Doanh nhân

Từ "cô bé bán xôi" đến du học sinh xuất sắc Australia

Mấy năm trước, tôi biết Đặng Thị Hương qua thầy giáo dạy Văn hồi phổ thông. Thầy là bạn của Giám đốc trung tâm nơi Hương học nghề và làm việc, thế rồi Hương thân thiết với gia đình thầy như con cháu trong nhà. Bẵng đi mấy năm, đến một ngày tôi thấy truyền thông đưa tin, cô bé "Hương ô-sin", bán xôi vỉa hè năm nào giờ đã trở thành một trong những du học sinh xuất sắc.

 

 Từ "cô bé bán xôi", Đặng Thị Hương đã vươn lên thành một sinh viên quốc tế xuất sắc. 

 

Lựa chọn nghiệt ngã tuổi 13

 

Đặng Thị Hương sinh năm 1986 ở vùng quê mà người ta vẫn dùng câu "chó ăn đá, gà ăn sỏi" để nói về sự nghèo khó - huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

 

Ba anh em Hương lớn lên, ăn học chỉ với bàn tay mẹ lo toan. Gánh nặng oằn vai, bà mẹ nghèo nuốt nước mắt tính chuyện phải để một đứa nghỉ học. Cả anh trai, em gái đều yếu, đau ốm liên miên, nên đứa phải nghỉ học đỡ đần mẹ chỉ có thể là Hương. Nhưng cô bé 12 tuổi vẫn đêm đêm thủ thỉ với mẹ về ước mơ làm cô giáo dạy văn, hy vọng mẹ sẽ đổi ý, để được tiếp tục đến trường.

 

Rồi nhìn mẹ ngày càng gầy guộc, xanh xao; nhìn anh trai, em gái loẻo khoẻo, ốm yếu, Hương hiểu, hoặc là một mình mình phải nghỉ học, hoặc là cả anh trai và em gái cùng phải nghỉ học. Chấp nhận thiệt thòi, Hương mong những ngày còn được đi học trôi qua thật chậm. Biết đâu, sẽ có một điều kỳ diệu xảy đến với mình.

 

Nhà Hương, mỗi mùa mưa là bốn mẹ con lại có những ngày chui xuống gậm giường, vừa gò lưng dưới ấy, vừa sợ nhà đổ sập. Mẹ Hương bươn chải, vay mượn, chạy vạy mãi mới xây được... nửa cái nhà (nửa dưới tường gạch, nửa trên vẫn là vách bùn trộn rơm rạ). Cái nhà dột nát bao năm, nhưng đến mùa mưa ấy, giấc mơ về một-mái-nhà-không-mưa-nắng đối với Hương lại càng xa vời hơn bao giờ hết...

 

Thế rồi, Hương cũng chính thức phải nghỉ học, theo mẹ ra đồng, một nắng hai sương với đường cày, gốc rạ. Hai mẹ con quần quật từ mờ sáng đến tối mịt. Biến cố thứ hai ở tuổi 13 của Hương xảy đến khi nhận tin mẹ bị suy thận. Nhìn ngôi nhà rách, nhìn mẹ ốm nặng nằm bẹp một chỗ, nhìn anh, nhìn em... cô bé xin mẹ cho xuống Hà Nội làm ô-sin.

 

Bươn chải chốn phồn hoa

 

Được nhận vào làm cho một nhà khá giả, công việc của cô bé là trông trẻ. Mỗi tháng 150 nghìn đồng tiền công, Hương gửi cả về quê lo thuốc thang cho mẹ. Một đứa trẻ ở quê ra, từ vật dụng trong nhà đến nết ăn ở của người Hà Nội còn đầy lạ lẫm, chịu đựng bị mắng mỏ, chì chiết không ít. Năm năm "lăn" hết nhà này đến nhà khác, khi làm người giúp việc, lúc bán hàng thuê.

 

Thời gian "trôi dạt" đó, Hương phải tiếp xúc với đủ loại người tốt, xấu. Cuộc sống của cô gái mới lớn loe ra phải được phủ đầy mầu hồng. Nhưng không, Hương ít nói, ít cười và gần như là trầm cảm. Khi ấy, khao khát được học trong Hương bùng dậy. Hương xin đi học lớp 8 ở Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Cầu Giấy vào buổi tối. Cô vẫn cố gắng xong việc nhà chủ rồi mới đến trường, nhà chủ cũng đồng ý cho Hương đi học. Thế nhưng chỉ vài ngày sau, cô bị chủ nhà cho thôi việc.

 

Thất vọng, nhưng cô lại nhen nhóm lên những hy vọng mới. "Chỉ có học mới thoát được cái kiếp con sen ở đợ!". Không còn chốn ăn, ở nhưng vẫn quyết tâm bám trụ lại ở Hà Nội, cô gái 18 tuổi tìm đến khu trọ giá rẻ của người lao động nghèo. Mỗi người một, hai nghìn đồng trả cho chủ nhà, để mỗi đêm có chỗ nằm úp thìa vào nhau. Tạm bợ, rẻ mạt là thế mà Hương cũng chẳng thể... theo. Cô xin chủ nhà cho được ngủ dưới gầm cầu thang cọt kẹt - cái xó chỉ đủ để kê chiếc giường đơn gãy mất hai chân. Mỗi đêm hai tiếng ngủ sau cả ngày vắt kiệt sức vẫn chẳng thể tròn. Toàn những người lao động chân tay nên mỗi bước lên cầu thang của họ là bụi bay đầy đầu tóc, mặt mũi.

 

Đêm ngủ gầm cầu thang, sáng dậy từ 2 giờ, thổi xôi mang bán. Vét túi được 50 nghìn đồng, cộng với 150 nghìn đồng một người bạn của anh trai cho vay. Vốn "buôn bán" khởi nghiệp của Hương đấy! Nhưng, bằng ấy tiền cũng không đủ để Hương sắm xoong nồi. Chị chủ nhà thương, cho mượn cái nồi vẫn nấu cơm. Thế là thay vì nấu một mẻ xôi, Hương phải nấu đến ba, bốn nồi mới đủ để bỏ vào cái thúng khảo cắp, đến cổng trường tiểu học ngồi bán. Thúng xôi vừa hết là chạy đi dọn nhà thuê, rồi chiều đi bán bánh các loại. Tối học xong, sách vở vừa cất đã lại đội thúng bánh mì đi bán cho đến tận khuya.

 

Chinh phục ước mơ

 

Cuộc sống của Hương "cứ quay tít mù như chong chóng trước gió", việc học hành cũng phải gác lại. Năm 20 tuổi, Hương nghe đến Koto - một doanh nghiệp chuyên đào tạo nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn cho trẻ đường phố. Hương dự thi, chỉ với mong muốn có được một nơi tạm ổn để hoàn thành chương trình học phổ thông.

 

Gần mười năm va vấp với cuộc đời đã lấy đi tất cả những hồn nhiên cũng như niềm tin của Hương. Cô vào Koto với tâm thế của một người tự ti. Cô tự dựng lên một hàng rào vô hình giữa bản thân với mọi người. Cô không nói chuyện và luôn tránh mặt. Jimmy Phạm - người đứng đầu trung tâm - dễ dàng nhận ra những vấn đề đó nơi Hương. Ông gợi chuyện, lắng nghe những tâm sự nhát gừng của Hương. Cuộc trò chuyện ấy đã ươm lại mầm niềm tin trong cô gái trẻ. Hương hồi tưởng: "Từ ngày xuống Hà Nội, đó là lần đầu tiên có một cánh cửa không đóng sầm lại trước mặt mình".

 

Từ đó, cô bắt đầu mở lòng với cuộc đời. Cô được học văn hóa, học tiếng Anh, rồi vừa học nghề vừa làm việc ở khách sạn InterContinental Hà Nội. Sau 18 tháng học và làm việc ở đây, Hương dành trọn thời gian để làm nhân viên của Koto, giúp đỡ lại những đứa trẻ đường phố như mình. Hết ca làm việc, cô đi làm gia sư tiếng Anh. Đến năm 2011, Hương đột ngột nộp đơn du học ngành quản trị kinh doanh tại Học viện đào tạo nghề Box Hill củaAustralia. Và tin vui là cô đã giành được học bổng.
 

Sang đến mảnh đất ấy, ban đầu gọi điện về tâm sự với thầy tôi, Hương nói về những lo lắng, khó khăn khi phải hòa nhập với môi trường mới. Nhưng rồi rất nhanh, cô đã chia sẻ những niềm vui nho nhỏ: "Con đưa cả những phép tính với thúng gạo, con gà của mẹ ở quê vào bài học kinh tế ở trường thầy ạ! Ước mơ của con đã tạm gọi là được thực hiện, nhưng con còn muốn tìm hiểu về việc khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội, và giải pháp cho các vấn đề liên quan tới những bạn có hoàn cảnh khó khăn, lớn lên bên hè phố như con...". Mười năm trầm luân vật lộn, Hương đã viết nên một câu chuyện cổ tích đích thực cho chính mình...

 

Ngày 14/11/2013, cô sinh viên Đặng Thị Hương xuất thân là trẻ đường phố đã nhận cùng lúc hai giải thưởng: Sinh viên Quốc tế xuất sắc nhất năm 2013 của bang Victoria và sinh viên Quốc tế xuất sắc của năm bậc học tại bang Victoria do đích thân Thống đốc bang, ông Alex Chernov, trao tặng.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo