Góc nhìn

TS Alan Phan: Vì sao kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc?

TS Alan Phan chỉ ra rằng, thay vì bàn luận tìm cách “Thoát Trung” thì việc làm quan trọng hơn là phải tìm cách “Thoát ta” từ những tồn tại đó mới có thể phát triển và tránh lệ thuộc Trung Quốc.

Dưới đây là quan điểm của chuyên gia kinh tế - TS Alan Phan:

Hàng Trung Quốc tràn ngập Việt Nam, ngay cả trong những sản phẩm mà chúng ta có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng như nông sản, thực phẩm… Trong khi đó, chúng ta xuất khẩu phần lớn các khoáng sản hay tài nguyên thiên nhiên qua Trung Quốc để họ chế biến sơ xài rồi tái bán ra những thành phẩm với giá cao gấp vài lần.
 
Các sản xuất công nghiệp thì phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu, máy móc và công nghệ cũ của Trung Quốc, nhất là ngành dệt may, giầy dép, đồ gia dụng…
 
Ngay cả trong lĩnh vực dịch vụ như du lịch, giải trí (phim ảnh, TV..), video games…Trung Quốc cũng là nhà cung cấp hàng đầu trên thị trường. Quan trọng hơn, những dự án tầm cỡ quốc gia về điện lực, khoáng sản, giao thông….90% nhà thầu là công ty Trung Quốc.
 
Con số chứng minh hiện trạng trên nằm trong thống kê nhập siêu của Việt Nam: trong 2012, chúng ta xuất qua Trung Quốc 19 tỷ USD và phải nhập khẩu đến gần 40 tỷ USD từ Trung Quốc.
 
Muốn tìm giải pháp cho vấn đề này để thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc trên mọi bình diện, chúng ta cần biết rõ những nguyên nhân đã gây ra sự áp đảo một chiều này:
 
1. Vị trí địa dư
 
Nằm cạnh một quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tất nhiên Việt Nam phải chịu nhiều tác động. Các cường quốc luôn có tham vọng bành trướng ảnh hưởng để thu lợi từ các quốc gia nhỏ bé hơn và các nước láng giềng có thể coi như là “low-hanging fruits” (trái quả ở vị trí thấp) dễ hái và thu nhặt trước.
 
Tuy nhiên, khi so sánh vị thế của Mexico và Canada cạnh Mỹ, ta có thể nhận biết sự khác biệt: dù ít dân hơn Mexico, Canada đã được Mỹ đối xử như một đối tác bình đẳng. Và trong quan hệ kinh tế, Canada còn lợi dụng sự to lớn của thị trường Mỹ để tăng trưởng. Trong khi đó, với cơ chế lạc hậu và dân trí thấp kém, Mexico cam phận là sân sau của kinh tế Mỹ.
 
Trong thế chiến thứ hai, phát xít Đức đè bẹp các nước láng giềng, nhưng lại rất tôn trọng sự trung lập của Thụy Sĩ và các nước Bắc Âu. Một chính sách khôn ngoan, chủ động của Chính phủ và một tầng lớp nhân dân giàu có dựa trên nền kinh tế độc lập là sự khác biệt giữa lệ thuộc và chủ quyền.
 
2. Yếu tố lịch sử
 
Sự bành trướng của các đế quốc trong lịch sử đều dựa vào tiền đề là xâm lược để tìm những tài nguyên hay tài sản nào mà đế quốc cần. Trong lịch sử Trung Quốc, nạn đói vì thiếu đất trồng trọt đã khiến quân đội Trung Quốc luân phiên Nam tiến để thỏa mãn dạ dày của con dân họ.
 
Đông Nam Á là miếng mồi hấp dẫn qua mọi triều đại, kể cả những cuộc di dân khổng lồ của người Trung Quốc để tránh bạo loạn trong nội địa.
 
Việt Nam là một điểm đến quen thuộc trong nhiều ngàn năm. Trong chiến dịch mới nhất, Trung Quốc đã dùng chiêu bài “lý tưởng quốc tế đại đồng” (theo góc nhìn của các hoàng đế Trung Quốc là “Hán hóa”) để xây dựng mối quan hệ hữu nghị viển vông với Việt Nam.
 
Nhìn vào một lăng kính khác, hiện nay, nhu cầu của đế quốc Mỹ là “trí tuệ và sáng tạo” cho nền kinh tế dựa trên công nghệ cao. Họ đã giúp 2 quốc gia đông dân nhất là Trung Quốc và Ấn Độ phát triển nhanh để gia tăng tài sản mềm này cũng như để bành trướng thêm thị trường cho các sản phẩm cao cấp của Mỹ.
 
Họ có thể là đối tác lý tưởng để thay đổi cốt rễ của nền kinh tế và tăng trưởng theo mức độ của Nhật Bản và Hàn Quốc.
 
Tuy nhiên, giải pháp này không khả thi “vì ván đã đóng thuyền”. Khi cá đã cắn câu và chim đã vào lồng rồi, thì đành “lỡ bước sang ngang” vậy?
 
3. Môi trường quen thuộc
 
Doanh nhân Trung Quốc rất thích môi trường kinh doanh tại Việt Nam vì sự quen thuộc như sân nhà. Nhờ một sao chép khá tỉ mỉ về mô hình, cơ chế, văn hóa và mọi sinh hoạt của người Việt, các doanh nhân Trung Quốc không chút bỡ ngỡ hay phải điều chỉnh tư duy làm ăn của họ khi đến Việt Nam. Sự quen thuộc tạo một lợi thế cạnh tranh lớn cho Trung Quốc so với các quốc gia khác.
 
Thông thường, một nhà đầu tư hay một thương nhân nước ngoài phải mất chừng 6 tháng đến 2 năm để làm quen với thủ tục hành chính và luật lệ, tạo quan hệ với quan chức và đối tác, đi sâu vào các ngõ ngách của thị trường và thói quen của người tiêu dùng….
 
Vì lối vận hành giống như Trung Quốc, các doanh nhân Trung Quốc đốt ngắn giai đoạn và phát triển cơ sở, mạng lưới rất nhanh. Có thể nói, Việt Nam là điểm đến đầu tiên khi Trung Quốc cứu xét các cơ hội làm ăn cho công ty mình.
 
4. Chính sách của Việt Nam
 
Quan điểm chung ở Việt Nam là Trung Quốc đã góp phần rất lớn vào các chiến thắng đánh Pháp, Mỹ.
 
Đó là một cái ơn nghĩa lớn. Thêm vào đó, sau sự sụp đổ của đế chế Liên Xô, thì chỉ còn lại Trung Quốc.
 
Từ đó, doanh nhân Trung Quốc thừa hưởng những đặc quyền, đặc lợi từ nhiều dự án lớn nhỏ. Để tránh những dòm ngó của những thế lực chống đối, nhiều công ty Trung Quốc khi đầu tư hay mua bán làm ăn tại Việt Nam phải dùng vỏ bọc của BVI, Bermuda, Hồng Kong, Đài Loan…
 
Nhập siêu từ Trung Quốc so với tổng nhập siêu từ tất cả các quốc gia giai đoạn 2000 - 2013. Đơn vị: tỷ USD. Nguồn: Tổng cục Hải quan
Nếu tính ra chủ nhân thực sự sau của những nhà đầu tư và doanh nhân này, Trung Quốc mới là nhà đầu tư số một tại Việt Nam. Con số nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có thể lớn hơn nữa nếu thống kê bao gồm những điểm trung gian tiếp cận hàng hóa.
 
5. Tệ nạn phong bì
 
Có thể nói doanh nhân Trung Quốc năng động và nổi tiếng về nghệ thuật hối lộ. Trên khắp thế giới, các quan chức, kể cả Âu Mỹ, đều thích làm ăn với thương gia Trung Quốc. Chỗ nào không đưa được phong bì thì họ sẽ tìm cách khác để đưa quà hay lợi lộc nào đó để né tránh luật lệ.
 
Với thái độ cởi mở về phong bì, Việt Nam là một thiên đường để doanh nhân Trung Quốc tự do lợi dụng và hưởng lợi. Ngoài ra, trong khi doanh nhân Âu Mỹ Nhật lo sợ về chuyện phạm pháp tù đày vì luật lệ xứ sở của họ cấm hối lộ; thì chính phủ Trung Quốc khuyến khích doanh nhân nước họ dùng phong bì như là một vũ khí thương mại hiệu quả.
 
6. Kỹ năng của doanh nhân Trung Quốc
 
Sau cùng, chúng ta phải công nhận là doanh nhân Trung Quốc rất giỏi trong việc đột phá tìm thị trường và tạo ra những vị thế độc tôn. Dù không sáng tạo như người Do Thái, dân làm ăn Trung Quốc kiên nhẫn, thủ đoạn, cần cù, nắm bắt cơ hội, chịu đựng rủi ro…hay hơn mọi doanh nhân thế giới.
 
Họ cũng ngoại giao tài tình, không ai mới hợp tác với doanh nhân Trung Quốc mà không choáng ngợp với sự tiếp đãi nồng hậu thân thương. Chỉ sau một thời gian, khi cá đã cắn câu, thì chúng ta mới nhận ra thế kẹt của mình.
 
Cộng với kỹ năng, mạng lưới Hoa Kiều tại năm châu và sự trợ giúp tận tình của chánh phủ Trung Quốc qua các tín dụng dễ dãi đã tăng thêm lợi thế cạnh tranh này.
 
Lời kết
 
Sự áp đảo kinh tế và chính trị của Trung Quốc với Việt Nam là một hiện thực với nhiều yếu tố khách quan khó vượt qua. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là một quyết tâm của Việt Nam xây dựng cho đất nước một vị thế đáng nể trên góc nhìn của thế giới.
 
Sự nể trọng này, nhất là đối với Trung Quốc, có thể đến từ các yếu tố:
 
- Hành động bên cạnh những tuyên bố.
 
- Mở rộng cửa đón nhận nhà đầu tư và đối tác khắp thế giới để giảm sự chi phối của Trung Quốc trong nền kinh tế.
 
- Cởi trói cho khu vực tư nhân để doanh nhân Việt nam tự do tìm định hướng mới cho nền kinh tế với bản sắc Việt;
 
- Giảm gánh nặng hành chánh, thuế má, nợ vay nước ngoài…bắng cách giảm 2/3 công chức.
 
- Nâng cao dân trí bằng sự minh bạch và đem kiến thức toàn cầu đến người dân.
 
Như vậy, thay vì bàn luận tìm cách để “Thoát Trung” thì việc tìm và tiến hành các giải pháp “Thoát Ta” mới là một nhu cầu cấp bách để đưa Việt Nam vào thế kỷ 21.
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo