TS Phạm Sỹ Liêm: “Mua chung cư 70 năm thà đi thuê nhà dài hạn”
“Tuổi thọ của chung cư liệu có được 70 năm và trong 70 năm ấy chung cư này có còn phù hợp khi xã hội ngày càng phát triển? Chưa kể đến quá trình mua bán, trao đổi, cải tạo, sửa chữa sau này sẽ nảy sinh nhiều bất cập. Vì vậy, theo tôi nếu mua chung cư 70 năm thà đi thuê nhà dài hạn còn hơn”.
Đó là nhận định của TS. Phạm Sỹ Liêm – Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng về quy định sở hữu chung cư là 70 năm
Dự thảo Luật Nhà ở đang khiến nhiều doanh nghiệp và người dân lo âu thấp thỏm khi đưa ra quy định thời hạn sở hữu chung cư là 70 năm, ông đánh giá như thế nào về quy định này?
TS. Phạm Sỹ Liêm: Mục đích của Bộ Xây dựng khi đưa ra phương án về thời hạn sở hữu chung cư là nhằm kéo giá căn hộ chung cư xuống gần hơn người dân có thu nhập thấp.
Về mục đích của chính sách là tốt, tuy nhiên bản thân quy định này cũng tồn tại nhiều bất cập, mâu thuẫn. Mặc dù Việt Nam diện tích đất cũng không phải ít nhưng dân số cũng rất đông. Vì vậy, nếu áp dụng quy định này thì nghe qua có vẻ sẽ không khuyến khích người dân ở chung cư. Điều này trái ngược với các nước phát triển ở gần chúng ta như Singapore, Nhật Bản…
Thứ hai, người dân và doanh nghiệp không yên tâm cũng đúng, nếu là tôi thì tôi cũng sẽ chọn mua nhà đất hoặc biệt thự vì tôi không phải lo thời hạn, tôi có thể để lại cho con cháu. Vì vậy, khi áp dụng quy định này sẽ rẻ hơn vì theo quy luật, theo tâm lý chung người ta sẽ tìm đến nhà đất.
Thứ ba là tuổi thọ của chung cư liệu có được 70 năm và trong 70 năm ấy chung cư này có còn phù hợp khi xã hội ngày càng phát triển. Chưa kể đến quá trình mua bán, trao đổi, cải tạo, sửa chữa sau này sẽ nảy sinh nhiều bất cập. Vì vậy, theo tôi nếu mua chung cư 70 năm thà đi thuê nhà dài hạn còn hơn.
Theo ông, việc đưa ra quy định sở hữu nhà chung cư 70 năm sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá chung cư?
TS. Phạm Sỹ Liêm: Tất nhiên là giá chung cư sẽ rẻ hơn nhưng chưa chắc đã có nhiều người mua. Nếu coi đây là biện pháp kích cầu thị trường thì hoàn toàn không đúng. Vì khi người dân đã bỏ tiền ra mua thì nghĩa là căn hộ đó đã thuộc sở hữu của người mua tại sao lại còn phụ thuộc vào thời hạn thuê đất của CĐT. Trong khi CĐT bán xong nhà thì họ phủi trách nhiệm.
Về phía người mua nhà, sau khi mua ở được một thời gian họ có điều kiện mua nhà mới hoặc chuyển đi chỗ khác và muốn bán lại căn hộ này thì ai còn muốn mua. Có thể nói chính quy định này đã đẩy người mua nhà đến sự lựa chọn nhà đất và biệt thự. Vì vây, giá chung cư có giảm cũng không ai mặn mà, không khuyến khích sức mua. Điều này sẽ gây khó khăn cho các CĐT hiện tại, đặc biệt là các CĐT có dự án đã xây hoặc đang xây.
Trong dự thảo Luật Nhà ở mới cũng quy định: Đối với trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc có quyền sử dụng đất hợp pháp mà xây dựng nhà chung cư thì sở hữu nhà chung cư là không có thời hạn, điều này có mâu thuẫn với quy định về thời hạn sở hữu chung cư 70 năm không thưa ông?
TS. Phạm Sỹ Liêm: Hai trường hợp này cùng trong một quy định nhưng mâu thuẫn nhau, nó sẽ tạo ra hai chế độ khác nhau. Chính điều này sẽ tạo ra sự phân biệt trên thị trường chung cư, những chung cư được xây dựng trên đất thuê sẽ phải có thời hạn sở hữu và sẽ ít người mua, đồng nghĩa giá của loại chung cư này sẽ rẻ. Và ngược lại người ta sẽ đổ xô đi tìm những chung cư vô thời hạn, vô tình sẽ đẩy giá loại chung cư này lên cao.
Tóm lại tôi cho rằng quy định này còn nhiều điều bất cập và không phù hợp, cần xem xét lại hoặc giải thích rõ hơn các điều kiện khi áp dụng và bổ sung một số điều khoản kèm theo thì sẽ hợp lý hơn.
Như Trâm (Thực hiện)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo