Góc nhìn

TS Cao Sĩ Kiêm: “Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa còn quá bé”

Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ chính thức hoạt động từ năm 2014, nhưng với số vốn còn quá mỏng (500 tỷ đồng) sẽ rất khó để trở thành chỗ dựa vững chắc cho các DN.

TS Cao Sĩ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam. (Ảnh: Đoàn Huế)

Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Cao Sĩ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam.

PV: Ông đánh giá thế nào về những chính sách mà Chính phủ đề ra nhằm hỗ trợ các DNNVV trong năm qua?

TS Cao Sĩ Kiêm: Năm 2013 đã có sự tập trung lãnh đạo, các chính sách đã tiến lên một bước. Tồn kho, sức mua, bất động sản, nợ xấu… là một số vấn đề đang tắc trong những năm trước, đến năm 2013 vẫn tắc, và đã được tập trung giải quyết một cách tích cực, đồng bộ hơn.

Đó là những tiến bộ trong điều hành, nhưng cũng phải nói rằng một số vấn đề cụ thể hóa chính sách còn chậm, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chính sách chưa đồng bộ, kể cả minh bạch hóa để đảm bảo sự bình đẳng cũng chưa cụ thể.

Có rất nhiều giải pháp đề ra rất đúng, tôi cho rằng đã khá toàn diện nhưng chưa đi vào cuộc sống, chưa phát huy hiệu quả vì việc cụ thể hóa chưa nhanh nên tốc độ vận hành của chính sách còn chậm, những kết quả không đồng bộ, không rõ nét. Điều đó đã phản ánh rất rõ trong năm 2013 vừa qua.

Đây cũng là vấn đề tồn tại trong điều hành của nền kinh tế năm 2013. Biểu hiện rất rõ là vấn đề tiếp cận vốn của DN vẫn chưa mạnh mẽ để hỗ trợ tăng sức mua và giải phóng hàng tồn kho. Việc giải quyết tồn tại như nợ xấu, giảm thuế thu nhập DN, thủ tục vay…chưa được triệt để.

Số DN khó khăn chưa tiếp cận được vốn vẫn còn nhiều, số tiếp cận vốn và có đủ điều kiện sử dụng vốn mới gần 50%, còn lại là số DN tiếp cận rất ít hoặc không tiếp cận được.

Số DN giải thể, nằm im sản xuất khoảng trên dưới 20-30%, cũng không giảm nhiều, thậm chí có lĩnh vực còn tăng lên. Chỉ số hàng tồn kho tuy có giảm nhưng cái giảm đó không phản ánh trung thực, khách quan là vì sản xuất bị co hẹp, khả năng dự trữ, tái sản xuất không nhiều chứ không phải sức mua tăng mà tồn kho giảm.

Chắc chắn trong năm 2014 với tinh thần mới phát huy động lực cho tăng trưởng và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế thì vấn đề này phải được suy nghĩ và tập trung chỉ đạo mạnh mẽ hơn.

Biểu hiện rõ nhất của tồn tại trong điều hành kinh tế năm 2013 là số DN tiếp cận rất ít hoặc không tiếp cận được vốn chiếm tới hơn 60%. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

PV: Quỹ phát triển DNNVV sẽ đi vào hoạt động trong năm 2014. Theo ông, đây có thực sự là động lực tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DNNVV?

TS Cao Sĩ Kiêm: Tôi cho rằng đó là chủ trương rất tốt, thể hiện sự quan tâm của chính sách, nhưng cũng chỉ hỗ trợ được phần nào chứ không phải yếu tố quyết định, bởi số vốn để cho quỹ này hoạt động quá ít, mới chỉ có 500 tỷ. Tiến tới nguồn vốn này được tăng lên 2.000 tỷ trong khi đó nhu cầu của DN lên tới hàng trăm nghìn tỷ thì thực sự không đáp ứng hết yêu cầu của các DN.

Tiếp nữa, những cơ chế, mô hình để đảm bảo thực hiện thì mới đang hình thành  nên không thể nhanh để chúng ta giải quyết triệt để cho các địa bàn, đặc biệt là địa phương khó khăn.

Việc mở rộng, phát triển quy mô của quỹ trong năm nay chưa có nhiều vì mới đang trong quá trình định hình để tạo nguồn lực hỗ trợ các hoạt động, phải chờ kết quả ban đầu đã thì mới có sức lan tỏa, còn thời điểm này chưa phát triển được.

PV: Ông đánh giá thế nào về khả năng tiếp cận tín dụng của DNNVV trong năm 2014 và theo ông, DNNVV trông chờ điều gì nhất ở chính sách?

TS Cao Sĩ Kiêm: Thứ nhất là về đáp ứng nguồn vốn vay, thứ hai là môi trường pháp lý, hệ thống thể chế để đảm bảo cho hoạt động có hiệu quả, chính sách có điều kiện triển khai tốt. Thứ ba là phải xây dựng thị trường có tăng sức mua, có hệ thống công nghệ sản xuất tiên tiến có năng suất cao.

Phải xây dựng mạng lưới phân phối dịch vụ công khai, minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện vừa tốt vừa bình đẳng trong cạnh tranh thì mới khai thác được hết tất cả các thành tốt, sức mạnh của các thành phần, đặc biệt là thành phần yếu thế trước đây, thành phần có nhiều dư địa, hệ thống DN tư nhân và DNNNVV.

Tôi thấy những vấn đề của năm 2013 đã được giải quyết một số. Hiện tại, ngân hàng và DN cũng đang dần sát lại với nhau để tìm cách giải quyết và phối hợp. Đây là tín hiệu tốt!

Năm 2014, chúng ta cần nâng tổng phương tiện thanh toán lên 16-18%, tăng tín dụng 12-14%, cùng với cải tiến tích cực về thể chế, phương pháp điều hành thì hy vọng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của DN sẽ nhanh hơn, đúng chỗ, đúng lúc, có tác động mạnh hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Thảo Nguyên (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo