Góc nhìn

TS Phạm Sỹ Liêm: “Không cần thiết phải thành lập Ngân hàng tiết kiệm nhà ở”

"NHNN cũng như các NHTM đã có nhiều chương trình tín dụng cho vay mua nhà và các gói tín dụng hướng tới việc kích cầu cho thị trường bất động sản (BĐS). Vì vậy, tôi nghĩ việc thành lập Ngân hàng tiết kiệm nhà ở là điều không cần thiết”.

TS. Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Đó là chia sẻ của TS. Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng với phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam nhân dịp đầu xuân năm mới về đề án thành lập Ngân hàng tiết kiệm nhà ở vừa được Bộ Xây dựng đưa ra.

 
PV: Vừa qua Bộ Xây dựng đưa ra đề án thành lập Ngân hàng tiết kiệm nhà ở, ông đánh giá như thế nào về đề án này?
 
TS. Phạm Sỹ Liêm: Về mục đích được Bộ Xây dựng đưa ra là hoàn toàn chính đáng. Ngân hàng Tiết kiệm nhà ở là mô hình ngân hàng nhận tiền gửi và cho vay trong lĩnh vực nhà ở đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Bộ Xây dựng hy vọng ngân hàng này ra đời sẽ huy động được lượng tiền nhàn rỗi của người dân để cho vay phát triển nhà ở. Và có thể coi đây là một trong những chính sách nhằm tác động vào thị trường BĐS hiện nay.
 
Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam đã có quá nhiều ngân hàng trong đó có nhiều ngân hàng hoạt động yếu kém cần phải tái cấu trúc. Và Ngân hàng nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại cũng đã có nhiều chương trình tín dụng cho vay mua nhà và các gói tín dụng hướng tới việc kích cầu cho thị trường bất động sản (BĐS). Vì vậy, tôi nghĩ việc thành lập Ngân hàng tiết kiệm nhà ở là điều không cần thiết. 
 
PV: Thưa ông, theo như Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết mô hình này được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công và trong điều kiện thị trường BĐS như hiện nay thì đây có thể coi là một chính sách kích cầu?
 
TS. Phạm Sỹ Liêm: Mô hình tiết kiệm nhà ở này được nước Đức áp dụng từ lâu, tuy nhiên mô hình này ở Đức chỉ thích hợp cho tầng lớp có thu nhập cao và trung bình, còn ở Việt Nam hiện nay chúng ta đang hướng đến tầng lớp những người có thu nhập thấp, với lại điều kiện nền kinh tế của Đức cũng như các nước châu Âu hoàn toàn khác với Việt Nam nên không thể bê nguyên mô hình của nước này áp dụng cho nước khác, vì vậy giải thích này của Bộ Xây dựng là không thích hợp.
 
Và nếu thành lập Ngân hàng tiết kiệm nhà ở thì đây phải là một kế hoạch phát triển nhà ở lâu dài, vì để một ngân hàng đi vào hoạt động và hoạt động có hiệu quả thì phải mất một thời gian để phát triển nó. Như vậy nếu coi đây là chính sách giải quyết khó khăn, kích cầu cho thị trường BĐS là không đúng, vì “nước xa không cứu được lửa gần”.
 
PV: Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của đề án này?
 
TS. Phạm Sỹ Liêm: Ý tưởng đề xuất thì rất tốt, nhưng triển khai thực hiện như thế nào là một vấn đề. Theo tôi, đã là ngân hàng thì phải có lợi nhuận mà đã chạy đua theo lợi nhuận thì mục đích tốt đẹp ban đầu rất dễ bị lệch hướng. Nếu không quản lý tốt rất có thể nó chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người có điều kiện trong khi người dân có nhu cầu thật, người thu nhập thấp lại không đến tay. Nếu Ngân hàng tiết kiệm nhà ở được thành lập người được hưởng lợi nhiều nhất phải là người dân có nhu cầu mua nhà chính đáng. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải tìm ra các kênh huy động vốn riêng biệt cho phát triển nhà ở nói riêng và BĐS nói chung nhằm giảm áp lực cho các tổ chức tín dụng. 
 
Tuy nhiên, tôi vẫn có một quan điểm là không nên thành lập thêm ngân hàng vì hiện nay chúng ta đã có gần 50 ngân hàng trong nước và hơn 200 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tín dụng khác. Những tổ chức tín dụng này họ cũng đã tìm mọi cách để khai thác nguồn tiền trong dân và trong BĐS. Thay vào đó nên tập trung vào các chính sách hộ trợ nhà ở khác để thực hiện một cách có chất lượng hơn, vì thời gian qua Bộ đã đưa ra nhiều chính sách nhưng thực hiện chưa hiệu quả. Ngoài ra gần đây Ngân hàng Xây Dựng mới được thành lập mà còn hoạt động chưa đến đâu thì việc thành lập thêm một ngân hàng mới liệu có khả thi.
 
PV: Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông, nhân dịp năm mới xin chúc ông một năm mới dồi dào sức khỏe.
 
Như Trâm (Thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo