Góc nhìn

TS Nguyễn Đình Cung: Bán doanh nghiệp nhà nước kém cho ai?

Doanh nghiệp nhà nước còn chiếm vị trí độc quyền, chi phối nhiều ngành nghề của nền kinh tế, chính điểm này đã gây độc quyền và hạn chế cạnh tranh.

 TS Nguyễn Đình Cung - Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương cho biết tại hội thảo Cải cách doanh nghiệp nhà nước diễn ra mới đây tại Hà Nội. TS Cung cũng cho biết, mặc dù việc thoái vốn ngoài ngành và cổ phần hóa đã được thể hiện qua quyết tâm của Chính phủ nhưng vẫn còn nhiều nghi ngại.

Thay đổi vị trí doanh nghiệp nhà nước

“Việt Nam sử dụng doanh nghiệp nhà nước để điều chỉnh thị trường nên nó chi phối thị trường. Đây là sự méo mó khó có thể chấp nhận được mặc dù việc này cải cách rất đơn giản vấn đề chỉ là có muốn làm hay không”, TS Nguyễn Đình Cung nói.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước cần thay đổi. Doanh nghiệp nhà nước hiện nay không bị chi phối bởi ngân sách cứng, giá vốn của họ thấp hơn giá thị trường, họ không tính đến chi phí cơ hội, lỗ không bị phá sản, nếu khó khăn sẽ xin Chính phủ giảm thuế, lùi thời hạn trả, xin cấp quỹ tín dụng...

“Vì chúng ta coi vị trí của doanh nghiệp là điều tiết nền kinh tế nên nó không thể mất đi được, nó phải tồn tại nếu mất là mất đi công cụ điều tiết nền kinh tế mà dùng nó là lực lượng vật chất chủ yếu của kinh tế nhà nước”, TS Cung nói.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, một trong những nguyên tắc quản trị hiện đại là phải tách được chủ sở hữu ra khỏi những nguyên tắc, chức năng khác, thay đổi lại vị trí doanh nghiệp nhà nước, tách biệt chức năng kinh doanh và chức năng xã hội nhưng chúng ta gần như không có động tĩnh nào để thay đổi.

TS Nguyễn Đình Cung - Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương

Cũng theo TS Cung, phải có 4 nhóm vấn đề đối với doanh nghiệp nhà nước là quan niệm vai trò phải thay đổi, buộc họ áp dụng ngân sách cứng, kỷ luật thị trường, quản trị hiện đại cuối cùng rồi mới đến cổ phần hóa.

“Chúng ta đang cổ phần hóa nhưng lại không thay đổi các nguyên tắc trên. Phải thay đổi quản trị để giá tăng còn chúng ta lại hi vọng cổ phần hóa để thay đổi quản trị, cổ phần hóa để bắt buộc họ áp dụng cơ chế thị trường.

Trong khi, làm quản trị tốt để họ hoạt động theo cơ chế thị trường, có niềm tin của thị trường bán với giá cao hơn còn ta làm ngược lại, cổ phần hóa được rồi, áp dụng quản trị hiện đại nhưng phải cổ phần hóa tuyệt đối nhà nước không nắm quyền chi phối.

Thoái vốn ngoài ngành còn nhiều nghi ngại

TS Nguyễn Đình Cung dẫn chứng, thời gian gần đây, kết luận hội nghị Trung ương 3 kết luận tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước như là một trọng tâm. Hội nghị Trung ương 6 nói phải thu hẹp phạm vi hoạt động của doanh nghiệp nhà nước nhưng vai trò của doanh nghiệp nhà nước chưa thấy thay đổi. 

Doanh nghiệp nhà nước còn chiếm vị trí độc quyền, chi phối nhiều ngành nghề của nền kinh tế, chính điểm này đã gây độc quyền và hạn chế cạnh tranh. 

“Chúng ta vẫn tuyên bố doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, là công cụ để nhà nước điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô... là sai về nguyên lý kinh tế thị trường.

Chúng ta chưa thay đổi mặc dù gần đây Chính phủ đã mạnh mẽ, Thủ tướng muốn tái cơ cấu trọng tâm là cổ phần hóa. Chúng ta cũng tuyên bố thoái vốn ngoài ngành nhưng thực tế nhiều người còn nghi ngại.

Chúng ta muốn bán cái xấu nhất, kém nhất với giá cao nhất. Bán dưới giá trị sổ sách, ai chịu trách nhiệm về sự thua lỗ? Chúng ta luôn luôn phải tìm được một ông nào đó để chịu trách nhiệm mới được làm. Nếu nói vậy, tốt nhất là gói nó ở đấy chứ không nên làm”, TS Nguyễn Đình Cung nói.

Doanh nghiệp nhà nước còn chiếm vị trí độc quyền, chi phối nhiều ngành nghề của nền kinh tế, chính điểm này đã gây độc quyền và hạn chế cạnh tranh.

TS Nguyễn Đình Cung đặt câu hỏi về việc bán doanh nghiệp nhà nước yếu kém cho ai. Ông đặt ra các giả thiết, bán cho người nước ngoài, bán cho doanh nghiệp tư nhân trong nước hoặc xử lý nội bộ.

Sau đó chính ông phân tích, việc bán cho doanh nghiệp tư nhân trong nước thời điểm này không khả thi vì hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều trong tình trạng khó khăn do đợt khủng hoảng tài chính vừa qua, bị sa lầy và dính vào thị trường bất động sản. Còn bán cho doanh nghiệp nước ngoài sẽ phải cân nhắc bao nhiêu là vừa, bán với giá nào, định giá thế nào cân bằng, không rẻ, không đắt, không mất tài sản nhà nước.

Đôn đốc thực hiện cổ phần hóa

Trong khi đó, sáng 28/3, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương đã tiến hành cuộc họp nhằm đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong 3 tháng đầu năm 2014, đồng thời đôn đốc việc thực hiện các phương án tái cơ cấu các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước nhằm đảm bảo tiến độ cổ phần hóa, giảm, thoái vốn nhà nước.

Tại đây, đại diện Ban Chỉ đạo cho biết, các bộ ngành và địa phương đã đẩy nhanh tiến độ, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ đặt ra.

Cụ thể như Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục là cơ quan triển khai hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước khi đã có 9 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, trong đó phần lớn đạt kết quả cao.

Hải Phòng và TPHCM là hai địa phương cũng có nhiều bước tiến. Riêng TPHCM mới đây đã yêu cầu lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước ký cam kết cổ phần hóa từ nay đến hết năm 2015.

Tuy nhiên, Thủ đô Hà Nội, nơi có hơn 40 doanh nghiệp nhà nước (chiếm tới 10% tổng số doanh nghiệp nhà nước của cả nước) từ nay đến năm 2015 phải hoàn thành cổ phần hóa thì chưa có nhiều động thái thực hiện. Hiện, địa phương này vẫn đang rà soát, sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước.

Đánh giá về kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước từ đầu năm đến nay, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng tiến trình này đang diễn ra mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực.

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo