Góc nhìn

TS Trần Du Lịch chỉ rõ ba điểm “cốt tử” của nông nghiệp Việt Nam

“Tôi xin nói lại, vấn đề bài toán nông nghiệp của Việt Nam không chỉ là vấn đề của Bộ Nông nghiệp mà nó nằm ngoài Bộ Nông nghiệp rất lớn. Tôi rất chia sẻ với Bộ Nông nghiệp không thể nào giải quyết nếu như chúng ta không có chính sách phát triển ngành công nghiệp chế biến”.

Theo TS Trần Du Lịch, nền nông nghiệp nước ta với tất cả những phát triển vừa qua có vị trí, vai trò quyết định về tạo sự phát triển đất nước và tạo sự phát triển bền vững, ổn định chính trị, kinh tế - xã hội. Tuy nhiên ai cũng thấy rằng hiện nay nông nghiệp nước ta đang đứng trước thử thách rất lớn mà nguy cơ là chững lại và từ một động lực mạnh trở thành một vấn đề liên quan đến bài toán phát triển đất nước. Vấn đề ở đâu? Tôi xin nêu một số ý như sau: Chúng ta phải thừa nhận rằng với chính sách của Đảng, nhà nước trong mấy chục năm qua, chúng ta không thể phủ nhận là rất tập trung chính sách để phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát huy vai trò đặc biệt nông nghiệp. Tuy nhiên, giữa nỗ lực đó với hiệu quả mang lại chúng tôi cho rằng chưa tương xứng, lý do có 3 vấn đề lớn tôi xin nêu và kèm theo chính sách để Quốc hội xem xét:

TS. Trần Du Lịch

Vấn đề lớn thứ nhất, liên quan đến phát triển nông nghiệp là làm sao để đưa khoa học công nghệ đi vào sản xuất, đưa thị trường, quan hệ thị trường đi vào mô hình tổ chức sản xuất. Ai cũng biết, tôi không phải nhà nông học nhưng tôi đọc cũng biết rằng muốn phát triển trồng trọt quyết định là khâu giống, muốn phát triển chăn nuôi quyết định là thức ăn. Tôi nhớ năm 1981 khi dược sĩ Ti-cô-lốp sang ta nghiên cứu về chăn nuôi Việt Nam nói một câu rất hài hước: "Nuôi lợn muốn lấy thịt thì phải cho ăn ngô, muốn lấy phân thì cho ăn bèo hoa dâu. Không biết Việt Nam nuôi lợn để lấy thịt hay lấy phân?" đây là một vấn đề mà bây giờ vẫn hiện thực. Tại sao vấn đề trồng trọt quyết định là giống?
 
Thập niên 50 Ấn Độ nổi tiếng một cuộc cách mạng xanh thực chất là đưa phân vô cơ, nhưng không là gì so với thời đại ngày nay đưa vấn đề công nghệ sinh học vào giống. Chúng ta cứ nhìn giống của Việt Nam và Thái Lan chúng ta thấy tụt hậu cỡ nào, trong này có vấn đề trồng trọt. Về chăn nuôi chúng ta thấy rằng thức ăn gia súc bây giờ chúng ta kiểm soát đến đâu hay bỏ ngỏ thị trường và chúng ta không tập trung sản xuất để phát triển nắm chắc về thức ăn gia súc. Đây là hai vấn đề tôi cho rằng rất trở ngại, nếu không có chính sách mạnh để giải quyết hai bài toán này thì chúng ta không thể tái cơ cấu về nông nghiệp phát triển bền vững trong hội nhập.
 
Vấn đề thứ hai, trở ngại của phát triển nông nghiệp, tôi nhiều lần bàn với các đồng chí nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cho rằng trở ngại của ta là phương thức tổ chức sản xuất. Kinh tế hộ đã là chiếc đũa thần để quyết bài toán về nông nghiệp của ta nhưng đã đến đỉnh. Ở đây có nhiều vấn đề nhưng có 2 vấn đề xin kiến nghị lại:
 
Vấn đề quy mô sản xuất, tại kỳ họp Quốc hội khóa XII khi bàn về thuế nông nghiệp, tôi có đề nghị mô hình chúng ta nên chọn mô hình mở rộng các trang trại theo hình thức là chủ trang trại thuê đất của nông dân nhiều hơn là tích tụ sở hữu đất. Đây là mô hình Bắc Âu và chúng tôi có đề xuất là nếu như anh thuê đất nông dân thì tôi miễn thuế hoàn toàn và khuyến khích, còn nếu anh mua đất chuyển nhượng để tích tụ là chúng tôi đánh thuế, lần sau người nông dân có thể chuyển từ người làm chủ miếng đất nhỏ trở thành người làm thuê nhưng vẫn là người chủ của miếng đất đang có. Đây là mô hình rất thành công và tôi biết Bắc Âu 70% các trang trại lớn đều thuê đất của nông dân với chính sách khuyến khích nhà nước. Đây là mô hình phát triển rất ổn định, tôi xin kiến nghị lại nhưng lần trước tôi kiến nghị không được quan tâm.
 
Mặc dù nông nghiệp được nhà nước đặc biệt quan tâm nhưng hiệu quả là chưa tương xứng
 
Vấn đề thứ hai, liên quan đến mô hình này, tôi cho rằng để giải quyết bài toán tín dụng và thị trường nông dân, vai trò của chính quyền rất quan trọng, ở đây tập hợp làm sao địa bàn nào mà chúng ta tìm được giao nông dân mà nông thôn gọi là lão nông chi điền, những người vui tính, những con sếu đầu đàn đứng lên tập hợp lực lượng thì chúng ta có thể tổ chức mô hình tín dụng như Băng-la-đét mà các nước đã làm để giải quyết bài toán tín dụng và giải quyết bài toán thị trường, chúng ta không thể khuyến khích chung được, có nhiều mô hình thực tế chúng ta thực hiện được. Đó là mô hình thứ hai.
 
Vấn đề thứ ba, liên quan đến chế biến nông sản, vấn đề này là trong đề án Chính phủ nêu rất rõ nông nghiệp Việt Nam đời sống nông dân không thể cải thiện nếu như chúng ta không nâng được giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Tại tháng 5 vừa rồi khi bàn về thuế, tôi có đề nghị chúng ta có ưu đãi hoàn toàn cho tất cả nhà máy chế biến nông sản dùng 100% nguyên liệu trong nước để nâng giá trị gia tăng tăng lên nhưng không được Quốc hội chấp nhận. Tôi xin nhắc lại đây là con đường phải làm để chúng ta phát triển ngành công nghiệp chế biến về nông sản. Đây là vấn đề nằm ngoài khả năng của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp mà là trách nhiệm về chính sách và phát triển. Nếu như chúng ta không làm việc này, không hình thành những cứ điểm sản xuất trong nông nghiệp, không tạo điều kiện thì nông dân không thể làm giàu, không thể sống bằng nghề nông nghiệp được nếu như giá trị gia tăng không tăng.
 
Tôi xin nói lại, vấn đề bài toán nông nghiệp của Việt Nam không chỉ là vấn đề của Bộ Nông nghiệp mà nó nằm ngoài Bộ Nông nghiệp rất lớn. Tôi rất chia sẻ với Bộ Nông nghiệp không thể nào giải quyết nếu như chúng ta không có chính sách phát triển ngành công nghiệp chế biến. Tôi xin kiến nghị trở lại phải ưu đãi để làm sao các nhà máy chế biến nông sản trong nước được hưởng ưu đãi 100% nội địa hóa để nâng dần, dĩ nhiên ưu đãi này có thời hạn chứ không vĩnh viễn và tạo sự đột phá về công nghiệp chế biến, hình thành những cứ điểm nông - công nghiệp, đó là con đường để giải quyết bài toán nông nghiệp.
 
Anh Dũng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo