Góc nhìn

TS Lê Đăng Doanh: “Tăng trưởng kinh tế Việt Nam thấp nhất trong 13 năm qua”

“Hiện nay, Việt Nam đang ở giai đoạn suy giảm mạnh nhất từ khi cải cách đến nay. Kinh tế “trầm cảm”, hô hào nhưng tín dụng không tăng mặc dù lãi suất đã giảm nhiều, có vẻ nền kinh tế không dễ dàng để tăng trưởng được”.

TS. Lê Đăng Doanh trình bày tham luận tại hội thảo

Nhận định này được TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương đưa ra tại Hội thảo “Tình hình kinh tế thương mại Việt Nam và thế giới 2013 và triển vọng 2014” diễn ra sáng 19/12, tại Hà Nội.

 

Năm 2013 tăng trưởng kinh tế thấp
 
Nói về vấn đề giải quyết “cục máu đông nợ xấu” TS. Lê Xuân Nghĩa từng so sánh: “VAMC như ve chai. Thu mua về, phân loại và bán đi. VAMC kém hơn đồng nát vì không bán đi được 60% nợ xấu là bất động sản (BĐS), vì không biết bán cho ai? Nhà nước quy định không bán dưới giá sổ sách”.
 
TS Lê Đăng Doanh cho rằng: “Câu chuyện của VAMC là câu chuyện không thực tế, phải có tiền tươi thóc thật mới có thể giải quyết được, không có chuyện tay không bắt giặc”.
 
Nợ xấu BĐS thực tế là bao nhiêu? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói là 1 triệu tỷ, Bộ Xây dựng lại nói tầm mấy trăm nghìn tỷ. Gói 30 nghìn tỷ giải ngân quá chậm, khối lượng vốn rất lớn đang chôn trong BĐS, vòng quay tiền lại giảm.
 
Vì vậy, theo TS Doanh: “Bước đầu tiên là phải tái cấu trúc hệ thống tài chính, nhưng phải có người đứng ra ôm cục nợ xấu này. Ngân sách suy giảm thì tất cả những thành phần ăn theo ngân sách sẽ gặp khó khăn.
 
Hiện nay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong 13 năm qua trong khi các nước ASEAN phục hồi mạnh mẽ. Tình hình còn khó khăn trong 2 năm tới nếu chưa có cải cách mạnh mẽ và có hiệu lực”.
 
Nguyên nhân tăng trưởng kém
 
Tại hội thảo vị chuyên gia này đưa ra một số nguyên nhân dẫn đến việc tăng trưởng thấp của kinh tế Việt Nam năm 2013: Thứ nhất, nhà nước can thiệp phi thị trường quá nhiều, Thủ tướng Chính phủ lại vừa công bố sẽ can thiệp thị trường vàng. Thứ hai, GDP Việt Nam giảm đi nhiều do nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển lợi nhuận về nước. Thứ ba, Việt Nam là nước thu nhập thấp nhưng mức thu thuế cao so với các nước khác. Thứ tư, tăng trưởng tín dụng như giết nền kinh tế “phóng rất nhanh rồi phanh gấp”. Thứ năm, nền kinh tế năng động nhưng bộ máy điều hành nhà nước kém (theo đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu).
 
Số văn bản của Chính phủ Việt Nam quá nhiều, riêng năm 2011 là 4000 văn bản, mà vấn đề không phải là chăm chỉ ra văn bản mà là xây dựng luật cho người dân, cho doanh nghiệp. 
 
Tiền lương của lao động Việt Nam bằng 1/10 so với Hàn Quốc nhưng năng suất lao động bằng 80% của Hàn Quốc nên Samsung rất nhiệt tình đầu tư.
 
Có sự dung túng trong hoạt động ngân hàng
 
Bình luận về việc sáp nhập ngân hàng trong năm 2013 liệu có đem lại sự tốt đẹp hơn? TS Doanh nhận định: “Ngân hàng Việt Nam đã phát triển quá nhanh về số lượng và tỷ lệ tài sản/GDP. Trong đó có nhiều tài sản là ảo. Có sự dung túng trong hoạt động khiến cho chất lượng kém.
 
Sinh viên ngân hàng ra trường chắc chắn không kiếm được việc. Sự điều chỉnh của ngành ngân hàng là cần thiết nhưng tôi rất nghi ngờ về phương án mà Ngân hàng nhà nước đưa ra. Anh què cõng anh cụt thì liệu có thành người khỏe mạnh được không? Quan trọng hơn phải có sự thay đổi về luật pháp để thay đổi việc vốn ảo”.
 
Năm 2014 có phát triển được còn tùy thuộc vào sự cải cách
 
Nhận định về xu hướng phát triển năm 2014 TS. Lê Đăng Doanh cho biết: “Tình hình sắp tới có tiến lên được không còn tùy thuộc vào sự cải cách. Việt Nam sẽ ổn định vĩ mô, lạm phát dưới 7%. Tỷ giá biến động khoảng 2-3% do lượng ngoại tệ dự trữ của VN thấp, biến động của thị trương vàng và các thị trường khác còn lớn và gây áp lực lên tỷ giá, đầu tư từ ngân sách còn hạn chế.
 
Vì vậy, chúng ta phải học tập Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong kinh doanh. Quyết tâm và sáng tạo trên cơ sở đánh giá đúng tình hình. Vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng trưởng thành: “kéo pháo vào, kéo pháo ra” và “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”. Luôn học tập rèn luyện bản lĩnh, phát hiện những yếu kém của mình để khắc phục “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”, phát huy mặt mạnh của mình, khai thác mặt yếu của kẻ địch “Đánh chắc thắng chắc, đánh nhỏ thắng nhỏ”.
 
Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo