Tự sự 10 năm xây dựng cơ nghiệp của bóng hồng Tổng giám đốc Asia Dragon
Tại Việt Nam, hiếm có nhà công nghiệp nào dám đầu tư lớn vào ngành dây sợi tổng hợp cho hàng hải và nông nghiệp. Vậy mà Nguyễn Việt Hòa, người phụ nữ xinh đẹp, mảnh mai, có tiếng hát thật hay lại quyết định dấn thân vào lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao và rất khác biệt này.
10 năm theo đuổi giấc mơ, dây sợi tổng hợp của Rồng Á Châu (Asia Dragon) đã bay xa , chinh phục những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Úc, Canada, Brazil, Mexico…
Bạn bè doanh nhân vừa dự lễ kỷ niệm 10 năm của Rồng Á Châu ngay tại nhà máy ở KCN Tân Tạo do chính anh em công ty tổ chức, rất ngạc nhiên khi chị đưa chữ “Đẹp, Mạnh, Giàu” vào văn hóa công ty…, để có kỷ niệm 10 năm đẹp như vậy, chị và nhân viên của mình đã sống với chữ “đẹp” đó như thế nào?
Đẹp là mức độ cao hơn của chất lượng. Đẹp cả về nội dung lẫn hình thức, về mẫu mã, máy móc, nhà xưởng, con người… Khi tôi truyền thông cho anh em công nhân về từ Đẹp, mọi người đều thích thú và hưởng ứng, từ từ có thức rất tốt. Đẹp không chỉ ở công ty, mà đẹp cả khi về nhà. Khi cái đẹp thấm vào mỗi người, trở thành máu thịt rồi mới chinh phục được khách hàng nước ngoài, từ đó mới có khách hàng ổn định. Chính cái đẹp giúp cho mỗi người tự tin hơn, có động lực để làm việc
Với nội bộ, sự đoàn kết làm nên sức mạnh con người. Giàu đây là giàu về vật chất, về tình người, về văn hóa. Không chỉ làm cho thu nhập cho mọi người ngày một cao hơn, mà còn đóng góp cho xã hội, cho anh chị em trong công ty, và về quê của các bạn công nhân ấy làm thiện nguyện. Ba thông điệp ấy tôi đưa ra nhẹ nhàng lắm, chứ không áp lực nhiều về doanh số, nhưng lại là sức mạnh nội lực để đẩy doanh số lên.
Nguyễn Việt Hòa, Tổng giám đốc công ty dây sợi Rồng Á Châu.
Nhìn lại chặng đường 10 năm, cái được lớn nhất với Rồng Á Châu là gì?
Điều không nhìn thấy, nhưng lại là cái được lớn nhất, đó là tinh thần. Nhân viên bên cạnh mình chung thủy, khách hàng cũng chung thủy, nhận được thêm nhiều đề nghị hợp tác.
Mình phải xem xét, vì liên doanh phải thật sự có lợi mới làm, như liên doanh của Rồng Á Châu với Úc đã được 4 năm, phát triển rất tốt. Muốn vậy, chắc chắn chất lượng phải ổn định.
Thị trường lớn nhất là Mỹ, Úc, khi nói về Việt Nam chắc chắn họ biết về Rồng Á Châu. Nếu mình cứ tăng trưởng đều như vậy, chuyên sâu đúng ngành nghề, đạt chất lượng tốt thì không có gì lo lắng.
Nông nghiệp công nghệ cao đang phát triển mạnh tại thị trường nội địa, các đại gia cũng nhảy vào thị trường này, nhưng vì sao dây sợi cho nông nghiệp của Rồng Á Châu mới chỉ là… bán lẻ cho thị trường trong nước, còn chủ yếu vẫn là xuất khẩu?
Khi ký kết liên doanh với Úc, tôi đã làm hợp đồng rất kỹ, họ không được bán trong nước, và thị trường lớn sẽ chia nhau, ai đã có khách hàng thì bên kia không được chào nữa. Công ty họ lớn cả trăm năm, họ phải giữ uy tín. Chiến lược của tôi năm sau sẽ mở rộng thị trường trong nước. Hiện tại thị trường này vẫn thuộc về một số công ty nước ngoài, nhưng giá cả hơi cao. Tôi muốn quay lại để có giá tốt hơn cho thị trường ngư nghiệp, nông nghiệp của Việt Nam.
4 năm trở lại đây, đa số nông trại, công ty lớn đã biết đến dây sợi của Rồng Á Châu nhưng đúng chỉ là bán lẻ. Trang trại trồng chuối lớn của Vingroup, U&I đều dùng dây sợi của chúng tôi mỗi mùa mưa dông, để giữ cho cây không bị đổ. Sắp tới sẽ liên kết với các Hiệp hội nông nghiệp để đẩy mạnh hơn. Theo tiến độ phát triển nông nghiệp trong nhà kính, chắc chắn nông dân sẽ sử dụng nhiều hơn nguồn dây sợi.
Khi thành lập nhà máy, tôi nghĩ chỉ dành riêng cho xuất khẩu, vì lúc đó ở châu Á cũng ít nơi dùng. Chỉ những nước có nền nông nghiệp, ngư nghiệp lớn như châu Âu, New Zealand, Úc… mới cần đến sợi nông nghiệp tổng hợp. Tham quan nông trại các nước, thấy họ dùng dây sợi rất nhiều cho dưa chuột, bầu, bí, mướp, cà chua… tôi nghĩ Việt Nam trước sau sẽ dùng.
Chị Nguyễn Việt Hòa, người ngoài cùng bên trái trong lễ kỷ niệm 10 năm thành lập công ty. Ảnh nhân vật cung cấp.
Năm 2010 tôi bắt đầu làm việc với khu công nghệ cao TP.HCM, cung cấp sản phẩm mẫu cho họ làm “ chuột bạch”để trồng thử cà chua, chuối, nấm…từ đó tính toán ra độ bền, độ tải trọng cho từng loại dây theo đúng công nghệ của Israel. 3 năm nay chính phủ mình quay lại nông nghiệp sạch, đó là xu hướng bắt buộc.
Thời tiết Việt Nam thất thường, ban đêm nhiệt độ không ổn định, ảnh hưởng chất lượng cây trồng. Nhà nông phải nghiên cứu kỹ để tính toán dây sợi theo cùng phát triển của cây. Tôi vui vì không phải mình bán được hàng, mà vì bà con đã tiếp nhận cái mới rất nhanh, mua bán dây sợi không lãng phí.
Nổi tiếng là một hoa khôi ở đất cảng Hải Phòng, cơ duyên nào đã dẫn dắt một cô gái “ liễu yếu đào tơ” như chị trở thành một nhà công nghiệp trong ngành dây sợi?
Thời mới lớn, tôi là một cô gái cực kỳ lãng mạn, yêu thích thời trang, thích vẽ hình công chúa… 15-16 tuổi đã biết tự kiếm tiền bằng may đồ cho hàng xóm. 18 tuổi có một cửa tiệm thời trang ở Hải Phòng. Không bao giờ tôi nghĩ mình sẽ làm công nghiệp, vì tính tôi bay bướm lắm.
Vào Sài Gòn ban đầu cũng tính theo chị Minh Hạnh, anh Sĩ Hoàng học về thời trang, nhưng lại rẽ ngang sang làm du lịch, thư ký cho một công ty Hongkong, rồi chuyển qua làm cho tập đoàn xây dựng Daewoo… Chính tại tập đoàn này tôi đã học hỏi được sự sắp sếp khoa học, gọn gàng, sạch sẽ, nghiêm khắc.
Năm 1999, cơ duyên đưa đẩy tôi vào công ty Malaysia chuyên sản xuất dây thừng, đúng vào lúc công ty này đang trên bờ phá sản khi khủng hoảng kinh tế ập tới, buộc phải bán cho một người chủ khác.
Xuống nhà máy ở Tây Ninh năm 26 tuổi, cái khó ló cái khôn, tố chất lãnh đạo trong tôi trỗi dậy, tự làm, tự quyết hết. Được giao việc nên bao nhiêu khả năng trong mình tự nhiên xuất hiện, tự biết phải làm gì để vực dậy công ty.
Giống như chui vào rừng rậm vậy đó, bao nhiêu hoàn cảnh thúc đẩy mình phải tìm được khách hàng nước ngoài. Tôi nhớ mãi container đầu tiên xuất đi Mỹ năm 2000, đến Mỹ 2001, đúng lúc cậu con trai lớn ra đời.
Để có container hàng đầu tiên xuất sang Mỹ, tôi đã phải thức trắng nhiều đêm để mò vô internet, vì lúc ấy, cả công ty chỉ có một chiếc máy tính bàn. Ban ngày mọi người dùng máy tính mình không vào được, ban đêm mình lần tìm từng địa chỉ, tự gửi thư đi chào mời khách hàng.
Ngày đó mình khỏe, ngày ngủ có 3 tiếng, lại trông con nhỏ, sáng vào công ty điều đầu tiên là nhìn vào máy fax xem có khách hàng nào trả lời không?
Người ta nghe công ty phá sản cũng lo, mình phải cam kết rất nhiều. Ngay cả sản phẩm mình cũng lo hết, tự pha màu luôn. Tôi nhớ mãi đơn hàng đầu tiên họ đặt là màu xanh tuyết, anh em kỹ thuật không tài nào phối màu nổi. Mình phải tự pha, lấy màu xanh đá tỷ lệ cực ít pha với màu trắng ra được màu đó. Ngày xưa mình học hóa giỏi nhất lớp mà! Ngày đầu người ta chỉ mua sợi, sau đó sợi se, rồi ba năm sau mới mua thành phẩm.
Vì sao mất bao công sức để vực dậy một công ty đang phá sản, chị lại ra đi hai bàn tay trắng, để khởi nghiệp của riêng mình với Rồng Á Châu?
Năm 2001, công ty bắt đầu vực dậy, mọi thứ phát triển từ từ, 50% thị phần trong nước, 50% thị phần xuất khẩu. Nhưng đến 2006 thì ông chủ … không cho tôi làm nữa! Mình đâu biết lý do, có lẽ ông muốn trực tiếp quản lý. Tính mình sĩ diện, ngưng là ngưng. Bước chân ra về ngay lập tức nghĩ phải làm gì?
Hồi đó còn trẻ, ngay lập tức tôi mở công ty Blue Ocean, nghĩ chỉ làm thương mại thôi. Nhưng mấy công ty Việt Nam không chịu đầu tư, công ty cũ lại không bán hàng cho mình nữa. Mình bị chặn hết các nguồn, buộc phải mở Rồng Á Châu.
Công ty cũ sản xuất dây thừng, dây lưới, mình giữ đạo đức kinh doanh, không làm sản phẩm của công ty cũ, mà chọn ngành hàng hoàn toàn mới là dây sợi tổng hợp nông nghiệp và ngư nghiệp. Ngành hàng này trước đây tôi đã kiến nghị công ty cũ nên đầu tư, vì khách hàng hỏi rất nhiều, nhưng họ không làm vì tốn kém lắm.
Tôi quyết định mượn bố mẹ sổ đỏ hai căn nhà để thế chấp ngân hàng mua chiếc máy kéo sợi đầu tiên, giữ lại một chút “sau này có lỗ thì mẹ lấy tiền nuôi tụi nhỏ dùm con”. Nghĩa là chấp nhận một là thắng, hai là… mất sạch!
Nhiều đêm máy nó giật giật, nghe anh em báo qua điện thoại muốn đau tim luôn. Mình chạy xuống công ty máy lại ổn, anh em cứ nói máy nó sợ mình. Mình quyết định không nghe điện thoại ban đêm nữa, để anh em tự xử lý.
Làm sai cứ làm, mạo hiểm cũng cứ làm, nhờ thế mà máy nào mình cũng biết. Đi qua ngửi cái máy se sợi biết máy nào bệnh gì, chỗ nào kêu to nhất là chỉnh anh em liền. Để làm tốt phải phòng bệnh hơn chữa bệnh, không lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc.
Cứ thế, đầu tư tiếp 5 chiếc máy kéo sợi giá 282 ngàn USD/ chiếc. Từ nhỏ lớn lên, khi mặc đồ cũng thích mặc đồ đẹp, máy móc cũng phải mua từ châu Âu. Còn 5 máy se sợi mỗi máy từ 32 ngàn Euro đến 36 ngàn Euro…
Khách hàng đặt chạy mẫu, container đầu tiên xuất tháng 12/2006. Sang 2007 có lời, báo cáo thuế luôn. Ngay từ đầu tiêu chí sản xuất tinh gọn, sản xuất tới đâu xuất tới đó….
Nhớ lại ngày đầu tiên ấy, phải cám ơn đối tác ngân hàng ACB Chi nhánh Châu Văn Liêm đã bảo lãnh, nhà cung cấp Đan Mạch đã cho đơn hàng hơn 1 năm không tính lãi, và một khách hàng của Áo đã cho trả chậm.
Nhiều người nói tôi liều. Đó không phải sĩ diện, mà buộc phải làm, vì mình còn trẻ, còn con cái, có khả năng mà, liều thì phải liều thôi, chứ không phải để đấu đá. Bản năng thôi thúc mình phải làm thôi, may mắn khách hàng thương, chẳng biết từ đâu tiền nó ra nữa.
Năm 2007 công ty chị lại đối đầu với khủng hoảng kinh tế thế giới, khách hàng lớn nhất gặp khó khăn, giá thành nguyên liệu lại tăng, thời điểm đó tinh thần của chị “đao” xuống nhất?
Chắc cũng có, nhưng ngắn thôi. Khi mình đầu tư lớn như vậy rồi, mà khách hàng nói mình phải tìm đối tác khác vì quá khó khăn, tinh thần tôi xuống dữ lắm. Nhưng cái gì tới đã tới, phải biết cách làm cho nó qua nhanh. Nhìn tôi ai cũng nói thảnh thơi, nhưng thực sự lúc nào cũng nghĩ phải làm sao để hỗ trợ nhà máy tốt hơn.
Khi ông ấy gọi điện cho tôi nói thôi dừng hợp đồng, cô có thể tìm nhà tiêu thụ khác. Sau hồi lạnh toát người, mình bình tĩnh lại: “Tôi và ông cố hết sức, làm hòa vốn cũng làm, để vượt qua khủng hoảng”. Vị khách này đã gắn bó với tôi đến giờ, hàng không tồn kho, xuất xong là tiền về liền. Trong công ty tôi chỗ kệ dễ nhìn nhất bất cứ hàng tồn nào để lên, mọi người nhìn thấy mỗi ngày. Mình không cần lên nhà máy, chỉ nhìn camera vào chỗ đó thôi là biết nhà máy làm ăn thế nào rồi.
Vừa khủng hoảng, vừa giá nhựa lên, nhưng nhờ dự trữ được nguyên liệu nên không phải mua khi giá nhựa kịch trần, nhờ thế 6 tháng đến 1 năm mới điều chỉnh giá một lần. Từ đó tôi có thêm khách hàng Úc, Mỹ, Nigeria...
Bí quyết của chị để chinh phục khách hàng nước ngoài là gì?
Người nước ngoài thẳng thắn, không mua hàng của mình cũng thẳng thắn, nếu giữ tiêu chí chất lượng và giá thành ổn định, đó là sự tự tin.
Thứ hai dịch vụ khách hàng mình là người tương đối chỉnh chu, kiểu gì cũng trả lời khách hàng trong 24 tiếng.
Khách hàng chỉ cần hỏi một điều thôi mình đã trả lời đủ tất cả, để họ thấy mình hiểu về khách hàng, hiểu về sản phẩm rất rõ. Kể cả mua trách nhiệm bảo hiểm sản phẩm, bảo hiểm cho nhà máy, bảo hiểm cho thiết bị, để an toàn tài chính cho công ty.
Thử thách lớn nhất với cô gái 32 tuổi khi ra lập nhà máy là gì?
Mình quên hết, chẳng nhớ gì, chỉ thấy mừng vì mọi người vẫn bên cạnh. Để giữ được phong độ, đòi hỏi người dẫn đầu phải kiên trì.
Tôi thích tuyển những người trẻ, vì họ năng động, học nhanh hơn, thời gian họ ở với mình lâu hơn, kinh nghiệm mình truyền cho các bạn được lưu giữ dài hơn.
Một nhân viên của tôi rất đa năng, có thể làm việc hai-ba bộ phận, tự tin hơn nhiều. Là công ty Việt Nam nhưng tất cả trưởng bộ phận đều giỏi tiếng Anh hết, vì… sếp giỏi tiếng Anh mà (cười ).
Một điều rất thật, lúc trước vào công ty cũ mọi người không ưa mình vì thấy con bé trẻ măng cái gì cũng lao vào làm hết, sau một ngày đẹp trời, bị gọi bằng sếp, hết hồn luôn! Mình nhận ra hãy làm việc hết mình, quan tâm đến nhân viên nhiều hơn. Để tình thương của họ dành cho mình, phải rất chăm chỉ.
Trong lễ kỷ niệm 10 năm của công ty, món quà chị dành tặng khách mời là cuốn sách “Làm như chơi” của thầy Minh Niệm, quan niệm sống nào đã giúp chị có thể… làm như chơi?
Từ nhỏ tôi đã theo mẹ đi chùa, nhưng chưa ngộ ra. Làm thuê cho vài công ty, thấy bất công, tại sao mình làm giỏi lại không được tin tưởng. Khi làm chủ, thấy một vài người đi theo mình, chẳng có lý do gì ngoài yêu thương mình. Tôi đã suy nghĩ nhiều về điều đó, từ người tạp vụ đến trưởng bộ phận đều đối xử như nhau, đều cần nhau hết.
Lần đầu tiên gặp thầy Thích Nhất Hạnh, thầy kể câu chuyện dòng sông, trong nước có mây, trong mây có nước, có mặt trời… Câu chuyện này tôi luôn kể cho anh em nghe, để thấy chúng ta cần nhau. Đó là cách sống của mình.
Có thời gian xuống nhà máy nhìn thấy mặt bạn nào cũng xanh mét, căng thẳng, thấy không được. Phải chăng vì sợ sếp, sợ công việc? Tôi khích lệ cách bạn phải chia sẻ. Làm việc phải thoải mái, vui vẻ, vì thời gian ở công ty nhiều hơn ở nhà, áp lực để căng thẳng không được. Giờ anh em cũng đỡ nhiều. Mình rất cần mọi người, biết phải làm gì để giữ được điều đó.
Cho thì dễ, nhưng nhận thì khó, phải biết cách nhận. Tôi không đặt nặng vấn đề tiền bạc, chỉ làm trong khả năng của mình, để tốt nhất cho mọi người. Đó là sự ghi ơn và tri ân, giúp mình nhẹ nhàng hơn.
Có những chuyện tế nhị lắm. Một nhân viên nam rất giỏi của tôi một hôm ngỏ ý mượn tiền công ty để… “làm” em bé! Vợ chồng bạn ấy hiếm muộn, cũng “làm” mấy lần rồi, nhưng chưa được, giờ hết tiền. Tôi nói đề xuất đi. Khi hỏi thăm đã “đậu” em bé rồi, tôi xóa nợ luôn.
Anh ấy khóc quá trời. Chuyện đó và chuyện đi học lúc nào công ty cũng tài trợ hết. Nhờ thế không chỉ con gái, mà cả con trai cũng mở lòng với mình…
Kinh doanh vất vả nhưng lúc nào cũng thấy chị… xinh đẹp! Chị có thời gian chăm sóc ba đứa con và ngôi nhà mơ ước của mình không?
Tình yêu thật mọi người sẽ thông cảm. Thứ bảy chủ nhật mình dành hết cho con, chia sẻ như bạn, công bằng, không áp đặt. Ba đứa nhỏ thấy mình thỉnh thoảng căng thẳng đăm chiêu, rất xót xa mẹ, nói “mẹ thuê CEO đi, 10 năm rồi, vất vả nhiều rồi, cũng phải nghỉ ngơi chứ”.
Mình nói “con lớn nhanh lên làm thay mẹ để mẹ đi chơi”. Bạn lớn trả lời: “mẹ nghĩ đi, con có thể học ngành gì ngoài kinh doanh?”. Trời ơi, nghe sao mà hạnh phúc! Đó là con tự chọn, mình đâu có ép… Càng ngày thấy mình càng nữ tính, dựa dẫm vào con, cho con tự quyết định nhiều thứ
Giá trị nào từ ba mẹ mà chị trân trọng nhất?
Mẹ mình là người Hải Phòng, quyết đoán, cá tính, ba mình lại là người miền Trung đằm thắm, lãng mạn. Mình “nhặt” hết những cá tính của ba mẹ, và muốn truyền nó cho các con.
Để hiểu được con trẻ, cho con có tâm hồn, mình cho con học nhạc, tâm hồn sẽ nuôi sống con trong những lúc cuộc sống quá khó khăn.
Làm sếp, làm vợ, làm mẹ, cái nào khó nhất?
Chẳng có gì khó nếu mình biết rằng ai cũng có cái sai, biết tha thứ cho bản thân và tha thứ cho mọi người, sẽ thấy nhẹ nhàng hơn.
Trong mối quan hệ với con người, tôi không thấy ai xấu cả. Ngay từ bé đã mơ mộng, thích làm công chúa, công chúa thì phải tử tế, cẩn thận, chỉn chu. Cũng là áp lực rất lớn, phải sống cho đúng. Mỗi lần soi gương thấy cau mày, tôi tự nhủ cái mặt như vậy không ai tin mình có tâm hồn đẹp, cứ phải sửa hoài.
Gần đây, mỗi ngày tôi có thói quen lọc lại những gì mình làm không đúng mỗi ngày, nói lời chưa đẹp, làm điều chưa đúng, để chỉnh sửa mỗi ngày, tự cam kết mỗi buổi sáng để nhắc nhở mình.
Ngày trước tôi hay dằn vặt chưa làm được điều này, điều kia chọ mọi người, giờ mình đỡ mang vác trách nhiệm, làm trong sự vô tư, còn lại là hát hò. Hát là sướng rồi!
Hát cho bạn bè thì nhiều, nhưng tham gia cuộc thi Tình Bolero lại là chuyện khác, nó mang lại cho chị ý nghĩa gì?
Áp lực hơn làm kinh doanh nhiều! Mỗi tuần một bài, chưa bao giờ sướng vậy, vì được sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc của bài hát đó, cảm xúc theo mình cả mấy ngày sau. Mình nhận ra giá trị khát khao yêu thương trong mình, hiểu được nó khi hát thật từ đáy ruột đáy gan, từ đó tự tin hơn nhiều, Tới giờ 3-4 tháng mà vẫn còn lâng lâng…
Chị còn vừa ra mắt MV đầu tay “Túy ca” buồn đến nhức lòng?
Bài đó ấp ủ nhiều rồi. Mình hát và sống rất thật, y như tiểu thuyết ấy. Bản thu âm đúng vào ngày sinh nhật mình, chỉ là hát thử thôi nhưng nghe thấy khắc khoải quá, thế là quay MV luôn. Cũng là một kỷ niệm…
Chị có rất nhiều bạn bè, điều gì khiến cho chị giữ được những tình bạn bền lâu?
Có thứ không thể chia sẻ được với người thân, chỉ có thể nói với bạn. Trong tình bạn phải chân thật mới được lắng nghe, chia sẻ, có được lời khuyên.
Cuộc sống vốn buồn, đầy lo toan, mỗi lần mình xuất hiện chỉ muốn mọi người vui thôi, nên lúc nào gặp nhau cũng tung tăng, nhí nhảnh, muốn làm cho mọi người bớt buồn đi hơn là làm chuyện gì khác. Mình không làm được gì nhiều thì cũng để mọi người thấy mình lạc quan…
Còn trong tình yêu?
Mình trải tình yêu ra nhiều nơi, tình yêu với đồng nghiệp, tình yêu với con cái, tình yêu với thiên nhiên là nhiều nhất, nên “full” lắm, không có thời gian trống.
Không nên tập trung tình yêu vào một chỗ, vì tập trung sẽ mong cầu. Dàn trải đều ra sẽ là lựa chọn đúng hơn để an bình, hy vọng thế.
Theo Kim Yến/Bizlive
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo