Doanh nhân

Tư lệnh cảnh sát biển: 'Đấu tranh chủ quyền trên cơ sở luật pháp quốc tế'

"Lực lượng chấp pháp Việt Nam đã góp tiếng nói bằng những hành động cụ thể để đấu tranh, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam", thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm nói.

 Sáng 1/6, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam đã đến động viên, tặng quà cho kiểm ngư và cảnh sát biển vừa từ thực địa cập cảng Đà Nẵng. Ông nói, việc làm trong suốt một tháng qua của lực lượng chấp pháp Việt Nam đã thể hiện lòng yêu nước bằng những hành động cụ thể, để bảo vệ quyền chủ quyền trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

DSC-3607-5505-1401622729.jpg

Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đông.

Ân cần bắt tay từng chiến sĩ cảnh sát biển sạm đen vì nắng gió Hoàng Sa, tướng Đạm cho hay hành động của cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam đang được nhân dân thế giới và trong nước ủng hộ. Khác với hành vi của Trung Quốc, ngay từ đầu Việt Nam đã sử dụng lực lượng chấp pháp bằng biện pháp hòa bình để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình đã được quốc tế công nhận.

"Chúng ta là lực lượng thực thi pháp luật, chỉ khi luật pháp được các bên tôn trọng thì chủ quyền vùng biển mới được toàn vẹn và ổn định vùng biển được lâu dài", tướng Đạm nói.

Theo ông, người dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều mong muốn phát triển tình hữu nghị một cách bền vững. Suốt một tháng qua, cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam luôn phải đối mặt với các tình huống khó lường. Dù tàu Trung Quốc luôn tạo ra những tình huống nguy hiểm nhưng các lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam vẫn bình tĩnh, kiềm chế. Việt Nam luôn hiểu rằng, chỉ có đấu tranh bằng pháp lý thì hòa bình mới bền vững, chỉ có tôn trọng pháp luật quốc tế thì biển Đông mới ổn định.

"Trung Quốc cho rằng cảnh sát biển Việt Nam đã đâm các tàu Trung Quốc hơn 500 lần, đó là những thông tin không đúng. Không có chuyện tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc. Là lực lượng chấp pháp, chúng ta đấu tranh bằng biện pháp pháp luật và không chấp nhận những biện pháp vượt quá mức 'bảo vệ' thông thường", tướng Đạm nói thêm.

Theo người đứng đầu ngành cảnh sát biển Việt Nam, giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam chính là hành động vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982, vi phạm thỏa thuận quốc tế, cụ thể là DOC mà Việt Nam cùng Trung Quốc và ASEAN quyết tâm xây dựng trong thời gian qua. Hành động bảo vệ pháp luật của cảnh sát biển và kiểm ngư trong thời gian qua chính là hành động có trách nhiệm, đề cao giá trị của Công ước Luật Biển năm 1982, vì Công ước này khuyến cáo các quốc gia giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trên biển bằng biển pháp hòa bình.

DSC-3576-1559-1401622729.jpg

Tướng Đạm ân cần bắt tay, động viên từng cảnh sát viên trên tàu 8003 vừa từ thực địa giàn khoan HD-981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép về Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

"Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt nam được công bố trên cơ sở Công ước Luật biển và trở thành quyền hợp pháp của Việt Nam. Lực lượng chấp pháp Việt Nam hoạt động trên biển là bảo vệ tính hợp pháp đó. Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều cơ chế hợp tác với nhau. Nhưng việc Trung Quốc đưa giàn khoan hạ đặt tại vùng biển chủ quyền Việt Nam là hành động đơn phương, tạo tiền lệ không tốt cho mối quan hệ hai nước", tướng Đạm nhấn mạnh.

Cũng theo tướng Đạm, vùng biển chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc hạ đặt giàn khoan liên quan rất lớn đến đường hàng hải quốc tế. Nếu có xung đột trên biển Đông sẽ ảnh hưởng đến an ninh an toàn hàng hải. Việc đấu tranh của Việt Nam không chỉ góp phần bảo vệ vững chắc quyền chủ quyền mà còn góp phần đảm bảo an ninh hàng hải quốc tế. Cảnh sát biển đang thể hiện trách nhiệm của một quốc gia có trách nhiệm.

Tướng Đạm bày tỏ sự quan ngại trước sự việc tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu cá ngư dân Việt Nam, gây lên những thiệt hại đáng tiếc, vi phạm những quy định về luật pháp quốc tế. Đặc biệt, hành động này của tàu cá Trung Quốc trong thời điểm biển Đông đang có những diễn biến phức tạp là nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng con người. Do đó, ngư dân Việt Nam đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa cần nâng cao cảnh giác, đoàn kết, tương trợ nhau.

"Nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam trên vùng biển chủ quyền không chỉ đảm bảo sự an toàn cho ngư dân Việt Nam mà cả ngư dân Trung Quốc hoạt động hợp pháp trên biển", tướng Đạm khẳng định và mong bà con tiếp tục ra khơi, trở thành những cột mốc chủ quyền trên biển Đông.

Vừa trở về từ Hoàng Sa, đại úy Nguyễn Huy Trung, Chính trị viên tàu cảnh sát biển 8003, thông tin phía Trung Quốc đã dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép 22 hải lý so với vị trí cũ, trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Các tàu chấp pháp Việt Nam nhận lệnh tiến sâu tiếp cận giàn khoan để tuyên truyền cho các tàu Trung Quốc rút ngay giàn khoan này về nước. Tuy nhiên tình hình ở thực địa vẫn đang căng thẳng.

Hai ngày qua, nhiều đoàn nhà báo quốc tế Anh, Mỹ, Nhật... đã đến nhà bà Huỳnh Thị Như Hoa (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) để tìm hiểu thông tin tàu cá ĐNa 90152 của bà bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm khi đang đánh bắt hợp pháp ở vùng biển Hoàng Sa (chủ quyền Việt Nam), cách giàn khoan HD 981 17 hải lý, hôm 26/5.

Những ngư dân là nhân chứng của vụ việc đã trả lời khách quan, trung thực việc bị nhiều tàu Trung Quốc uy hiếp, hai lần đâm chí mạng khiến tàu bị chìm, 10 ngư dân thoát chết trong gang tấc. Hiện chiếc tàu bị nạn đã lai dắt về Đà Nẵng và đang được trục vớt nguyên trạng, nhằm tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của phía Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam.  

 
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo