cách học thật tốt. Thời hiện đại, có tấm lòng thôi vẫn chưa đủ, phải có hiểu biết, có năng lực mới giúp ích được cho đất 
nước mình”…

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo