Góc nhìn

TS.Cao Sỹ Kiêm: Nói thẳng nói thật... phải hy sinh nhiều!

Nguyên Thống đốc NHNN - TS. Cao Sỹ Kiêm tự cho mình "hay nói thẳng nói thật về mọi vấn đề. Điều này được cho xã hội, đất nước nhưng bản thân phải hy sinh rất nhiều".

 Liên quan tới các hoạt động sáp nhập ngân hàng, ngân hàng lãi vài nghìn tỷ, Trầm Bê thoát hiểm ngoạn mục..., nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) - TS Cao Sỹ Kiêm đã dành thời gian đối thoại với chúng tôi về vấn đề này.

Dồn dập tin sốc về hệ thống ngân hàng
 
PV: Ông đón nhận thông tin sáp nhập giữa một ngân hàng mạnh Sacombank với ngân hàng yếu Southern Bank như thế nào?
 
Đây là điều tốt, sẽ nâng chất lượng của ngân hàng sau sáp nhập, đồng thời tăng thêm tiềm lực cho hệ thống ngân hàng nước ta. Vấn đề nợ xấu tuy cao nhưng sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn khi sức mạnh về quản trị của 2 ngân hàng được hợp lại thành một.
 
Về mặt nhân sự, sau khi sáp nhập, nhân sự của ngân hàng sẽ được sắp xếp lại sao cho hợp lý. Việc cơ cấu lại nhân sự được quyết định bởi 2 yếu tố: Một là, các cổ đông trong đại hội cổ đông sẽ chọn lựa người có khả năng, có uy tín trước đó hoặc dựa trên số lượng cổ phiếu nắm giữ của các cổ đông trong ngân hàng hoặc thuê người bên ngoài lãnh đạo. Hai là, việc cơ cấu lại nhân sự của một ngân hàng phải có sự kiểm soát, cân đối của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm và đưa ra các tiêu chí về nhân sự để lựa chọn người lãnh đạo cho phù hợp.
 
Còn về phía đại gia Trầm Bê, việc gia đình ông này đang nắm số lượng lớn cổ phần ở cả 2 ngân hàng Sacombank và Southern Bank có thể đưa đến vị trí chủ tịch ngân hàng mới sau khi sáp nhập cho ông Trầm Bê. Nhưng điều này phải phù thuộc vào quyết định của HĐQT và sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước.
 
 TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN.  Ảnh: N.Biển.
 
PV:  Nhắc tới đại gia Trầm Bê, một thông tin cũng vừa được dư luận chú ý mà chính ông là người “kích bom” khi cho rằng gia đình ông Trầm Bê đã phạm luật vì sở hữu cổ phần vượt quá giới hạn. Sau đó, nhiều chuyên gia khác cho biết có thể còn nhiều gia đình khác cũng phạm luât tương tự. Ông có cho rằng NHNN phải có trách nhiệm về tình trạng này?
 
Việc để Trầm Bê phạm luật là lỗi, trách nhiệm của NHNN khi không thanh tra, kiểm tra giám sát thường xuyên những sai lệch của pháp luật.
 
Nguyên tắc hoạt động NH là cổ đông, cổ phiếu phải có hạn chế để đảm bảo độ an toàn, quá mức đó là không an toàn. Trong khi ông Trầm Bê mua quá mức này nên theo luật quy định, buộc NHNN phải có sự điều chỉnh để đảm bảo an toàn cho hoạt động NH.
 
Ông Trầm Bê chỉ là một cảnh báo đầu tiên, thực tế còn nhiều đại gia khác cũng đang sở hữu tỷ lệ cổ phiếu trái luật. Tuy nhiên, muốn kết luận cụ thể là bao nhiêu, ở NH nào thì buộc NHNN phải kiểm tra. NHNN có cơ quan thanh tra giám sát, quản lý toàn bộ hệ thống ngân hàng, phải kiểm tra xem anh có làm đúng luật hay không đúng luật vì điều này ảnh hưởng lớn đến sự an toàn trước mắt cũng như lâu dài của hệ thống NH nên buộc NHNN phải có sự kiểm tra, xác minh, công bố kết luận và phải có lộ trình uốn nắn cụ thể.
 
PV:  Hiện, hệ thống NH đã và đang đón quá nhiều thông tin sốc khiến dư luận xôn xao, gần đây nhất là thông tin hàng loạt ngân hàng lớn công bố lỗ hoặc giảm lãi lớn. Ông có ngạc nhiên trước thông tin này không? Vì sao?
 
Tôi không có gì ngạc nhiên trước thông tin này vì đây là hệ quả tất yếu. Quản lý lỏng lẻo của hệ thống NH Việt Nam đã tích lũy từ lâu rồi, những thứ yếu của nền kinh tế đang tập trung vào chỗ ngân hàng.
 
Ngân hàng báo lỗ phản ánh tình hinh chung của tất cả doanh nghiệp trong lúc nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp khó khăn co lại, không vay vốn ngân hàng vì thế khả năng cho vay ra rất ít, vốn đưa ra không được nhiều, huy động vào lớn thanh khoản căng nên dẫn đến chi phí cao. Bên cạnh đó, những khoản cho vay trước đây khả năng thu hồi thấp vì vậy nên giảm lãi, lỗ nhiều là những điều tất yếu.
 
PV:  Nguyên nhân lỗ hay giảm lãi được các ngân hàng chỉ ra là do vàng, ngoại hối, chứng khoán chi phí hoạt động tăng cao…Theo ông, đó đã phải là nguyên nhân chính hay còn nguyên nhân khác sâu xa hơn?
 
- Nếu đổ cho vàng và ngoại hối là không đúng vì những thứ đó chỉ là tác động bên ngoài. Đâu phải tất cả các NH đều kinh doanh ngoại hối, vàng nhưng lãi của hầu hết NH đều giảm xuống. Lỗi do nền kinh tế một phần, đối tượng hoạt động chính là nên kinh tế giảm sút nên NH giảm sút. Theo tôi, cái chính là khả năng quản lý lỏng lẻo.
 
Lỗi do nền kinh tế một phần, đối tượng hoạt động chính là nền kinh tế giảm sút thì NH giảm sút. Nhưng theo tôi cái chính là khả năng huy động vốn, khả năng quản lý lỏng lẻo dẫn đến nợ xấu, chí phí quản lý tăng lên nên lợi nhuận giảm.
 
PV:  Vẫn liên quan hệ thống ngân hàng, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo hàng nghìn tỷ thông qua ngân hàng Vietinbank vẫn nóng trong dư luận. Tuy nhiên, trách nhiệm của Vietinbank trong vụ việc vẫn chưa được làm rõ khiến nhiều người dân bất an khi gửi tiền vào ngân hàng. Theo ông, cần phải làm gì để lấy lại niềm tin của người dân?
 
- Qua vụ Huyền Như và việc gửi tiền vào Vietinbank, NHNN phải có những sửa chữa, kiểm tra, hướng dẫn tiếp để đảm bảo lòng tin để người dân yên tâm gửi tiền vào NH.
 
Mặc dù ngay sau khi vụ việc của Huyền Như bị phát hiện, Ngân hàng đã ban hành nhiều văn bản nhằm kiểm soát hệ thống tốt hơn nhưng theo tôi, chỉ là biểu hiện chưa đầy đủ nên phải có những quy định tiếp. Đây là lỗ hổng của thể chế, của các quy định. Lấp lỗ hổng này bằng cách nào thì các cơ quan quản lý phải ngồi với nhau.
 
Bức tranh tài chính VN sẽ thế nào?
 
PV:  Nhìn lại 1 năm qua, ông đánh giá thế nào về hệ thống ngân hàng Việt Nam? Theo ông, trong năm Ngọ, bức tranh tài chính sẽ diễn biến như thế nào?
 
- Nói chung là họ (NH) cũng đã có được bước tiến sát thị trường, quản lý theo hướng của thị trường. Những vấn đề về luật lệ, thể chế, quy định bắt đầu chặt hơn - đấy là một cái tốt. Lãi xuất, tỷ giá cũng đã tiến sát thị trường, lãi suất giảm, đảm bảo cho người sử dụng vốn có hiệu quả. Nhìn chung, các NH đã bắt đầu có những quan điểm rõ hơn.
 
Tuy nhiên, chúng ta phải đi một bước tiếp nữa, hoàn chỉnh hơn, chính vì vậy nên Chính phủ mới đưa ra vấn đề tập trung giải quyết thể chế và NHNN đang tiến hành thanh tra, kiểm tra, sắp xếp lại hệ thống NH.
 
Chúng ta hy vọng những chủ trương sẽ được thực hiện nghiêm túc, phối hợp nhịp nhàng thì những tồn tại nó sẽ rút xuống.
 
Hạn chế lớn nhất của hệ thống NH thời gian qua chính là sự sắp xếp chưa được hoàn chỉnh, thể chế phải hoàn chỉnh hơn nữa, quản lý phải chặt hơn.
 
PV: Khi còn đương chức Thống đốc, ông từng rất thành công khi kéo mức lạm phát kinh tế Việt Nam từ 700% xuống còn 40% vào những năm 1990. Ông có thể chia sẻ bí quyết vượt bão thời gian đó?
 
- Lúc đó (1990), Việt Nam mới gia nhập thị trường, hàng và tiền mất cân đối khiến lạm phát tăng nên mình chỉ cần giải quyết được vấn đề hàng, vấn đề tiền là giải quyết được lạm phát, tức là hạn chế tiền và tăng hàng lên. Muốn rút tiền về thì NHNN sẽ có các biện pháp chủ động như tăng lãi xuất tiết kiệm lên để rút tiền về, giải quyết xuất khẩu tốt hơn thì thu được tiền về. Khống chế nhập khẩu tốt hơn thì cũng giảm bớt được việc chi tiền ra.
 
Thời tôi làm, việc mất cân bằng tiền hàng là chủ yếu, tiền thừa, hàng thiếu, còn hiện nay tiền và hàng nói chung đã cân bằng hơn vì nền kinh tế phát triển theo thị trường, hàng vẫn nhiều. Các vấn đề nảy sinh chủ yếu là do điều hành, quản lý.
 
PV: Nhìn lại quãng thời gian còn “thống lĩnh” hệ thống ngân hàng trong nước, vụ Epco Minh Phụng từng khiến ông lao đao. Vụ việc này có giúp ông rút ra nhiều kinh nghiệm xương máu?
 
- Đây là thất bại lớn. Vụ đó (Epco Minh Phụng) lỗi cũng là do quản lý, điều hành, do biện pháp thanh tra, quản lý của ngân hàng không chặt. Những cái không thành công như vậy để rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Kinh nghiệm xương máu của tôi là kiểm tra chặt chẽ. Làmcái gì cũng phải kiểm tra cẩn thận. Dù mình rất tốt, rất có đạo đức, có năng lực, quyết đoán nhưng mà mình lơ là kiểm tra, không nắm được thì phía dưới sẽ hỏng.
 
Nói thẳng nói thật... phải hy sinh nhiều!
 
PV: Một câu hỏi ngoài lề một chút, ông có phải người hay nói thẳng – nói thật?
 
- Đúng, tôi là người hay nói thẳng nói thật về mọi vấn đề
 
PV: Ông thấy mình được gì, mất gì khi sống theo phương châm đó?
 
- Được cho xã hội, đất nước thôi nhưng bản thân thì phải hy sinh rất nhiều.
 
PV: Trong gia đình, con cái ông có ai nối nghiệp cha hay không? Ông hay dạy con cái những gì?
 
- Có chứ. Cả ba con gái tôi đều đang làm việc tại các ngân hàng như Techcombank, Vietcombank…Từ kinh nghiệm của mình, tôi truyền đạt khá nhiều cho các con, nhưng hầu như tôi không làm trực tiếp mà để các con tự rút ra, tự hành động.
 
Cảm ơn nguyên Thống đốc NHNN - TS Cao Sỹ Kiêm rất nhiều về cuộc đối thoại này!
Theo Kiến Thức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo