Doanh nhân

Trường nghề “thoi thóp”

Đổi mới phương thức tuyển sinh, trường ĐH tuyến trên tự chủ phương án xét tuyển khiến nhiều trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) tuyến dưới lo cạn nguồn tuyển. Hàng loạt trường vốn “thoi thóp, sống dở chết dở” nay có nguy cơ phải đóng cửa.

Hết “lọt sàng xuống nia” 

Đầu kỳ tuyển sinh, Trường CĐ Nghề Hoàng Diệu (Đà Nẵng) tất bật tìm nguồn tuyển. Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, năm nào trường cũng tổ chức các buổi nói chuyện, tư vấn mùa thi đến các địa bàn vùng sâu, xa miền Trung, tổ chức quảng bá, ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ sinh viên dự thi, nhập học..., tuy nhiên nguồn tuyển rất hạn chế.

Trường có đến 1.000 chỉ tiêu vào các ngành học phổ biến: kế toán, quản trị doanh nghiệp, quản trị nhà hàng..., nhưng chỉ có khoảng 300 em nhập học mỗi tháng.  

“Thông thường, các em rớt ĐH, hết cửa vào ĐH mới tính chuyện xuống bậc CĐ, TCCN. Năm nay, Bộ GD&ĐT thay đổi phương thức tuyển sinh, cho các trường được tự chủ phương án xét tuyển riêng. Chắc chắn tỷ lệ thí sinh vào ĐH nhiều hơn, và các trường tuyến dưới sẽ cạn dần nguồn tuyển”, ông Thanh nói. 

Tâm lý xã hội chuộng bằng cấp, học sinh thích làm thầy hơn thợ. (Ảnh: Nguyễn Huy)
Tâm lý xã hội chuộng bằng cấp, học sinh thích làm thầy hơn thợ. (Ảnh: Nguyễn Huy) 

Tại các trường: CĐ Công nghệ và kinh doanh nghề Việt Tiến, CĐ Đức Trí (Đà Nẵng)... cán bộ tuyển sinh lo ngại nguồn tuyển hết cảnh “lọt sàng xuống nia”, nguồn tuyển thu hẹp.  

Ông Phan Liên, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Chu Lai-Trường Hải (Quảng Nam), nhận định: Trường ĐH mở ồ ạt, nhất là trường ĐH ngoài công lập, khiến nguồn tuyển bị chia nhỏ, cạnh tranh khốc liệt. Việc thay đổi phương thức tuyển sinh tạo thuận lợi cho trường tuyến trên nhưng lo ngại sẽ khiến các trường nghề thêm điêu đứng. 

Trên địa bàn Đà Nẵng, hàng loạt trường TCCN “thoi thóp”, hoạt động cầm chừng, đóng cửa. Dãy nhà 4 tầng trụ sở Trường TC Kinh tế - kỹ thuật Đức Minh (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đang mùa học chính khóa vẫn cửa đóng, then cài.  

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng phòng đào tạo trường này thì trường chỉ có 1 lớp học nghề năm 2011 đang thực tập, còn lại đã tạm ngừng tuyển sinh. Từng dư thừa chỉ tiêu nhưng những năm gần đây, trường này “đỏ mắt” không tìm ra học sinh.  

Năm 2013, trường có vài ba bộ hồ sơ lác đác theo học nên xin dừng đào tạo. Các dãy phòng học Trường TC Kinh tế-Kỹ thuật miền Trung (phường Mỹ An, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cũng trong cảnh đìu hiu. Không có bảng tên trường, ít ai biết đây là ngôi trường TCCN. Năm học qua, trường này không tuyển nổi học sinh, phải tạm đóng cửa. 

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp- Giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng) cho hay, cạn nguồn tuyển sinh, nhiều trường CĐ, TCCN trên địa bàn gặp khó khăn, hoạt động cầm chừng.  

Hiện, Trường TC Kỹ thuật nghiệp vụ Việt-Á Đà Nẵng xin tạm ngừng hoạt động. Còn lại, nhiều trường tạm ngừng tuyển sinh... Theo ông Trương Văn Hùng, Hiệu trưởng trường TC Kinh tế-Kỹ thuật Đức Minh, Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT về liên thông khiến các trường CĐ, TCCN gặp khó.  

Tâm lý xã hội chuộng bằng cấp, thích làm thầy hơn thợ nên các trường ĐH càng “rộng cửa” thì nguồn thí sinh tuyến dưới thưa dần. Ông Nguyễn Văn Dũng nhận định: Học sinh trường nghề ra trường khó xin việc nên nhiều trường này mất dần sức hút.

Bất cập phân luồng 

Thống kê của Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH) tại hội thảo Tăng cường phân luồng học nghề sau trung học - tổ chức tại Đà Nẵng mới đây - cho thấy: Mỗi năm chỉ có 5-10% học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào học các cơ sở dạy nghề.  

Riêng số lượng học sinh tốt nghiệp THPT mỗi năm chừng 1 triệu người, nhưng chỉ có khoảng 10% đi thi học nghề, còn lại hơn 80% tham gia thi ĐH, CĐ. Thực tế ngay cả số thí sinh không đỗ vào ĐH, CĐ cũng không đăng ký theo học các trường nghề.  

Trường nghề chỉ là “lựa chọn cuối cùng” của học sinh. Theo PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề: Tỷ lệ giữa đại học- trung cấp - công nhân kỹ thuật (dạy nghề), với các nước công nghiệp, đòi hỏi ở mức 1-4-10. Nhưng ở nước ta liên tục mất cân đối. Ước tính, năm 1979, tỷ lệ này đạt 1 - 2,25 – 7,1, những năm sau tỷ lệ công nhân kỹ thuật giảm. 

Theo TS.Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ GD&ĐT, dạy nghề (Ban Tuyên giáo T.Ư), cơ cấu nguồn nhân lực nước ta đã đến thời điểm “vỡ”, tốc độ tăng trưởng không bền vững và có nguy cơ tụt hậu. Tình cảnh thừa thầy thiếu thợ, thất nghiệp, lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao (khoảng 72.000 người có trình độ đại học và sau đại học thất nghiệp). Cần có sự đổi mới công tác đào tạo, thi cử, đánh giá kết quả học tập... 

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo