Góc nhìn

TS. Trần Đình Thiên: Chấp nhận trả giá để nền kinh tế hanh thông

Đóng góp tham luận tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân 2014, Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng thành tích GDP của năm 2013 và đầu năm 2014 tuy có dấu hiệu tích cực nhưng vẫn còn mong manh và vấn đề cấp bách nhất năm 2014 là phải tập trung vào lo sức khỏe cho nền kinh tế.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Tăng trưởng kinh tế còn “mong manh” 

Nhận định kinh tế năm 2013, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Đã có nhiều dấu hiệu tích cực, GDP tăng 5,42%, cao hơn năm trước, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhất trong nhiều năm, cán cân thương mại thặng dư… Tuy nhiên, triển vọng phục hồi kinh tế trong nước vẫn còn khá mong manh.

Ông Thiên cho rằng: Năm 2013, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng 5,42 % chủ yếu do xuất nhập khẩu đều tăng vượt kế hoạch (15,4% và 16,1%) xuất siêu nhưng tăng trưởng xuất nhập khẩu lại chủ yếu ở khu vực FDI. 

Quý I/2014, vẫn tiếp tục xu hướng của năm 2013. Điều này chứng tỏ tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào vốn nhưng nó cũng làm cho nền kinh tế bộc lộ rõ điểm yếu chính là vốn.

CPI năm 2013 là 6,04%, thấp hơn dự kiến, phá vỡ quy luật “2 lên 1 xuống” của 6 năm trước. 

CPI qúy I/2014 tiếp tục hạ thấp, thấp nhất trong vòng 13 năm nhưng đây là dấu hiệu đáng lo ngại hơn đáng mừng vì nó chứng tỏ nền kinh tế không đủ nhiệt để phát triển và cũng liên quan đến ách tách lưu thông vốn.

Bên cạnh đó, nợ xấu và nợ công vẫn chung vấn đề do quan niệm không rõ rằng, khác thông lệ quốc tế; số liệu khác nhau, không rõ rằng, thiếu chuẩn đo lường thống nhất; quy mô nợ lớn, xu hướng tăng mạnh; có ảnh hưởng trực tiếp tới sức sống của nền kinh tế nhưng lại bị đánh giá thấp hơn thực tế, không căn cứ thực tế sức khỏe của nền kinh tế, của ngân sách nhà nước và của doanh nghiệp.

Khu vực doanh nghiệp trong nước yếu đi, cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Sự yếu đi này là do lâu nay Việt Nam vẫn quen với mô hình tăng trưởng nhờ vốn, khi thắt chặt tiền tệ, vốn giảm đi, tất cả những nhước điểm sẽ bộc lộ ra: nợ xấu, năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh không còn. Do vậy, chúng ta cần nhận diện được thực lực của nền kinh tế.

“Quý I/2014 tiếp tục cho thấy nền kinh tế vẫn tiếp tục phải trả giá, chưa phục hồi hoàn toàn, và nếu căn bệnh cơ cấu còn nặng, nền kinh tế chỉ có thể thoát khỏi sự trì trệ khi tái cơ cấu nhưng đó là một quá trình không hề đơn giản và kéo dài”, ông Thiên nói.

Giải quyết nợ xấu cần “tiền tươi, thóc thật”

Theo TS. Trần Đình Thiên, để có thể phục hồi nền kinh tế và duy trì ổn định vĩ mô thì phải “trả giá” đồng thời cần có  cách tiếp cận mới đến tái cơ cấu, thoát khỏi căn bệnh thành tích, giải quyết triệt để nợ xấu, hướng tới phục hồi sức khỏe cho doanh nghiệp nội địa…

"Giải pháp cấp bách nhất hiện nay là cần thiết lập trục tái cơ cấu theo logic phân bổ nguồn lực và quản trị sử dụng nguồn lực dựa chủ yếu vào cạnh tranh bình đẳng, tự do và qua hệ thống giá cả thiết lập trên cơ sở cạnh tranh tự do theo giá thị trường", ông Thiên nhấn mạnh.

Ví dụ cụ thể được đưa ra: Một doanh nghiệp nhà nước trước đây mua một cổ phiếu giá 100.000 đồng nhưng hiện nay theo giá thị trường cổ phiếu đó chỉ còn 10.000 đồng thì vẫn phải bán theo giá thị trường còn hơn là giữ lại làm cho dòng tiền không thể lưu thông được.

Bày tỏ ra lo ngại trước con số nợ xấu 9,7% (bao gồm cả cơ cấu lại đến cuối tháng 2/2014) trong khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) không theo đúng định hướng, ông Thiên cho rằng: cần phải đẩy mạnh giải tỏa nợ xấu, đồng thời phải giảm nợ công vì nợ công gắn liền với nợ xấu.

Giải pháp quyết liệt nhất chính là giả tỏa nợ xấu bằng tiền mặt. Ông Thiên cho rằng vấn đề nợ xấu hiện nay như một họng vít cài vào bên ngoài cái vít, chỉ cần bào mòn từng ít một, cuối cùng tạo ra một áp lực đẩy để đánh bay nó đi chứ không nhất thiết (và cũng không thể) đánh tan ngay được.

Áp lực đó phải đến từ “tiền tươi, thóc thật” như bán tài sản nhà nước, giá thị trường đáng giá 10% thì mua 10%, 20% thì mua 20%... chứ không thể mua theo kiểu định giá hành chính và phải giải quyết tận gốc.

Ngoài ra, cũng có thể vay tiền quốc tế để giải quyết nợ xấu. “Giá để trả cho tiền vay có thể còn rẻ hơn việc để cho nền kinh tế suy nhược, các doanh nghiệp ốm yếu. Vì vậy, trọng tâm năm nay phải tập trung vào lo sức khỏe cho nền kinh tế”, ông Thiên nói thêm.

Bên cạnh đó, ông Thiên cũng nhấn mạnh: phải không để tắc nghẽn vĩ mô, ưu tiên tối đa cho nhiệm vụ tái cơ cấu, phải có tư duy triệt để cho những giải pháp đột phá.

Theo Bizlive
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo