TS Cao Sỹ Kiêm: “Chậm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước có nguyên nhân lợi ích nhóm”
“Chậm tái cơ cấu Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cơ bản có mấy nguyên nhân, nguyên nhân quan trọng nhất là người trực tiếp làm, thứ hai là do có những vấn đề chưa rõ ràng, thứ ba là sự tập trung chỉ đạo chưa kiên quyết và cũng có nguyên nhân là có những lợi ích nhóm, có sự thọc bánh, có sự chỉ đạo làm chưa kiên quyết và làm chưa tốt”.
TS. Cao Sỹ Kiêm – Nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc tái cơ cấu DNNN trong thời gian qua diễn ra trì trệ.
Chính phủ cần phải có giải pháp đột phá
PV: Ông đánh giá như thế nào về tiến trình tái cơ cấu DNNN trong thời gian qua. Kết quả thực hiện đã đạt được bao nhiêu % so với mục tiêu đề ra?
TS. Cao Sỹ Kiêm: Nói chung là chủ trương tái cơ cấu DNNN thì đã có hơn 10 năm nay rồi, lúc đầu thì có nhiều cái chưa ổn và càng về sau thì càng chậm lại, cứ chậm dần đều. Năm vừa qua số doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu chưa được bao nhiêu. Nhìn chung là chậm so với tiến độ và mục tiêu đề ra.
Tất nhiên là nhứng doanh nghiệp đã thực hiện thì cũng có kết quả, sau khi cổ phần hóa thì các doanh nghiệp này có chuyển biến tích cực hơn, và có đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Nhưng tựu chung lại là tiến trình cổ phần hóa của các DNNN thời gian qua vẫn diễn ra rất chậm.
PV: Điểm mới trong chủ trương tái cơ cấu DNNN lần này là gì và liệu nó có đi vào vết xe đổ của những lần trước không, thưa ông?
TS. Cao Sỹ Kiêm: Chính phủ vừa qua đã có quyết tâm cao hơn, theo thông điệp của Thủ tướng hồi đầu năm. Chủ trương tái cơ cấu DNNN của Chính phủ lần này có 4 điểm rất quan trọng: Một là, địa chỉ các doanh nghiệp cần cổ phần hóa rõ hơn, chỉ rõ các doanh nghiệp, cụ thể là có 423 DNNN phải tiến hành cổ phần hóa trong 2 năm 2014 và 2015, đó là về mặt số lượng.
Cái thứ hai là, các doanh nghiệp bị lỗ và kể cả các doanh nghiệp có lãi cũng sẽ phải kiểm tra để phát triển tốt hơn.
Điểm thứ ba là vấn đề tốc độ, thời gian qua việc thực hiện cổ phần hóa bị tắc ở chỗ: Các doanh nghiệp họ không muốn làm nên họ đưa ra nhiều lý do để trì trệ, kéo dài.
Bây giờ chúng ta phải đánh vào đúng điểm cần giải quyết, các doanh nghiệp đã đủ tiêu chuẩn rồi mà vẫn chầy ì không thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu thì phải thay cán bộ, đây là điểm mới thứ ba.
Điểm mới thứ tư là giao trách nhiệm cho nhiều bộ ngành, nhiều lĩnh vực, giao cụ thể chứ không để chung chung một điểm như trước đây.
PV: Kỳ vọng của ông về lần cổ phần hóa này như thế nào?
TS. Cao Sỹ Kiêm: Tôi chắc rằng nếu thực hiện được 4 điểm mới này thì tốc độ sẽ được đẩy nhanh hơn. Và với mục tiêu đề ra 423 doanh nghiệp trong năm 2014 - 2015 là có thể thực hiện được. Với điều kiện phải đổi mới môi trường pháp lý và về nội dung điều hành.
Phải có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện pháp lý tốt hơn, chỉ đạo tập trung hơn, nội dung thực hiện và bộ máy thực hiện (những con người trực tiếp lãnh đạo, thực hiên) phải thay đổi. Những đơn vị có đủ điều kiện và có những nhân tố có thể làm được thì bắt buộc tiến hành nếu không phải có biện pháp xử lý.
Trở ngại lớn nhất là tư tưởng
PV: Chúng ta đã rút ra được bài học gì từ thất bại của những lần cổ phần hóa trước?
TS. Cao Sỹ Kiêm: Bài học quan trọng nhất là tư tưởng của các đơn vị thực hiện, vai trò của chính phủ trong việc điều hành quản lý, trong đôn đốc kiểm tra và ra những chính sách phù hợp. Đó là hai vấn đề quan trọng nhất đảm bảo cho việc tái cơ cấu được tiếp tục tốt hơn và có khả năng thành công hơn.
PV: Theo ông, trở ngại lớn nhất cho việc tái cơ cấu DNNN sắp tới là gì?
TS. Cao Sỹ Kiêm: Trở ngại lớn nhất là vấn đề tư tưởng và giải quyết những hậu quả mà nó để lại. Giải quyết vấn đề tài sản thất thoát như thế nào, các cơ quan quản lý phải có giải pháp để kèm theo.
PV: Từ năm 2011 đến 2013 chúng ta chỉ cổ phần hóa được 99 doanh nghiệp, vậy với con số 423 doanh nghiệp thực hiện từ nay đến 2015 liệu có thành công không thưa ông?
TS. Cao Sỹ Kiêm: Khả năng thành công là lớn hơn vì khi đã có chính sách rõ ràng, có quyêt tâm của Chính phủ thì việc thực hiện sẽ dễ dàng hơn. Đúng là từ 2011 – 2013 tiến trình này chậm lại hẳn, tuy nhiên với con số 423 doanh nghiệp nó chỉ lớn so với trước, còn nếu quyết tâm thì chắc chắn không phải là lớn
PV: Vậy nguyên nhân của việc trì trệ này là gì? Liệu có lợi ích nhóm nào ở đây không thưa ông?
TS. Cao Sỹ Kiêm: Cơ bản có mấy nguyên nhân, nguyên nhân quan trọng nhất là người trực tiếp làm, thứ hai là do có những vấn đề chưa rõ ràng, thứ ba là sự tập trung chỉ đạo chưa kiên quyết và cũng có nguyên nhân là có những lợi ích nhóm, có sự thọc bánh, có sự chỉ đạo làm chưa kiên quyết và làm chưa tốt.
PV: Vậy theo ông Chính phủ cần có những giải pháp đột phá nào để thúc đẩy việc tái cơ cấu được nhanh hơn và có kết quả rõ rệt hơn?
TS. Cao Sỹ Kiêm: Cái quan trọng nhất là chính sách phải rõ ràng, phải công khai minh bạch, để người làm cũng như người kiểm tra, người quản lý thực hiện tốt hơn, căn cứ vào đó để đánh giá nhận xét, giám sát và thúc đẩy sự phát triển.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Như Trâm (Thực hiện)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo